03:10 04/03/2011

Quy hoạch lễ hội, nên bắt đầu từ đâu? (Bài cuối)

Vấn đề quy hoạch lễ hội gần đây được các nhà quản lý, các nhà nghiên cứu đặt lên bàn cân, nhiều ý kiến, quan điểm khác nhau đã được đưa ra. PV Tin Tức có cuộc trao đổi với PGS.

Vấn đề quy hoạch lễ hội gần đây được các nhà quản lý, các nhà nghiên cứu đặt lên bàn cân, nhiều ý kiến, quan điểm khác nhau đã được đưa ra. PV Tin Tức có cuộc trao đổi với PGS.TS Nguyễn Văn Huy, nhà nghiên cứu văn hóa - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản các nhà khoa học Việt Nam, về vấn đề này.

Bài cuối: PGS.TS Nguyễn Văn Huy: Chỉ nên quy hoạch đối với các Festival và lễ hội hiện đại!

Có ý kiến cho rằng, chúng ta đang có quá nhiều lễ hội, gây lãng phí tiền của của Nhà nước và nhân dân. Vậy quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào, thưa ông?

Trước hết, chúng ta cần phân biệt rõ các khái niệm: Ngày xưa các cụ bảo “đi trẩy hội” chứ không ai bảo “đi trẩy lễ hội” cả. Lễ hội là khái niệm hoàn toàn mới. Nhiều nhà văn hóa tự biện rằng hội gồm phần Lễ và phần Hội, rồi phần Lễ phải cúng và phần Hội là các trò chơi, từ đó bảo lễ hội phải bớt phần Lễ, mở rộng phần Hội để bớt mê tín dị đoan... Đó là những quan niệm không chính xác.

Thực chất hội là một tổng thể, một tập hợp đầy đủ các hoạt động, không có sự chia tách ra phần Lễ và phần Hội như một số hoặc đa số các nhà nghiên cứu tách ra. Theo tôi, khi bàn về hội dân gian, hội truyền thống thì nên gọi là hội, còn khi bàn về các Festival hiện đại thì ta có thể dùng từ lễ hội như người ta quan niệm.

Trò chơi có thưởng - hình ảnh phản cảm tại nhiều lễ hội. Ảnh: Lê Phú


Việc có nhiều ngày hội là điều đáng mừng, là niềm tự hào của dân tộc. Hầu như làng nào cũng có ngày hội. Đó là hội làng. Những ngày hội truyền thống ở nước ta thường gắn với tâm linh hoặc tổ nghề, thành hoàng làng như ngày hội Phù Đổng, hội Lim, hội Giá…

Ở các dân tộc thiểu số thì những ngày hội chủ yếu gắn liền với tâm linh, gắn liền với những vị thần hoặc những tập tục của làng. Tuy nhiên, trong một thời gian rất dài, kể cả những năm kháng chiến chống Pháp (1946- 1954), kháng chiến chống Mỹ cứu nước cho đến tận những năm 1975… với quan niệm lễ hội là mê tín dị đoan, làm mất nhiều thời giờ và công sức, tiền của của cộng đồng nên cả một thời kỳ ta dẹp bỏ những hội đó.

Mãi đến những năm 1980, các lễ hội mới quay trở lại. Nhưng mấy chục năm dẹp bỏ hội đã khiến chúng ta phải chịu một cái giá khá đắt. Đó là bị đánh mất bản sắc văn hóa, mất đi những bản sắc của cộng đồng, đánh mất nhiều tính nhân văn.

Vấn đề quy hoạch lễ hội gần đây được các nhà quản lý, các nhà nghiên cứu đưa ra thảo luận, nhiều ý kiến cho rằng cần có một quy hoạch tổng thể về lễ hội trên phạm vi cả nước, lễ hội nào quan trọng thì nâng lên làm lễ hội quốc gia, những lễ hội nhỏ thì bỏ bớt để tránh lãng phí. Theo ông, việc này có nên hay không? Nếu làm thì nên làm thế nào?

Việc phàn nàn nước ta có quá nhiều lễ hội, tôi cho rằng, đó là người ta bức xúc về các lễ hội hiện đại, bởi những lễ hội này tốn rất nhiều công sức, tiền của và hoàn toàn không xuất phát từ nhu cầu thực sự của cộng đồng như những lễ hội mang tính chất nghề nghiệp, doanh nghiệp, chính trị, văn hóa, xã hội mà ta gọi là Festival mới. Hoặc rất nhiều lễ hội mang tính du lịch như các lễ hội của Huế, Hạ Long, Đà Nẵng…

Những lễ hội này liên quan đến kinh phí của Nhà nước, liên quan đến các hoạt động chính trị và văn hóa từ Trung ương đến khu vực, đến cấp tỉnh, cấp huyện... những lễ hội kiểu này rất nhiều, rất tốn kém kinh phí mà chủ yếu là của Nhà nước, và có một phần của các doanh nghiệp đầu tư vào bằng hình thức xã hội hóa…

Nhưng điều quan trọng nhất là tất cả những liên hoan, những lễ hội ấy đều do hệ thống chuyên nghiệp làm, không thực sự là có giá trị về văn hóa, cái nào cũng na ná nhau khiến cộng đồng chán và không có nhu cầu xem. Đối với các lễ hội hiện đại như vậy, theo tôi rất cần thiết phải có quy hoạch và xây dựng hệ thống tổ chức tốt hơn.

Vậy còn đối với các ngày hội truyền thống, thì chúng ta cần làm gì để giữ được bản sắc, thưa ông?

Đối với lễ hội truyền thống tồn tại lâu đời, tôi cho rằng không thể quy hoạch được. Bởi tất cả những ngày hội đó là một nhu cầu của nhân dân, nhu cầu của cộng đồng. Dù rằng Nhà nước không đầu tư vào, mà Nhà nước cũng không nên đầu tư vào đấy.

Nếu thấy cần, cộng đồng sẽ tự bỏ tiền phục hồi. Quan điểm của tôi là không nên suy nghĩ về vấn đề quy hoạch lễ hội với cách mở cái này, dẹp cái kia, cho cái này nó mở rộng lên nhiều làng, nhiều khu vực…

Những ý nghĩ đó rất không thực tế. Điều nên làm là để các cộng đồng tự tổ chức các hoạt động văn hóa truyền thống liên quan đến các ngày hội, các hoạt động tâm linh. Họ tự làm và họ tự quyết định, cố gắng giữ ở cấp độ làng, xã như từ xưa họ vẫn làm, cũng không nên nâng lên hay mở rộng ra.

Bởi chính các cụ ngày xưa đã quy hoạch rất chuẩn. Ngày hội nào, cần bao nhiêu thôn, bao nhiêu xóm người ta đã xác định rồi. Đó là nét văn hóa và bản sắc văn hóa ở từng cấp độ nhỏ nhất. Nếu ta giữ và khôi phục được thì chính là ta giữ được bản sắc của dân tộc.

Nước ta có nhiều lễ hội là điều đáng mừng, là niềm tự hào, song sai lầm của chúng ta là cứ muốn nâng cấp các lễ hội ấy lên, nó phải lên cấp tỉnh, cấp cụm, cấp khu vực, cấp quốc gia... Những kiểu quy hoạch như thế là những kiểu quy hoạch phá vỡ văn hóa truyền thống. Cần phải quay trở lại, làm thế nào để tổ chức lễ hội hiệu quả nhất ở chính cộng đồng của mình, ở chính nơi sinh ra lễ hội ấy.

Tôi lấy ví dụ như Hội Gióng, tuy bây giờ đã được UNESCO công nhận, nhưng vẫn nên giữ Hội Gióng ở mức độ là ngày hội của làng Phù Đổng, chứ không phải ngày hội của huyện đó hay nâng nó lên thành ngày hội cấp quốc gia. Việc nâng cấp các lễ hội, chủ yếu để được đầu tư, để có nhiều tiền, vừa tốn kém tiền của Nhà nước, lại vừa làm hỏng lễ hội. Chúng ta nên có chủ trương và giữ ngày hội đó ở cấp địa phương theo đúng văn hóa địa phương, chứ không phải văn hóa quốc gia hay khu vực.

Xin cảm ơn ông!

Phương Lan (thực hiện)