Theo phóng viên TTXVN tại Rome, ngày 16/3, Quốc hội Italy đã tiến hành bỏ phiếu về việc tăng chi tiêu quốc phòng của nước này lên mức 2% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), phù hợp với mong muốn của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Dự thảo luật về vấn đề trên, một phần của dự luật liên quan đến cuộc xung đột Nga-Ukraine do đảng trung hữu Liên đoàn đưa ra, đã được Ủy ban Quốc phòng nhất trí thông qua và được tất cả các đảng lớn cùng với đại đa số các nghị sĩ ủng hộ. Cuộc bỏ phiếu này ràng buộc chính phủ của Thủ tướng Mario Draghi phải theo đuổi mục tiêu tăng ngân sách quốc phòng lên 37 tỷ euro (40,7 tỷ USD) mỗi năm trong vòng 3-4 năm tới, bắt đầu bằng luật ngân sách năm 2023 sẽ được thảo luận vào mùa Thu tới.
Roberto Paolo Ferrari, một nghị sĩ thuộc đảng Liên đoàn trong Ủy ban Quốc phòng và là người phát biểu chính của dự thảo luật lưu ý rằng các nguồn lực quốc phòng mới chủ yếu sẽ được dành cho các hoạt động đầu tư.
Theo ông Ferrari, việc tăng chi tiêu trong lĩnh vực này sẽ tác động tích cực đến cả sự đổi mới công nghệ và việc làm trong lĩnh vực công nghiệp của Italy, thúc đẩy hơn nữa sự phát triển của đất nước.
Cuộc bỏ phiếu nêu trên diễn ra sau lời kêu gọi của Thủ tướng Draghi về tăng chi tiêu quốc phòng hôm 1/3 và về cơ bản phù hợp với các quốc gia châu Âu khác - cụ thể là Đức, Đan Mạch và Thụy Điển.