08:07 18/08/2012

Quốc hội thảo luận dự án Luật Thủ đô

Sáng 17/8, tiếp tục chương trình làm việc, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã thảo luận về dự án Luật Thủ đô.

Sáng 17/8, tiếp tục chương trình làm việc, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã thảo luận về dự án Luật Thủ đô.


Dự thảo Luật Thủ đô gồm 4 chương với 33 điều quy định vị trí, vai trò của Thủ đô, nhiệm vụ xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô và lựa chọn để quy định 16 chính sách, cơ chế đặc thù cho Thủ đô với tư cách là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, tập trung vào 7 lĩnh vực như quy hoạch, văn hóa, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, môi trường - đất đai, kinh tế - tài chính, bảo đảm an ninh, trật tự và an toàn xã hội.


Ý kiến chung của Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội - cơ quan tiến hành thẩm tra - là tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Thủ đô nhằm tạo lập cơ sở pháp lý mạnh mẽ và điều kiện thuận lợi cho việc xây dựng, phát triển, quản lý Thủ đô Hà Nội, xứng đáng là Thủ đô của cả nước.


Về biểu tượng của Thủ đô, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Đào Trọng Thi và Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - ngân sách Phùng Quốc Hiển tán thành với loại ý kiến thứ nhất lựa chọn Biểu tượng của Thủ đô là hình ảnh Khuê Văn Các.


Biểu tượng của Thủ đô là hình tượng đặc trưng gắn với truyền thống lịch sử, văn hóa của Hà Nội và của cả dân tộc; thể hiện nguyện vọng của người dân Thủ đô và nhân dân cả nước về một thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại. Vì vậy, việc quy định về Biểu tượng của Thủ đô trong dự thảo luật là cần thiết.


Bàn về việc quy định mức thu một số loại phí, lệ phí cao hơn trên địa bàn Thủ đô (Điều 23), nhiều ý kiến tán thành với nội dung thể hiện tại điểm b khoản 3 Điều 23 của dự thảo luật, cho phép HĐND thành phố Hà Nội được “Quy định mức thu phí, lệ phí ở nội thành cao hơn, nhưng không quá 2 lần so với mức thu do Chính phủ và Bộ Tài chính quy định đối với các khoản thu phí, lệ phí thuộc thẩm quyền của HĐND thành phố trong các lĩnh vực môi trường, giao thông vận tải.

 

Việc giới hạn trong 2 lĩnh vực là hợp lý vì đây là những lĩnh vực thực sự bức xúc, đặc biệt là vấn đề quá tải về cơ sở hạ tầng nên cần phải quy định mức phí, lệ phí cao hơn để đầu tư bảo vệ môi trường và xây dựng, cải tạo, nâng cấp các công trình giao thông. Đồng thời, quy định này cũng nhằm khuyến khích việc sử dụng các phương tiện giao thông công cộng và bảo vệ môi trường trên địa bàn Thủ đô.


Việc đặt ra phí, lệ phí là vấn đề liên quan đến nghĩa vụ của công dân, do vậy chỉ nên thực hiện trong trường hợp thật cần thiết và với mục đích rõ ràng, phù hợp thì mới nhận được sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân. Thảo luận về quản lý dân cư (Điều 21), nhiều ý kiến cho rằng, để góp phần hạn chế tình trạng quá tải, tăng dân số cơ học ở nội thành, cần áp dụng một số biện pháp hành chính chặt chẽ hơn về đăng ký thường trú tại nội thành Hà Nội khác với quy định tại khoản 1 Điều 20 của Luật Cư trú.


Những năm gần đây, Hà Nội đang phải chịu áp lực ngày một lớn do tình trạng dân cư tăng quá nhanh, đặc biệt là ở nội thành. Trên thực tế, điều kiện về cơ sở hạ tầng và khả năng cung ứng dịch vụ công của thành phố như giáo dục, y tế, giao thông… không thể đáp ứng kịp...


* Chiều 17/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII đã cho ý kiến về dự án Luật Phòng, chống khủng bố.


Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành và đánh giá cao ban soạn thảo và cơ quan thẩm tra trong việc xây dựng, thẩm tra dự án Luật Phòng, chống khủng bố đồng thời tập trung thảo luận về các nội dung, như: Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng; các định nghĩa cần được xác định như: khủng bố, đối tượng khủng bố, cơ quan phòng, chống khủng bố; phân biệt hành vi khủng bố trong Dự án luật so với tội danh khủng bố trong Bộ luật Hình sự...; quản lý nhà nước về phòng, chống khủng bố.


Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho ý kiến về các quy định phòng ngừa các hoạt động khủng bố, quyền, nghĩa vụ của các chủ thể tham gia phòng, chống khủng bố và quan hệ phối hợp giữa các cơ quan trong phòng, chống khủng bố ở Việt Nam.


Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát lại các điều khoản trong dự án luật nhằm mục đích đảm bảo tính phòng ngừa từ xa các hành vi khủng bố; phân tách những điều khoản, nhóm vấn đề đã được đề cập trong Luật Phòng, chống rửa tiền.


Các ý kiến cũng đề nghị dự án luật cần quy định cơ chế phối hợp chỉ huy việc phòng chống khủng bố theo hướng có sự tham gia chỉ đạo, phối hợp từ cấp trung ương đến địa phương để đảm bảo tính đồng bộ trong việc phòng, chống khủng bố.



Quỳnh Hoa - Quang Vũ