04:10 17/04/2011

“Quốc tế hóa” nhân lực công nghệ thông tin

Bộ Thông tin và Truyền thông đặt mục tiêu: Đến năm 2015 có 30% số lượng sinh viên công nghệ thông tin, điện tử viễn thông tốt nghiệp đại học đủ khả năng chuyên môn và ngoại ngữ để tham gia thị trường lao động quốc tế; tỷ lệ này vào năm 2020 sẽ là 80%.

Bộ Thông tin và Truyền thông đặt mục tiêu: Đến năm 2015 có 30% số lượng sinh viên công nghệ thông tin, điện tử viễn thông tốt nghiệp đại học đủ khả năng chuyên môn và ngoại ngữ để tham gia thị trường lao động quốc tế; tỷ lệ này vào năm 2020 sẽ là 80%. Tỷ lệ người dân sử dụng Internet đạt trên 50% vào năm 2015 và 70% vào năm 2020. Với những mục tiêu như vậy, con đường đi tới đích trở thành vấn đề lớn.

Một giờ học chuyên ngành của sinh viên Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông. Ảnh: Minh Tú - TTXVN

Thị trường rộng mở

Công nghệ thông tin (CNTT) là động lực quan trọng góp phần bảo đảm sự tăng trưởng và phát triển bền vững của đất nước, nâng cao tính minh bạch trong các hoạt động của cơ quan Nhà nước, tiết kiệm thời gian, kinh phí cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp (DN) và người dân. Năm 2009, cả nước có 295 nghìn lao động làm việc trong lĩnh vực CNTT, trong đó có 55% làm việc trong các DN phần cứng, điện tử, 25% hoạt động ở các công ty phần mềm và 20% nghiên cứu ở các đơn vị nội dung số. Tốc độ tăng trưởng trong lĩnh vực phần cứng là 10% và phần mềm, nội dung số là 50%/năm. Dù trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế toàn cầu, ngành công nghiệp CNTT Việt Nam vẫn tăng trưởng trên 20% năm 2009, đạt doanh thu trên 6,26 tỷ USD, xấp xỉ 7% GDP. Đặc biệt, một số lĩnh vực có mức tăng trưởng cao như công nghiệp phần mềm khoảng 35-40% với doanh thu đạt 880 triệu USD; công nghiệp nội dung số khoảng hơn 50%, đạt doanh thu gần 700 triệu USD.

Mục tiêu cụ thể về nguồn nhân lực CNTT của Việt Nam đến năm 2015 là 30% số lượng sinh viên CNTT, điện tử viễn thông tốt nghiệp đại học có đủ khả năng chuyên môn và ngoại ngữ để tham gia thị trường lao động quốc tế; tỷ lệ này vào năm 2020 sẽ là 80%. Tỷ lệ người dân sử dụng Internet đạt trên 50% vào năm 2015 và 70% vào năm 2020. Đặc biệt, tổng số nhân lực tham gia hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp CNTT đến năm 2020 đạt 1 triệu người, bao gồm nhân lực hoạt động trong nước và nhân lực tham gia xuất khẩu.

Theo Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trần Đức Lai, đầu ra cho 1 triệu lao động CNTT đã được đảm bảo. Dự báo đến năm 2015, các DN trong lĩnh vực CNTT cần khoảng 554.000 lao động, trong đó khoảng 50% có trình độ cao đẳng và đại học trở lên. Trên thế giới, năm 2010 cũng thiếu khoảng 3 triệu lao động có trình độ đại học về CNTT và đến năm 2020, con số này là 10 triệu. Đây là một cơ hội cho Việt Nam tham gia thị trường lao động CNTT quốc tế. Tuy nhiên để đạt được điều đó còn phụ thuộc vào chất lượng nguồn nhân lực CNTT của Việt Nam. Có thể thấy tương lai đầu ra của ngành CNTT là rất sáng sủa, vấn đề là tổ chức đào tạo đội ngũ kỹ thuật viên này như thế nào.

Tìm giải pháp đào tạo

Giải pháp nào đào tạo phát triển nguồn nhân lực CNTT tại Việt Nam đạt tiêu chuẩn quốc tế nhằm mở đường để thực hiện tốt Đề án “Đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về CNTT và truyền thông”? Để giải quyết vấn đề này, ngay trong quý I/2011, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức lấy ý kiến của đại diện các cơ sở đào tạo CNTT-TT và các DN trong cả nước nhằm tìm ra giải pháp để giải quyết các vướng mắc còn tồn tại trong đào tạo nhân lực CNTT tại Việt Nam.

Đáng chú ý là chỉ tiêu đến năm 2020 tỷ trọng CNTT-TT đóng góp vào GDP đạt từ 8 - 10 %; tốc độ tăng trưởng doanh thu hằng năm đạt từ 2-3 lần tốc độ tăng trưởng GDP trở lên. Như vậy để hiện thực chỉ tiêu này sẽ liên quan chặt chẽ đến các vấn đề: Nguồn nhân lực CNTT, công nghiệp CNTT, hạ tầng viễn thông băng rộng, phổ cập tin học, ứng dụng CNTT, xây dựng DN và phát triển thị trường CNTT-TT. Trong đó, việc phát triển nguồn nhân lực CNTT là rất quan trọng.

Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Doãn Hợp, đào tạo CNTT ở Việt Nam có điểm mạnh là có nguồn nhân lực trẻ, đầy tiềm năng. Khả năng về logic và toán học của sinh viên tốt. Cùng với truyền thống cần cù, chịu khó, người Việt Nam có khả năng nâng cao trình độ nhanh và dễ thích nghi với điều kiện làm việc cường độ cao. Tuy nhiên, ba hạn chế lớn của sinh viên CNTT mới ra trường là: Khả năng giao tiếp ngoại ngữ kém; kỹ năng mềm như trình bày, làm việc nhóm, cập nhật công nghệ mới còn thiếu; thiếu kiến thức, khả năng tư duy và làm việc độc lập.

Ông Nguyễn Thượng Hải, Giám đốc Phụ trách giáo dục Intel Việt Nam cũng rất đồng tình với quan điểm trên và ông cho biết: Ưu tiên số một của Intel là phát triển đội ngũ kỹ sư Việt Nam để thay thế các chuyên gia nước ngoài. Đồng thời, công ty cần đội ngũ nhân viên giỏi với khả năng làm việc trong môi trường đa quốc gia để giúp vận hành nhà máy một cách hoàn hảo. Song thách thức đối với Intel Việt Nam hiện nay là 100% nhân viên phải trải qua đào tạo nội bộ từ 3-6 tháng trước khi bắt đầu làm việc; khoảng cách giữa yêu cầu của công ty và trình độ, kỹ năng của sinh viên mới tốt nghiệp vẫn còn khá lớn.

Phía các cơ sở đào tạo trong nước lại lo lắng đến việc người đăng ký thi vào ngành CNTT đang giảm dần. Theo ông Lê Trường Tùng, Hiệu trưởng trường Đại học FPT, số lượng người học CNTT-TT đang giảm dần từ năm 2008, mỗi năm giảm 10-15%. Khảo sát ở 10.000 học sinh trên địa bàn Hà Nội cũng cho thấy, sức hút vào học ngành CNTT-TT năm 2009 là 9% và 2010 còn 6,5%. Qua thực tế đào tạo, ông Tùng đề xuất nên rà soát và gỡ bỏ nhanh các rào cản nhằm tăng cường xã hội hóa, thu hút đầu tư, phát triển và mở rộng hệ thống đào tạo nhân lực CNTT-TT. Chính phủ cũng cần có ưu đãi về tài chính như: Hỗ trợ một phần học phí cho sinh viên; có chính sách thuế ưu đãi, vay vốn kích cầu cho nhà đầu tư đào tạo CNTT…

Đứng về góc độ cơ sở nghiên cứu CNTT, ông Vũ Tuấn Lâm, Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật bưu điện, Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông cho rằng: Gắn kết đào tạo với nghiên cứu và sản xuất kinh doanh là cách khai thác tối đa và hiệu quả nhất để phát triển nguồn nhân lực CNTT. Các DN tham gia vào quá trình đào tạo sẽ đưa ra các nhu cầu đào tạo, hỗ trợ nhà trường trong đào tạo về vật chất và tạo môi trường cho sinh viên thực hành và thử nghiệm, tăng cường tính thực tiễn cho sinh viên. Đồng thời, đây cũng là nơi tiếp nhận sinh viên sau khi tốt nghiệp.

Như vậy, muốn giải quyết tốt vấn đề đào tạo nguồn nhân lực cho ngành CNTT, nhiều chuyên gia trong ngành cho rằng cần có sự liên kết mạnh mẽ giữa Chính phủ, nhà đầu tư và cơ sở đào tạo.

Hiếu Dũng