10:07 31/10/2012

Quốc hội thảo luận tình hình năm 2012, bàn giải pháp KT-XH năm 2013

Ngày 30/10, Quốc hội đã tập trung thảo luận về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) năm 2012, kế hoạch phát triển KT-XH năm 2013.

Ngày 30/10, Quốc hội đã tập trung thảo luận về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) năm 2012, kế hoạch phát triển KT-XH năm 2013. Hầu hết các ý kiến đều ghi nhận những nỗ lực của Chính phủ đối với công tác điều hành KT-XH trong bối cảnh khó khăn chung của kinh tế thế giới và trong nước.

 

Những giải pháp đã đi đúng hướng


Trong 9 tháng đầu năm, Chính phủ đã khá linh hoạt trong điều hành, kiềm chế thành công lạm phát và bắt đầu triển khai đổi mới mô hình kinh tế trên một số lĩnh vực theo hướng vững chắc hơn, đại biểu Cao Sỹ Kiêm (Thái Bình) cho rằng, Chính phủ đã giữ được trạng thái ổn định của nền kinh tế trong điều kiện khó khăn, được các tổ chức quốc tế đánh giá là đi đúng hướng.


 

Đại biểu Quốc hội Lê Hữu Đức (Khánh Hòa). Ảnh: Nguyễn Dân -TTXVN

 

Đi sâu vào các tồn tại, đại biểu đề nghị Chính phủ cần tìm mọi cách kiểm soát tốt tình hình, đánh giá đúng thực trạng của vấn đề; công khai, minh bạch những nội dung đã được Chính phủ kiểm điểm, nhận lỗi; công bố những giải pháp mang tính tình thế, cụ thể trong việc xử lý nợ xấu, cải cách hành chính, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp (DN) nhằm tạo lòng tin, ý chí phấn đấu cho toàn xã hội.


Đồng thuận với quyết tâm của Chính phủ hoàn thành nhiều chỉ tiêu KT-XH mà Quốc hội đã đặt ra, đại biểu Lê Hữu Đức (Khánh Hòa) đề nghị Chính phủ mạnh tay hơn nữa trong việc sắp xếp lại, cho dừng hoạt động đối với các ngân hàng nhỏ, khả năng thanh khoản kém đang làm rối loạn hệ thống ngân hàng. Đại biểu Lê Hữu Đức ủng hộ chủ trương thành lập đơn vị mua bán nợ quốc gia để xử lý nợ xấu nhưng phải đảm bảo hoạt động công khai, minh bạch. Trong bối cảnh này, các DN cũng phải tự mình cố gắng vươn lên, tích cực sử dụng sản phẩm của nhau; hạn chế tối đa nhập khẩu các sản phẩm mà trong nước đã sản xuất được.

 

Đề xuất thành lập Ủy ban quốc gia về tái cơ cấu kinh tế, do Thủ tướng đứng đầu


Đánh giá tổng quát mục tiêu tăng GDP 5,5%, giữ lạm phát khoảng 8% đề ra cho năm 2013 là khả thi, đại biểu Trần Du Lịch đề nghị xây dựng lộ trình tái cơ cấu trong vòng 3 năm (2012 - 2015). Ngoài ra, cần thành lập Ủy ban quốc gia về tái cơ cấu kinh tế, do Thủ tướng đứng đầu.


Đại biểu Trần Du Lịch thẳng thắn: "Vòng kim cô" nợ xấu đang có dấu hiệu ngày một siết chặt, làm chết không biết bao nhiêu DN. Đây là nút thắt quan trọng, cần sớm được giải quyết.


Cũng theo đại biểu, Chính phủ nên tiếp tục kéo dài các chương trình hỗ trợ theo tinh thần Nghị quyết 13/CP đến hết năm 2013. Đồng thời, nếu được Quốc hội thông qua ở kỳ họp này, đại biểu đề xuất nên áp dụng ngay Luật Thuế thu nhập cá nhân, với mức giảm trừ gia cảnh mới từ ngày 1/1/2013, thay vì phải đến giữa năm mới thực hiện. Đại biểu cũng kiến nghị nên tiếp tục giữ lộ trình tăng lương, đồng thời tiếp tục cắt giảm 10% chi thường xuyên trong năm 2013, so với mức thực chi của Chính phủ trong năm 2012. Đại biểu cũng đề nghị mạnh dạn tăng tín dụng tiêu dùng, làm ấm dần thị trường bất động sản, ổn định thị trường vàng để củng cố niềm tin cho xã hội.

 

Cắt giảm các loại phí, giảm lãi suất


Chia sẻ khó khăn chung của nền kinh tế với Chính phủ, đại biểu Trần Quốc Tuấn (Trà Vinh) nhận xét, các chỉ tiêu chưa đạt được trong phát triển KT-XH thời gian qua chính là do hệ thống DN trong nước đang lâm vào tình trạng khó khăn chưa từng có. Đại biểu Trần Quốc Tuấn đề nghị cần đặt mục tiêu trọng tâm thúc đẩy sản xuất bằng cách tháo gỡ khó khăn cho DN. Đại biểu Tuấn đặt vấn đề: “Nên chăng đã đến lúc ban hành tình trạng khẩn cấp để giải cứu doanh nghiệp?”. Ông đề nghị Chính phủ cần chỉ đạo các ngành vào cuộc một cách mạnh mẽ hơn; xem sự sống còn của DN chính là sự sống còn của nền kinh tế.


Cũng đề nghị ưu tiên “cứu” cho DN, đại biểu Nguyễn Cao Sơn (Hòa Bình) đề nghị Chính phủ có các biện pháp nhanh chóng hỗ trợ DN xử lý hàng tồn kho đang làm nợ đọng vốn rất cao trong thời điểm hiện nay. Đại biểu đề nghị NHNN cần giảm lãi suất tiền vay xuống dưới 11%/năm; thực hiện cho vay tiêu dùng, giảm bớt các thủ tục rườm rà, giúp DN dễ tiếp cận vốn; đi đôi với cắt giảm tối đa các loại phí nhằm giảm bớt chi phí gia nhập thị trường để cứu DN.


Đồng quan điểm này, đại biểu Bùi Đức Thụ (Lai Châu) kiến nghị Chính phủ hỗ trợ DN bằng cách tăng cường giãn nợ, giảm thuế, kích thích sản xuất. Theo đại biểu, để xử lý hàng tồn kho, xử lý nợ xấu cần phải đi đôi với tăng cường tái cơ cấu nền kinh tế; khơi thông nguồn vốn tín dụng cho DN, nhất là DN vừa và nhỏ.


Đề cập vấn đề hàng tồn kho của DN và vấn đề liên quan đến một số vi phạm trong tạm nhập, tái xuất xăng dầu, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cho biết, đến ngày 1/10, sau nhiều giải pháp tích cực của cơ quan quản lý và nỗ lực của DN, lượng hàng tồn kho trong công nghiệp, chế biến, chế tạo đã giảm từ 34,9% xuống 20,3% (giảm 14,6% sau 3 tháng).


Liên quan đến hoạt động tạm nhập, tái xuất xăng dầu, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết, sau khi có một số vi phạm gian lận thời gian qua, hiện liên ngành Công Thương, Tài Chính đã thống nhất chỉ cho phép tạm nhập tái xuất theo nhu cầu phục vụ đối ngoại hoặc với tàu thuyền qua lại địa phận Việt Nam, còn tạm dừng các trường hợp khác.

 

Bảo vệ người tiêu dùng


Nhiều đại biểu bức xúc trước tình trạng mất vệ sinh an toàn thực phẩm đang diễn ra tràn lan, gây nguy hại tới sức khỏe, tính mạng của người tiêu dùng.

 

Đại biểu Quốc hội Trần Văn Tấn (Tiền Giang). Ảnh: Nguyễn Dân -TTXVN

Các đại biểu Trần Văn Tấn (Tiền Giang); Huỳnh Ngọc Đáng (Bình Dương) đề nghị Chính phủ tăng cường hơn nữa công tác kiểm soát chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm; nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cơ quan chức năng trong trách nhiệm giữ gìn, chăm sóc sức khỏe của nhân dân.


Đại biểu Huỳnh Ngọc Đáng bức xúc: Thực phẩm nhiều hóa chất độc hại tích tụ lâu dài sẽ làm suy yếu nòi giống Việt, trách nhiệm trong vấn đề này thuộc về ai? Đại biểu kiến nghị Chính phủ quy định rõ trách nhiệm trong vấn đề này đồng thời kêu gọi tẩy chay các hàng hóa độc hại, kể cả hàng Việt Nam, để giúp người dân bảo vệ sức khỏe của chính mình.


Giải đáp những băn khoăn của các đại biểu, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng này. Đó là do có tình trạng nhập lậu thực phẩm không minh bạch, không qua đường chính ngạch; vấn đề phụ gia thực phẩm đưa vào sản xuất do người sản xuất ham lợi… Bộ Y tế đã tăng cường kiểm tra cùng các chi cục thanh tra chuyên ngành, thanh tra Bộ Công Thương, Bộ Công nghiệp. Hiện Bộ Y tế và Bộ Công an đang xây dựng Thông tư tăng cường giám sát trong thời gian tới. Bộ trưởng cho biết thêm, Bộ Y tế đã đưa ra các biện pháp xử phạt nặng, đặc biệt là sẽ rút giấy phép kinh doanh, đưa lên các phương tiện thông tin đại chúng tất cả các nhà sản xuất không đạt yêu cầu một cách công khai để người dân từ chối sản phẩm.


Tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Y tế đã giải trình rõ hơn về giá dịch vụ y tế, bảo hiểm y tế toàn dân và xử lý chất thải y tế.

 

“Tham ô, lãng phí là kẻ thù của nhân dân”


Làm nóng diễn đàn Quốc hội bằng bài phát biểu đả kích tệ nạn tham nhũng, lãng phí đang gây nhiều nguy hại cho xã hội, đại biểu Lê Như Tiến (Quảng Trị) đặt vấn đề: Hiện vẫn chưa có vụ án nào xét xử về hành vi lãng phí. Tham nhũng bị coi là tội còn lãng phí chỉ là khuyết điểm...


Dẫn những ví dụ về hàng chục nghìn luận án khoa học đang nằm trong thư viện, chỉ một số ít được áp dụng vào thực tiễn; trường hợp lãng phí tài nguyên khi đầu tư vệ tinh Vinasat - 2 mà vẫn chưa hoạt động hết công suất, đại biểu Lê Như Tiến cho rằng, chính những sự lãng phí này đã khiến giá thành sản phẩm của Việt Nam cao hơn nhiều so với hàng nhập ngoại. Nhắc lại câu nói của Hồ Chủ tịch cách đây 60 năm: “Tham ô, lãng phí là kẻ thù của nhân dân”, đại biểu Tiến quả quyết: “Chống tham nhũng, lãng phí cũng cần thiết như mặt trận đánh giặc”.

 

Bức xúc vấn đề nợ xấu


Vấn đề xử lý nợ xấu là một trong những nội dung được nhiều đại biểu quan tâm, đặt câu hỏi tại phiên thảo luận. Giải trình rõ hơn vấn đề này trước các đại biểu Quốc hội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Bình khẳng định: Xử lý nợ xấu không chỉ phụ thuộc vào ý chí của hệ thống ngân hàng mà cần sự phối hợp đồng bộ của các cơ quan, lĩnh vực. Về nội dung này, Thống đốc cho biết, đã xây dựng đề án xử lý nợ xấu, trong đó có nhiều nội dung liên quan tới thẩm quyền của Chính phủ, có các nội dung liên quan tới thẩm quyền của Quốc hội và các cơ quan có liên quan khác. Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết, theo đề án đã được Chính phủ thông qua, thì năm 2015 nợ xấu ngân hàng sẽ ở mức dưới 3% theo đúng thông lệ và chuẩn mực quốc tế.


Thống đốc cho biết, Chính phủ đã có Đề án tái cấu trúc hệ thống ngân hàng. Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước đang triển khai thực hiện chương trình đã đề ra. Đề án đã vạch ra lộ trình thực hiện 10 năm, đặc biệt là giai đoạn từ nay đến năm 2015, trong đó quy định rõ những việc phải làm trong từng năm một. Giải đáp câu hỏi của các đại biểu, Thống đốc cho biết trong Đề án, việc hợp nhất, sáp nhập, xử lý ngân hàng yếu kém chỉ là một nội dung trong nhiều nội dung của đề án. Hiện có rất nhiều nội dung khác đang triển khai thực hiện như việc lành mạnh hóa từng bước thị trường tài chính của các ngân hàng thương mại. Liên quan trực tiếp tới việc xử lý các ngân hàng thương mại yếu kém, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết: Chính phủ đã thành lập Ủy ban chỉ đạo liên ngành do Phó Thủ tướng làm Trưởng ban và Thống đốc Ngân hàng làm Phó ban thường trực cùng đại diện các bộ, ban, ngành có liên quan kể cả chính quyền địa phương các cấp. Thống đốc cũng cho biết, đã có ban chỉ đạo đối với ngân hàng thương mại trong diện phải xử lý, trong đó có đại diện Ngân hàng Nhà nước, Bộ Công an, chính quyền nhân dân các cấp… Vì vậy, những đề xuất xử lý không chỉ có ý kiến của Ngân hàng Nhà nước mà công khai, minh bạch.

 

Báo chí hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, nhưng vẫn còn một số yếu kém


Đề cập đến vai trò của báo chí trong phát triển KT-XH, đại biểu Quốc hội Hà Minh Huệ (Bình Thuận) khẳng định: “Thời gian qua báo chí tuy có một số yếu kém như thông tin giật gân câu khách, chạy theo xu hướng ‘báo lá cải’, bị phê phán, nhưng về cơ bản đã cố gắng, hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao, thông tin đúng định hướng, tích cực tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, điều hành của Chính phủ và định hướng dư luận.

 

Đại biểu Quốc hội Hà Minh Huệ (Bình Thuận). Ảnh: Nguyễn Dân -TTXVN

 

Báo chí còn thực hiện chức năng phản biện xã hội, phản ánh kịp thời tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, tham gia mạnh mẽ chống tham nhũng, tiêu cực, phản bác các luận điệu sai trái, thù địch, góp phần làm lành mạnh hóa xã hội”. Đại biểu mong muốn báo chí cần được đánh giá cân đối hơn, cho đúng với truyền thống của báo chí cách mạng, để tránh bị lợi dụng, làm giảm vai trò của báo chí. Đại biểu tán thành với đánh giá của Thủ tướng Chính phủ khi đề cập tới một số yếu kém liên quan tới việc quản lý thông tin mạng, blog cá nhân, để các thế lực thù địch lợi dụng, bịa đặt, xuyên tạc, gây tác động xấu. Một số báo đưa tin thiếu khách quan, sai lệch, khai thác nhiều tin tiêu cực, gây tâm lý không tốt.


Về các giải pháp nâng cao vai trò của báo chí, đại biểu nhấn mạnh: “Một trong những giải pháp để báo chí tiếp tục phát huy tốt chức năng thông tin của mình là các cơ quan nhà nước cần kịp thời cung cấp thông tin chính thống, đầy đủ, chính xác và minh bạch; Báo chí khi tác nghiệp cần đề cao trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân của mình. Và một điều căn bản nữa là cần tăng “sức đề kháng” trong cơ thể xã hội, từng con người chúng ta như ý kiến của Bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông Nguyễn Bắc Son khi nói về công tác thông tin”.

 


Ngăn chặn đầu tư dàn trải, kém hiệu quả


Trả lời nhiều câu hỏi của đại biểu Quốc hội xung quanh vấn đề đầu tư công, đó là tình trạng đầu tư dàn trải, hiệu quả kém, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết: Chính phủ, Bộ Kế hoạch - Đầu tư và các bộ, ngành liên quan đã đưa ra các giải pháp để từng bước ngăn chặn tình trạng trên.


Về xử lý nợ xấu, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh giải trình: Sau khi tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch - Đầu tư đã tham mưu Chính phủ ra Chỉ thị về giải quyết vấn đề nợ đọng xây dựng cơ bản. Chỉ thị quy định Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định bố trí công trình đầu tư không có đủ vốn để thi công mà gây nợ thì phải tự chịu trách nhiệm. Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch - Đầu tư đã đề xuất với Chính phủ và Quốc hội xây dựng kế hoạch trung hạn 3 năm 2013-2015 tương tự như đối với trái phiếu Chính phủ. Như vậy đến 2015 tất cả các địa phương sẽ biết được mình có bao nhiêu vốn. Căn cứ được ưu tiên là thanh toán phần nợ cơ bản trước rồi mới được bố trí công trình chuyển tiếp và đầu tư mới. Đây là giải pháp quan trọng để các địa phương biết được mình có bao nhiêu vốn và không bố trí dàn trải nữa - Bộ trưởng cho biết.


Cũng tại phiên thảo luận, Tổng thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh đã thông báo những số liệu vi phạm được phát hiện qua thanh tra hoạt động của Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Vinashin từ 2006-2009.


Quang Vũ - Quỳnh Hoa - Phúc Hằng