08:10 06/08/2011

Quy hoạch phát triển thiếu bền vững tại Quy Nhơn - Bình Định: Lợi bất cập hại

Theo Bộ Tài Nguyên và Môi trường, hậu quả của ô nhiễm môi trường là những tác động tổng hợp tới sức khỏe cộng đồng, sản xuất nông nghiệp, gây ra những thiệt hại không nhỏ về kinh tế và ảnh hưởng xấu tới các hệ sinh thái tự nhiên...

Quy Nhơn là thành phố biển của Bình Định vừa được nâng cấp lên đô thị loại I trực thuộc tỉnh năm 2010. Song chính sự quy hoạch và phát triển quá “nóng” trong những năm qua của thành phố đã và đang bộc lộ những yếu tố thiếu bền vững, gây nên những hậu quả nhiều mặt cho đời sống kinh tế - xã hội mà sự khắc phục không thể trong một sớm một chiều.

Khu công nghiệp “hiu hắt”

Đó là Khu kinh tế Nhơn Hội nằm trên bán đảo Phương Mai được khởi dựng từ năm 2008 thuộc thành phố Quy Nhơn, được tỉnh Bình Định coi đó là một trong những “biểu tượng” của sự nghiệp công nghiệp hóa ở địa phương với diện tích 12.000 ha. Với mục tiêu đến năm 2015 Khu kinh tế sẽ thu hút được tổng vốn đăng ký đầu tư khoảng 40.000 tỷ đồng (lớn gấp 13 lần tổng thu ngân sách tại chỗ năm 2010 của tỉnh), tạo việc làm mới cho khoảng 10.000 lao động.

Nhưng cho tới thời điểm hiện tại, các doanh nghiệp thực sự đầu tư vào Khu kinh tế Nhơn Hội chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Những nhà đầu tư vào khu công nghiệp này sau khi tận thu cạn kiệt quặng titan trên vùng đất họ được giao quản lý để giải phóng mặt bằng đều “một đi không trở lại”.

Lý giải về thực trạng “hiu hắt” này, ông Đinh Văn Tiên, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, Giám đốc Văn phòng điều phối về biến đổi khí hậu (CCCO) tỉnh Bình Định cho biết: Khi quy hoạch phát triển Khu kinh tế Nhơn Hội nói riêng, các nhà hoạch định chính sách đã không tính đến sự biến đổi khí hậu và các yếu tố tác động đến môi trường. Do đó, những cánh rừng và thảm thực vật vốn có sẵn ở khu vực hầu hết bị hủy diệt. Dẫn đến nạn ngập lụt, xói lở bờ biển, bờ đầm, xâm nhập mặn và hạn hán khốc liệt hơn, đặc biệt là nạn cát bay, cát chạy ngày càng gia tăng. Bởi vậy, các nhà đầu tư e ngại nhà máy và những sản phẩm của mình sẽ bị ảnh hưởng nặng nề do những yếu tố thiên nhiên bất lợi đó, nên họ tự động rút lui là điều khó tránh khỏi.

Titan-lợi bất cập hại

Bờ biển Bình Định là một trong những nơi phát lộ quặng titan khá lớn trên tuyến biển miền Trung, trong đó có Quy Nhơn. Mặc dù Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ cấp 5 giấy phép khai thác và thăm dò loại khoáng sản này cho các doanh nghiệp nhưng với lý do tận thu tài nguyên trong quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa, cuối năm 2009, UBND tỉnh Bình Định đã cấp thêm 25 giấy phép cho các doanh nghiệp khai thác hơn 650.000 tấn/năm. Khu kinh tế Nhơn Hội cũng đã từng có nhiều doanh nghiệp rầm rộ tận thu titan, trước khi họ triển khai dự án kinh doanh theo giấy phép đã được cấp. Riêng năm 2009, các doanh nghiệp trên địa bàn đã khai thác được 400.000 tấn quặng, mang lại nguồn lợi khoảng 700 tỉ đồng, nhưng ngân sách địa phương thu được chưa đầy 100 tỉ đồng. Trong đó, sản lượng titan khai thác tăng vọt so với năm 2008 là do các dự án tận thu tại Khu kinh tế Nhơn Hội.

Mặt khác, để chế biến sâu titan buộc doanh nghiệp phải đầu tư rất lớn cho dây chuyền thiết bị, điện năng lại tiêu thụ nhiều. Do vậy, phần lớn lượng titan khai thác ở đây đều bán sang tay cho các doanh nghiệp ở ngoài tỉnh. Bình Định chỉ thu được tiền thuê đất là 20 triệu đồng/ha, thuế tài nguyên là 50.000 đồng/tấn, trong khi hậu quả về môi trường, xã hội do khai thác titan gây ra là rất nặng nề. Chưa kể một số doanh nghiệp sau khi tận thu titan xong đã “bỏ của chạy lấy người”, không hề hoàn nguyên thổ lại như đã cam kết.

Ông Lê Anh Tuấn, cán bộ Ban quản lý Khu kinh tế Bình Định cho biết: Nạn “cát nhảy” và ngập lụt cục bộ kéo dài ở khu kinh tế này là do tận thu titan đã hủy diệt hệ thống rừng phòng hộ và làm biến dạng kết cấu nền đất. Dù tỉnh đã phải thành lập Ban xử lý cát cho khu kinh tế nhưng hiệu quả mang lại rất thấp.

Cũng chính vì nạn khai thác quặng titan tràn lan đã gây ra thảm họa sạt lở bờ biển ở những vùng có titan, đơn cử như vùng làng chài Lý Hòa thuộc xã Nhơn Lý, thành phố Quy Nhơn. Ngư phủ Nguyễn Kim Hiệp, 67 tuổi than thở: “Gia đình tôi và nhiều bà con trong thôn đã phải dời nhà 3 lần rồi nhưng nào có yên, vì bãi cát sụt lún do khai thác titan nên sóng biển thốc vào bờ ngày càng dữ gây sạt lở mạnh hơn".

Hệ lụy từ đô thị hóa

Theo Bộ Tài Nguyên và Môi trường, hậu quả của ô nhiễm môi trường là những tác động tổng hợp tới sức khỏe cộng đồng, sản xuất nông nghiệp, gây ra những thiệt hại không nhỏ về kinh tế và ảnh hưởng xấu tới các hệ sinh thái tự nhiên. Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam có thể phải chịu tổn thất do ô nhiễm môi trường lên tới 5,5% GDP mỗi năm. Theo kết quả nghiên cứu gần đây của Cục Y tế, Bộ Giao thông Vận tải, ước tính thiệt hại kinh tế do ô nhiễm không khí đối với dân nội thành Hà Nội là 66,33 triệu USD/năm, đối với dân nội thành TP Hồ Chí Minh là 70,96 USD/năm.

Minh chứng nữa về sự quy hoạch phát triển thiếu tính bền vững của thành phố Quy Nhơn dẫn đến hệ lụy không đáng có, đó là việc tiến hành đô thị hóa tại phường Nhơn Bình. Đây là vùng đất trũng thấp nằm cuối hạ lưu sông Hà Thanh và là “rốn lũ”của thành phố, đồng thời là nơi thoát lũ của cả vùng. Ngoài việc hình thành Khu đô thị-thương mại Bắc sông Hà Thanh và xây dựng Trường Đại học Quang Trung đã thu hẹp diện tích chứa nước và bóp nghẹt dòng chảy, tỉnh còn cho phép mở mới tuyến đường vào Nhà máy xử lý nước thải tại phường, đã vô tình vô hiệu hóa con đường đa chức năng cũ cách đó 500m, lâu nay vừa là đường giao thông, lại vừa làm đập ngăn mặn và xả lũ. Cho nên kể từ khi những công trình này được xây dựng, vào mùa mưa bão hàng năm phường Nhơn Bình luôn rơi vào thảm cảnh ngập lụt kéo dài trên diện rộng, riêng trận lũ năm 2009 đã gây thiệt hại lên tới 4 tỷ đồng.

Ngay cả đầm Thị Nại rộng trên 5.000 ha được ví như lá phổi của thành phố Quy Nhơn và nằm trong Kế hoạch Hành động đa dạng sinh học quốc gia, nhưng cũng không tránh khỏi những tác động xấu của quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa. Hiện những diện tích đắc địa ven đầm đã và đang bị lấn chiếm để xây dựng các khu đô thị mới như An Phú Thịnh, Hà Thanh... dẫn đến hàng trăm ha rừng ngập mặn bị san lấp, hủy hoại; cộng với hàng nghìn tấn chất thải các loại đổ xuống hàng năm gây ra bồi lắng đáy đầm, ô nhiễm môi trường, đe dọa đến sự đa dạng sinh học và đời sống của các hộ dân nuôi trồng thủy sản.

Sau chuyến khảo sát thực địa tìm hiểu về công tác quy hoạch phát triển thành phố Quy Nhơn, bà Nantiya Tangwsutijit - Điều phối viên Viện Môi trường Stockholm (SEI-Thụy Điển) khẳng định: “Những hậu họa do quy hoạch phát triển thiếu bền vững, vì không tính đến yếu tố biến đổi khí hậu và tác động xấu đến môi trường vẫn có thể loại bỏ được trong tương lai”. Do đó, thành phố Quy Nhơn và các địa phương ở Việt Nam cần phải xây dựng chiến lược phát triển lâu dài trong điều kiện biến đổi khí hậu, nhất là những vùng ven biển trước hiện tượng biển tiến do nước biển dâng.

Thành Hiển - Văn Hào