ASEAN tăng cường hợp tác quốc phòng vì hòa bình, an ninh và tự cường

Ngày 5/3 tại Luang Prabang, Bắc Lào, đã diễn ra Hội nghị hẹp Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN (ADMM Hẹp) dưới sự chủ trì của Đại tướng Chansamone Chanyalath, Phó thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Lào. 

Chú thích ảnh
Các trưởng đoàn tham dự Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN hẹp chụp ảnh lưu niệm theo kiểu ASEAN tại sự kiện. Ảnh: Phạm Kiên/PV TTXVN tại Lào

Theo phóng viên TTXVN đưa tin từ hội nghị, tham dự hội nghị có Bộ trưởng Quốc phòng, lãnh đạo Bộ Quốc phòng các nước ASEAN và Phó Tổng Thư ký ASEAN Dato’ Astanah Abdul Aziz. Thượng tướng Nguyễn Tân Cương, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Bộ Quốc phòng Việt Nam tham dự hội nghị.

Phát biểu tại hội nghị, Đại tướng Chansamone Chanyalath nhấn mạnh trong những năm qua, hợp tác trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN (ADMM) tiếp tục đạt được nhiều tiến bộ, với việc thành lập các cơ chế hợp tác mới và các hoạt động liên quan khác; khẳng định đây là minh chứng cho cam kết của các nước trong việc tăng cường sự ổn định, đoàn kết và vai trò trung tâm của ASEAN nhằm xây dựng ASEAN là một khu vực hòa bình, ổn định, an ninh và phát triển theo Tầm nhìn ASEAN 2025.

Theo Đại tướng Chansamone, mặc dù vậy, ASEAN vẫn đang phải đối mặt với những thách thức, mối đe dọa an ninh truyền thống và phi truyền thống, đặc biệt là trong bối cảnh chính trị an ninh khu vực và thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, cạnh tranh giữa các nước lớn gia tăng ảnh hưởng đến khu vực,… Chính vì lẽ đó, hội nghị lần này là cơ hội tốt để trao đổi thẳng thắn về những vấn đề đặt ra, trong đó chú trọng đến duy trì sự đoàn kết và thống nhất của ASEAN.

Phát biểu tại hội nghị, Thượng tướng Nguyễn Tân Cương đánh giá cao chủ đề Bộ Quốc phòng Lào lựa chọn cho các hội nghị quốc phòng - quân sự ASEAN trong Năm ASEAN 2024: “ASEAN: Cùng nhau vì hòa bình, an ninh và tự cường”. Thượng tướng Nguyễn Tân Cương nhấn mạnh năm 2024 là năm bản lề để đưa ra chiến lược dài hạn cho tầm nhìn của ASEAN sau năm 2025, nhằm giúp ASEAN giữ vững và phát huy các thành quả đạt được; củng cố đoàn kết, thống nhất vai trò trung tâm và nâng cao tự cường của ASEAN với một tầm nhìn và lựa chọn chiến lược chung, đó là hợp tác và cùng hành động vì hoà bình, ổn định và an ninh ở khu vực, hoá giải nguy cơ, nâng cao khả năng thích ứng trước những diễn biến mới của tình hình quốc tế và khu vực.  

Theo Thượng tướng Nguyễn Tân Cương, việc mở rộng quan hệ quốc phòng của ASEAN thông qua việc thành lập cơ chế Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM+) và triển khai 7 Nhóm chuyên gia ADMM+ cũng đã chứng tỏ ADMM+ là một cơ chế hiệu quả trong việc kiến tạo lòng tin, thúc đẩy hợp tác, đối thoại giữa ASEAN và các nước đối tác. Việc ngày càng nhiều các đối tác bên ngoài ADMM+ bày tỏ mong muốn được tham gia ADMM+ dưới các hình thức khác nhau phần nào đã phản ánh thành công và sức hấp dẫn của cơ chế này. 

Thượng tướng Nguyễn Tân Cương cho rằng để nâng cao vai trò trung tâm, giá trị chiến lược của ASEAN nói chung, tạo động lực thúc đẩy các tiến trình đối thoại, xây dựng lòng tin vì hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực và quốc tế, các hoạt động hợp tác trong khuôn khổ ADMM và ADMM+ cần phải tôn trọng và tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương ASEAN và các quy định, tiến trình của ASEAN; tôn trọng độc lập, tự chủ của các nước ASEAN; giữ vững vai trò trung tâm của ASEAN và có đóng góp thiết thực, trách nhiệm vào hòa bình, ổn định, an ninh chung của khu vực.

Chú thích ảnh
Thượng tướng Nguyễn Tân Cương, Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng tại Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN hẹp. Ảnh: Phạm Kiên/PVTTXVN tại Lào

Bên cạnh đó, ADMM+ là cơ chế hợp tác mở và dung nạp, do đó, Việt Nam ủng hộ việc tiếp tục triển khai Chương trình quan sát viên các Nhóm chuyên gia ADMM+ cũng như hoan nghênh các nước đăng ký tham gia để đóng góp thực chất, hiệu quả vì hòa bình, hợp tác và phát triển của khu vực. Thượng tướng Nguyễn Tân Cương cũng nhấn mạnh cần kiên định và nhất quán lập trường, nguyên tắc của ASEAN về các vấn đề quốc tế, khu vực có tác động trực tiếp đến ASEAN để giữ vững và phát huy sự thống nhất và đoàn kết của ASEAN. 

Nhân dịp này, thay mặt cho Bộ Quốc phòng Việt Nam, Thượng tướng Nguyễn Tân Cương trân trọng mời các vị lãnh đạo quốc phòng, quân đội, doanh nghiệp công nghiệp quốc phòng và đội quân nhạc các nước ASEAN đến tham quan và tham dự Triển lãm Quốc phòng Quốc tế Việt Nam lần thứ hai, Giao lưu Quân nhạc Quân đội các nước ASEAN tại Việt Nam nhân dịp kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam vào cuối năm 2024.

Theo Thượng tướng Nguyễn Tân Cương, triển lãm là dịp để các nước giao lưu, trao đổi chuyên môn, tìm kiếm cơ hội để hội nhập, hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng, cùng nhau chia sẻ lợi ích xây dựng tiềm lực quốc phòng vững mạnh, đủ khả năng bảo vệ đất nước. Thượng tướng Nguyễn Tân Cương nhấn mạnh tăng cường tiềm lực quốc phòng không có nghĩa là chạy đua vũ trang và Việt Nam nhất quán không theo đuổi chạy đua vũ trang; khẳng định, “Việt Nam luôn chủ trương kiên định theo đuổi giải pháp đối thoại, ngoại giao hoà bình trong giải quyết tranh chấp bất đồng, ví dụ như trong vấn đề Biển Đông, Việt Nam luôn cam kết thượng tôn luật pháp quốc tế, tuân thủ Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982, thực thi đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), mong muốn sớm ký kết một Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) cụ thể, hiệu quả, có tính ràng buộc pháp lý hơn trong ứng xử giải quyết vấn đề Biển Đông”.

Tại hội nghị, Bộ trưởng Quốc phòng, lãnh đạo Bộ Quốc phòng các nước ASEAN đã trao đổi quan điểm về môi trường an ninh quốc tế và khu vực. Các trưởng đoàn đều khẳng định ASEAN cần đoàn kết, giữ vững vai trò trung tâm và dẫn dắt trong các cơ chế hợp tác tại khu vực nhằm ứng phó kịp thời với các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống đang nổi lên như xung đột vũ trang, cạnh tranh giữa các nước lớn, an ninh mạng, thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu... 

Các trưởng đoàn ghi nhận tầm quan trọng của ADMM và ADMM+ là các cơ chế chủ chốt trong cấu trúc an ninh khu vực, tạo điều kiện thuận lợi cho đối thoại chiến lược và hợp tác thực chất trong kênh quốc phòng với ASEAN là trung tâm. Hội nghị hoan nghênh tiến triển của hợp tác thực chất trong khuôn khổ ADMM và ADMM+ đã thúc đẩy không chỉ lòng tin và sự tin cậy lẫn nhau mà còn xây dựng năng lực, khả năng tương tác giữa các quốc gia thành viên ASEAN với các nước đối tác trong ứng phó với những thách thức an ninh chung, đóng góp vào hòa bình, an ninh và khả năng tự cường của khu vực.

Hội nghị tiếp tục cam kết duy trì vai trò của ADMM và ADMM+ với tư cách là cơ chế hợp tác quốc phòng và quân sự cấp bộ trưởng cao nhất cho các nước thành viên ASEAN và các nước đối tác; ghi nhận sự quan tâm của bạn bè và đối tác đối thoại của ASEAN đã có đóng góp vào an ninh và ổn định khu vực; tăng cường hơn nữa hợp tác quốc phòng và quân sự thông qua các cơ chế có sẵn của ADMM và ADMM+ hiện có nhằm nâng cao năng lực, khả năng tự cường và tính tương tác giữa các quốc gia thành viên; hành động hướng tới hiện thực hóa Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2045, bao gồm thông qua cả sự đóng góp hơn nữa của kênh quốc phòng trong thúc đẩy hòa bình, ổn định và an ninh khu vực.

Hội nghị ADMM hẹp đã thông qua Tuyên bố chung chuyên đề của Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN về thành tựu của ADMM trong triển khai kế hoạch tổng thể Cộng đồng Chính trị-An ninh ASEAN 2025.

Phạm Kiên - Bá Thành (TTXVN)
Kết nối trong ASEAN - Chìa khóa của tiến trình phát triển khu vực
Kết nối trong ASEAN - Chìa khóa của tiến trình phát triển khu vực

Trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực thời gian qua tiếp tục chứng kiến các chuyển động, biến động đa chiều, nhanh chóng, phức tạp, khó lường cả về địa chính trị, địa kinh tế, ASEAN bước vào năm 2024 đứng trước cả thách thức và cơ hội đòi hỏi sự nỗ lực chung và đoàn kết của các nước thành viên. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN