08:07 28/08/2014

Quy hoạch cải tạo các chung cư cũ

Cải tạo chung cư cũ đã được thành phố Hà Nội đề ra cả chục năm nay, tuy nhiên việc triển khai gần như vẫn “dậm chân tại chỗ”.

Cải tạo chung cư cũ đã được thành phố Hà Nội đề ra cả chục năm nay, tuy nhiên việc triển khai gần như vẫn “dậm chân tại chỗ”.


E ngại chậm tiến độ xây dựng


UBND thành phố Hà Nội vừa quyết định di dời toàn bộ các hộ dân tại đơn nguyên III, thuộc dãy nhà C8 (Giảng Võ, Ba Đình) để bảo đảm an toàn cho hộ dân. Dãy nhà C8 gồm 3 đơn nguyên 5 tầng được xây dựng từ những năm 1960. Năm 2009, C8 được đánh giá chung là nguy hiểm cấp độ C. Đến tháng 6/2013 thì đơn nguyên III là cấp độ D, hai đơn nguyên I và II lên cấp độ B.

Sự xuống cấp tại dãy nhà C8 Giảng Võ.

Năm 2013, do đơn nguyên III xuất hiện tình trạng khe nứt lớn giữa cầu thang với tường và mái nên các đơn vị đã được cử đến sửa chữa, khắc phục, lắp thêm khung thép để chống đỡ. Nhưng sau đó các hộ dân tại đơn nguyên này lại không đồng ý di dời theo quyết định của UBND thành phố, với lý do đã yên tâm với việc sửa chữa tạm thời.


Ông Hoàng Văn Nhâm, Tổ trưởng tổ dân phố số 39, cụm dân cư số 8, phường Giảng Võ, khẳng định: “Sau khi cải tạo sửa chữa, việc lún, nứt, đứt, gãy tại đơn nguyên III không còn nữa”. Còn anh Nguyễn Văn Thu, người đã sống trong căn hộ 318 hơn 30 năm cho biết: "Nhà C8 đã được trát lại, người dân chúng tôi rất an tâm".

 

Lan can hành lang bị trơ sắt.

Câu chuyện từ người dân của dãy nhà C8 cho thấy đang tồn tại một nghịch lý: Trong lúc chính quyền các cấp lo lắng về sự an toàn của các hộ dân đang sống trong những chung cư nguy hiểm, nhất là vào mùa mưa bão, thì một bộ phận người dân vẫn "bám trụ". Tuy nhiên khi trao đổi tại sao không di dời để xây dựng căn hộ mới thì người dân đều phản ánh sự lo lắng nếu đi không biết ngày về. “Tại sao chúng tôi chưa muốn di dời là vì nhìn C1 Thành Công và B6 Giảng Võ sẽ thấy người dân di dời 6 - 7 năm mà chưa được quay về", ông Hoàng Văn Nhâm chia sẻ.


Hầu hết người dân khu tập thể Giảng Võ phản ánh, việc cải tạo chung cư cũ là hợp lý nhưng hiện tại, họ rất băn khoăn về tiến độ, mức đền bù, tái định cư và việc thực hiện cam kết của nhà đầu tư...


Sự lỏng lẻo trong quản lý, dân số tăng lên dẫn đến nhiều gia đình cơi nới để đáp ứng nhu cầu sống khiến các khu chung cư cũ ngày càng xuống cấp trầm trọng. Nhiều gia đình cơi nới “lồng chim”, “chuồng cọp” cả phía trước, phía sau vẫn không đủ không gian sống. Như gia đình ông Nguyễn Đình Hiệp, phòng 106, B13 tập thể Kim Liên, cả 3 thế hệ 10 người cùng sinh sống trong một căn nhà rộng chỉ 26 m2.


Đột phá từ quy hoạch


Ông Bùi Xuân Tùng, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc (QHKT) cho biết: Hà Nội có 1.155 chung cư cũ, tập thể thấp tầng, cơ bản đã xuống cấp. Việc cải tạo chung cư cũ là yêu cầu cấp bách nhưng hiện các dự án cải tạo chủ yếu đang thực hiện đơn lẻ theo từng dãy nhà, chưa đáp ứng yêu cầu tổng thể khớp nối cơ sở hạ tầng, không gian chung. Đơn cử như dự án thí điểm khu chung cư cũ Nguyễn Công Trứ, sau nhiều năm mới có một nhà cao tầng được triển khai xây dựng.

 

Sở Xây dựng đang lấy ý kiến của các sở, ngành để hoàn thiện Dự thảo chỉnh sửa Quyết định 48 về cơ chế cải tạo chung cư cũ. Dự kiến, sẽ có một số điểm mới về quyền lợi của người dân như: Thống nhất hệ số đền bù nhà tái định cư người dân được tham gia góp vốn bằng tài sản chính là căn hộ; có hệ số ưu tiên nếu người dân di chuyển ra khỏi khu vực nội đô... Sở Xây dựng sẽ lấy ý kiến các sở, ngành, địa phương và sẽ tổng hợp chuẩn bị tổ chức hội thảo vào cuối tháng 9 trước khi lấy ý kiến nhân dân rộng rãi.

Vướng mắc chung đối với những dự án chung cư cũ là nằm trong khu vực kiểm soát hạn chế nhà cao tầng, giảm dân số trong nội đô. Sự mâu thuẫn giữa yêu cầu giảm dân số và tái thiết, gây ra áp lực cho cải tạo chung cư cũ. Các nhà đầu tư đều đề nghị xây dựng lại chung cư cũ với mật độ, chiều cao công trình cao hơn quy định cho phép.


Theo Sở Xây dựng Hà Nội, hiện thành phố có 23 khu chung cư cũ (cao từ 4 - 6 tầng) và 10 khu thấp tầng (1- 3 tầng) cần sớm cải tạo, xây dựng lại do đã xuống cấp. Thành phố đã giao các đơn vị nghiên cứu, điều tra xã hội học để lập quy hoạch chi tiết cho 16 khu chung cư cũ, trong đó 5 khu nhà nguy hiểm đang triển khai thi công xây mới.


“Do Nhà nước và người dân không đủ vốn thực hiện cải tạo mới nên trước đây, việc cải tạo chung cư cũ huy động sự tham gia của doanh nghiệp với việc được kinh doanh ở tầng dưới và được bán số tầng xây dựng thêm để bù đắp chi phí. Chính vì vậy, việc cải tạo các khu chung cư cũ này giao cho các chủ đầu tư khác nhau. Tuy nhiên, trong quá trình thương thảo với các hộ chủ sở hữu, các tiêu chuẩn bồi thường, hỗ trợ tái định cư không đồng bộ giữa các khu, dẫn đến những khó khăn về giải phóng mặt bằng”, đại diện sở Xây dựng Hà Nội cho biết.


Cũng theo ông Bùi Xuân Tùng, chính việc giao cho các chủ đầu tư tự đàm phán hệ số đền bù dẫn đến người dân các khu nhìn nhau và so sánh. Đơn cử như khu Thành Công, lấy ý kiến lần đầu về việc cải tạo chung cư, họ đều đồng ý nhưng khi lấy ý lần hai thì người dân đều phản đối với lý do hệ số đền bù khu Giảng Võ cao hơn. Bên cạnh đó, hiện một số dự án chỉ triển khai ở vị trí thuận lợi ở trung tâm, có khả năng thu hồi vốn. Trong khi đó, các dự án khác hiện không rõ các đơn vị đã triển khai quy hoạch và điều tra xã hội học đến đâu.


Đại diện Sở Tài chính cũng cho rằng, việc để người dân tự mặc cả hệ số đền bù với chủ đầu tư đang gây ra những khó khăn cho công tác cải tạo chung cư cũ. Khi thị trường bất động sản còn sôi động, việc thỏa thuận hệ số đền bù như cuộc chạy đua, vượt quá quy định thành phố và đang để lại không ít hệ lụy. Còn đại diện Sở Tài nguyên và Môi Trường cũng thừa nhận, việc chủ đầu tư và các hộ thỏa thuận hệ số đền bù nhà tái định cư hiện không còn phù hợp với yêu cầu khống chế tầng cao, giảm mật độ dân số.


Theo ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, từ các dự án cải tạo khu chung cư cũ hiện nay cho thấy, vấn đề khó nhất là cân đối tài chính. Doanh nghiệp hoạt động với mục tiêu là lợi nhuận, nếu nâng hệ số đền bù thì sẽ phải nâng tầng cao công trình. Do đó, quy hoạch các khu chung cư cũ này phải làm đồng bộ, không thể triển khai manh mún từng tòa nhà. Thành phố sẽ đứng ra làm quy hoạch cải tạo các khu chung cư cũ, từ đó có đề bài để kêu gọi nhà đầu tư. Sở QHKT rà soát toàn bộ các nhà đầu tư đã thực hiện việc triển khai quy hoạch, xã hội học tại các khu chung cư cũ và nêu rõ hiện trạng công việc của từng nhà đầu tư đã thực hiện. Việc cải tạo các chung cư cũ sẽ ưu tiên chọn ra khu trọng yếu, nhiều nhà nguy hiểm như khu Giảng Võ, Thành Công để làm và phải đưa ra đích, tiến độ.

 

Ông Nguyễn Văn Thịnh, Phó Chánh Văn phòng UBND thành phố Hà Nội:

Rà soát lại các dự án đã giao cho doanh nghiệp

Trước đây, khi thành phố chưa có quyết định quy hoạch chung, doanh nghiệp đề xuất dự án cải tạo chung cư cũ lập quy hoạch, khảo sát xã hội học và đàm phán hệ số đền bù. Nay thành phố đã có quy hoạch chung thì việc quy hoạch các khu chung cư cũ rút về giao cho đơn vị chức năng của thành phố triển khai. Trước mắt, quy hoạch giải quyết vấn đề tổng mặt bằng, kết nối không gian, hệ số sử dụng đất, quy mô dân số. Từ đó, có cơ sở, điều kiện để kêu gọi đầu tư, lập dự án.

 

Ông Lâm Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng:

Nên triển khai tổng thể khu chung cư cũ

Thực tế, tiến độ triển khai các dự án cải tạo chung cư cũ trên địa bàn rất chậm. Nhà nước bỏ vốn ra làm quy hoạch là cách làm hay, kiềm chế được việc xin điều chỉnh nâng tầng của nhà đầu tư. Một số dự án giao cho nhà đầu tư lập quy hoạch nhưng bao giờ lập quy hoạch cũng gắn với các khâu thiết kế, thi công và các phương án quy hoạch đều hướng tới mục tiêu có lợi cho kinh doanh. Do đó, để thúc đẩy nhanh việc cải tạo, trước hết phải có quy hoạch chung và khi tiến hành nên triển khải cả khu, chứ không nên làm riêng lẻ từng dãy nhà, rất bất lợi trong việc kết nối hệ thống hạ tầng.

Bà Đinh Thị Thu, Tổ trưởng tổ dân phố B13, khu tập thể Kim Liên:

Mong sớm cải tạo

Người dân chúng tôi mong sớm cải tạo lại các khu chung cư cũ vì đã xuống cấp trầm trọng, như khu B13 chúng tôi ngoài việc bị xuống cấp còn bị lún, nứt bởi ảnh hưởng của việc xây dựng khu tái định cư B14. Việc này đã được chủ đầu tư giám định và cho sửa chữa. Tuy nhiên, đó chỉ là giải pháp tạm thời, sau khi sửa chữa thì các vết nứt vẫn tiếp tục xuất hiện trên tường, trên trần nhà, cầu thang, tầng mái thường bị ngấm nước khi có mưa. Không chỉ riêng B13 mà các khu như B11, B12, B5, B6... tình trạng xuống cấp cũng khá rõ ràng. Năm 2012, thành phố đã có quyết định cho phép cải tạo khu B và có xin ý kiến của các tổ dân phố. Chúng tôi đồng thuận để chủ đầu tư tiếp tục xây dựng khu chung cư 17 tầng và 2 tầng hầm. Nhưng từ hồi có quy hoạch chung, thành phố chỉ cho làm 9 tầng nên hiện tại cũng chưa biết khi nào mới đi vào xây dựng.

Xuân Minh - Hà Liên