11:08 10/11/2011

Quốc hội thông qua nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2015: Phát triển kinh tế nhanh, bền vững

Tuần làm việc thứ 4, Quốc hội đã thông qua nhiều nghị quyết quan trọng liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội trong đó có Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015.

Tuần làm việc thứ 4, Quốc hội đã thông qua nhiều nghị quyết quan trọng liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội trong đó có Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015. Mục tiêu là phát triển kinh tế nhanh, bền vững, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả sức cạnh tranh. Bảo đảm phúc lợi xã hội và an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Tăng cường hoạt động đối ngoại và nâng cao hiệu quả hội nhập quốc tế. Bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, giữ vững an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội, tạo nền tảng đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

9 nhóm giải pháp phát triển kinh tế - xã hội

Theo tinh thần của dự thảo nghị quyết, để đạt được mục tiêu trên một loạt các chỉ tiêu kinh tế - xã hội quan trọng cần phải hoàn thành, bao gồm:
Về kinh tế: Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 6,5% - 7%. Tỷ trọng đầu tư toàn xã hội 5 năm 2011-2015 khoảng 33,5% - 35% GDP; Giảm dần nhập siêu từ năm 2012 và phấn đấu ở mức dưới 10% kim ngạch xuất khẩu vào năm 2015; Bội chi ngân sách nhà nước đạt dưới 4,5% vào năm 2015 (mức bội chi có cộng thêm trái phiếu Chính phủ); Giảm tiêu tốn năng lượng tính trên GDP từ 2,5%-3%/năm; Tỷ trọng sản phẩm công nghệ cao đạt khoảng 30% trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp; tỷ lệ đổi mới công nghệ đạt 13%/năm; năng suất lao động xã hội đến năm 2015 tăng 29%-32% so với năm 2010; tỷ lệ huy động thuế và phí vào ngân sách không quá 22%-23% GDP/năm; Nợ công đến năm 2015 không quá 65% GDP, dư nợ của Chính phủ không quá 50% GDP, dư nợ quốc gia không quá 50% GDP; Chỉ số giá tiêu dùng tăng khoảng 5%-7% vào năm 2015.

Quang cảnh một phiên họp tại hội trường. Ảnh: Nhan Sáng-TTXVN


Về xã hội: Số lao động được tạo việc làm 8 triệu người; Tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi khu vực thành thị đến năm 2015 dưới 4%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo trong tổng số lao động đang làm việc trong nền kinh tế đạt 55% vào năm 2015; Thu nhập thực tế của dân cư đến năm 2015 gấp 2-2,5 lần so với năm 2010; Giảm hộ nghèo nhanh và bền vững, tỷ lệ giảm bình quân 2%/năm và giảm bình quân 4%/năm đối với các huyện nghèo, các xã đặc biệt khó khăn; Diện tích nhà ở bình quân đến năm 2015 đạt mức 22 m2 sàn/người, trong đó: diện tích sàn nhà ở bình quân đô thị đạt mức 26 m2 sàn/người; Tốc độ phát triển dân số đến năm 2015 khoảng 1%. Đến năm 2015 đạt 8 bác sỹ và 23 giường bệnh (không tính giường trạm y tế xã) trên 1 vạn dân.

Về môi trường: Tỷ lệ che phủ rừng đạt khoảng 42%-43%; tỷ lệ cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý đạt 85%.

Bàn về giải pháp thực hiện, Nghị quyết đã đề ra 9 nhóm định hướng nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, bao gồm:

Tập trung khắc phục nhanh, hiệu quả những hạn chế, yếu kém do các nguyên nhân chủ quan trong lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành của các cấp, các ngành đã được đề cập trong Báo cáo của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Báo cáo thẩm tra của các cơ quan Quốc hội.

Có đề án cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, thực hiện đồng bộ trong tất cả các ngành, các lĩnh vực trên phạm vi cả nước và từng địa phương, đơn vị cơ sở, sản phẩm chủ yếu, với tầm nhìn dài hạn và có lộ trình cụ thể. Cần tập trung thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế trong 3 lĩnh vực quan trọng là cơ cấu lại đầu tư, trọng tâm là đầu tư công; cơ cấu lại thị trường tài chính, trọng tâm là cơ cấu lại hệ thống ngân hàng thương mại, các tổ chức tài chính; cơ cấu lại doanh nghiệp, trọng tâm là các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, ngay từ năm 2012 tiến hành bước khởi động và chuẩn bị các điều kiện để từ năm 2013 tạo được chuyển biến mạnh mẽ, cơ bản; năm 2015 có hiệu quả rõ rệt.

Tiếp tục kiên trì kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định giá trị sức mua đồng tiền. Thực hiện chính sách tiền tệ với mục tiêu hàng đầu là ổn định giá trị đồng tiền, kiểm soát để bảo đảm tương thích giữa tăng tổng phương tiện thanh toán, tăng dư nợ tín dụng với tốc độ tăng trưởng kinh tế và kiềm chế tăng chỉ số giá tiêu dùng. Giảm dần tỷ lệ huy động vốn đầu tư từ tín dụng ngân hàng, đẩy mạnh kênh huy động vốn qua thị trường chứng khoán và các định chế tài chính khác.

Tập trung thực hiện 3 đột phá, 12 định hướng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2020. Cơ bản xây dựng xong hệ thống pháp luật gắn với cải cách, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, trọng tâm là sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới Luật Đất đai, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư và mua sắm công, các luật về tổ chức bộ máy Nhà nước, Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự, Luật Bảo hiểm y tế, Luật bảo hiểm xã hội, Pháp lệnh người có công...

Áp dụng đồng bộ các chính sách, biện pháp phát triển kinh tế gắn với phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; chú trọng bảo đảm an sinh xã hội, chăm sóc sức khỏe nhân dân, tạo việc làm, nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo, giảm chênh lệch giàu nghèo; tập trung giải quyết những bức xúc trong nhân dân, nhất là trong việc giải tỏa đền bù thu hồi đất và những tiêu cực trong y tế, giáo dục, đào tạo, chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao mức sống đối với người có công. Huy động các nguồn lực xã hội cho công tác giảm nghèo; có giải pháp nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo, vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc. Thực hiện tốt công tác quy hoạch ổn định dân cư vùng dân tộc và miền núi, vùng biên giới và hải đảo, cân đối quỹ đất ở, đất sản xuất cho đồng bào tại các địa phương thường xuyên bị ảnh hưởng thiên tai.

Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, quan tâm đến nhân lực lãnh đạo, quản lý, quản trị doanh nghiệp, khoa học và công nghệ, văn hóa nghệ thuật; nâng cao chất lượng giáo dục, nhất là bậc đại học; tập trung chuyển từ đào tạo chiều rộng sang chiều sâu, coi trọng đào tạo nghề, thực hiện đào tạo một triệu lao động nông thôn hàng năm; điều chỉnh chính sách về giáo dục mầm non, giáo dục ở miền núi; làm tốt công tác xã hội hóa giáo dục để bảo đảm nhu cầu học tập của các đối tượng, nhất là giáo dục mầm non.

Hoàn thiện và nâng cao hiệu lực, hiệu quả các chính sách, pháp luật về tài nguyên và bảo vệ môi trường nhằm bảo đảm phát triển bền vững. Thực hiện nghiêm túc quy trình xây dựng, thẩm định, phê duyệt, kiểm tra, giám sát việc đánh giá tác động môi trường đối với chiến lược, các quy hoạch, chính sách, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội. Kiên quyết xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường, đặc biệt là tại các khu kinh tế, khu công nghiệp, làng nghề. Đẩy mạnh xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường. Bảo đảm các yêu cầu về tiến độ, trình độ công nghệ, chất lượng và an toàn các dự án, công trình quan trọng quốc gia.

Ngoài việc thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015, Quốc hội cũng đã biểu quyết thông qua 3 nghị quyết khác, bao gồm: Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2012 (trong đó có nội dung về công tác tư pháp); Nghị quyết về Chương trình mục tiêu quốc gia 5 năm 2011-2015 và Nghị quyết về sử dụng trái phiếu Chính phủ 5 năm 2011-2015.

Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao tập trung xây dựng, thực hiện các đề án cải cách tư pháp bảo đảm chất lượng, tiến độ; làm tốt công tác đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng tập huấn chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ, thẩm phán, hội thẩm, điều tra viên, kiểm sát viên, chấp hành viên, cán bộ thi hành án hình sự. Từ nay đến 2013 phải cơ bản khắc phục tình trạng thiếu cán bộ đảm nhiệm các chức danh tư pháp. Cán bộ tư pháp phải công minh, chính trực, phải thực sự gương mẫu. Mọi vi phạm của cán bộ tư pháp phải được phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm minh. Nhà nước quan tâm và có chế độ chính sách đặc thù đối với cán bộ và các chức danh tư pháp.

Quan tâm củng cố quốc phòng, an ninh, đối ngoại vững mạnh, giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, đặc biệt là trên các vùng biển đảo của Tổ quốc. Tăng cường sức mạnh quốc phòng, an ninh cả về tiềm lực và thế trận, bảo đảm từng bước trang bị hiện đại cơ sở vật chất - kỹ thuật cho các lực lượng vũ trang. Xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố vững mạnh. Xây dựng Quân đội nhân dân và Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, có số lượng hợp lý, với chất lượng tổng hợp và sức chiến đấu cao, xây dựng lực lượng dự bị động viên hùng hậu, dân quân tự vệ rộng khắp...

Tăng nguồn lực cho Chương trình mục tiêu Quốc gia

Trong phiên thảo luận tại Hội trường về Chương trình mục tiêu Quốc gia 5 năm 2011-21015, hầu hết các đại biểu đã tán thành chủ trương của Chính phủ, tuy nhiên các đại biểu cũng cho rằng, Chính phủ cần cơ cấu lại nguồn vốn theo hướng tăng nguồn lực cho chương trình này.

Đề cập tới vấn đề này, đại biểu Nguyễn Thanh Hùng, tỉnh Đồng Tháp đề nghị tăng nguồn lực nhiều hơn cho chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, nhất là nguồn lực từ ngân sách trung ương dành cho vốn đầu tư. Đồng thời đề nghị Chính phủ, các bộ, các ngành được phân công quản lý các chương trình mục tiêu quốc gia như việc làm, dạy nghề, giảm nghèo bền vững, nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn, y tế, giáo dục, văn hóa v.v... cần chỉ đạo và có kế hoạch lồng ghép cụ thể với chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới nhằm sử dụng hiệu quả nguồn lực của các chương trình.

Đến nay, xã Tân Tiến (thành phố Vị Thanh, Hậu Giang) đã thực hiện đạt 15/19 tiêu chí xã nông thôn mới. Kế hoạch đến cuối năm 2012, xã Tân Tiến sẽ đạt 19/19 tiêu chí xã nông thôn mới. 
Ảnh: Duy Khương – TTXVN


Đồng tình với đại biểu Hùng, đại biểu Khúc Thị Duyền, tỉnh Thái Bình cho rằng, vấn đề đầu tư cho phát triển sản xuất ở nông thôn hiện nay là vấn đề hết sức quan trọng. Bởi vậy cần phải tăng nguồn vốn ngân sách trung ương cho chương trình mục tiêu quốc gia. Trong chương trình mục tiêu, Chỉnh phủ cần phải quan tâm cho các mục tiêu chính để tính toán các mục nào cần đầu tư trước để thực hiện.

Để nâng cao hiệu quả của chương trình mục tiêu quốc gia, đại biểu Trần Quang Chiểu, tỉnh Nam Định đồng tình với đề xuất của Ủy ban Tài chính, Ngân sách là cắt giảm 14 dự án thành phần như trong báo cáo thẩm tra. Và đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan chức năng tổng kết, đánh giá một cách nghiêm túc toàn bộ chương trình mục tiêu quốc gia trong giai đoạn vừa qua. Trên cơ sở đó kiên quyết cắt bỏ các dự án hay các nội dung của các dự án bị trùng lặp, mang tính chất chi thường xuyên, hiệu quả không thiết thực.

Các đại biểu cũng dành nhiều thời gian thảo luận về Chương trình sử dụng trái phiếu chính phủ 5 năm 2011-2015.

Thành Hiển