08:00 04/08/2012

Quốc hội hỗ trợ 'tam giác phát triển' Campuchia - Lào - Việt Nam

Chiều 3/8, tại Nghệ An, Hội nghị lần thứ 4 của Ủy ban Đối ngoại Quốc hội ba nước Campuchia - Lào - Việt Nam về Tam giác phát triển với chủ đề “Vai trò của Quốc hội trong việc hỗ trợ khu vực Tam giác phát triển” đã kết thúc tốt đẹp.

Chiều 3/8, tại Nghệ An, Hội nghị lần thứ 4 của Ủy ban Đối ngoại Quốc hội ba nước Campuchia - Lào - Việt Nam về Tam giác phát triển với chủ đề “Vai trò của Quốc hội trong việc hỗ trợ khu vực Tam giác phát triển” đã kết thúc tốt đẹp.


 

Đại diện lãnh đạo Ủy ban Đối ngoại Quốc hội ba nước Campuchia - Lào - Việt Nam ký Tuyên bố chung.

 

Hội nghị đã thông qua và ký Tuyên bố chung, nhất trí Kế hoạch tổng thể về phát triển kinh tế - xã hội của khu vực Tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam đến năm 2020. Các đại biểu kiến nghị ba nước đẩy nhanh việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật về đầu tư, kinh doanh; các chính sách liên quan đến thuế, hải quan, lao động. Các thủ tục hành chính liên quan đến các hoạt động cấp phép đầu tư, kinh doanh cần được đẩy mạnh, bảo đảm tính minh bạch, đồng bộ và thống nhất từ Trung ương đến địa phương, nhằm giảm thời gian, chi phí cho các nhà đầu tư, nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp.


Các bên cũng kiến nghị nâng cấp và hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, trong đó đặc biệt là hạ tầng giao thông, điện, nước, truyền thông, hệ thống thủy nông, thủy lợi cần được Chính phủ các bên ưu tiên đầu tư và có chính sách đặc biệt nhằm khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư vào phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu. Hội nghị đề xuất cơ chế phối hợp và hợp tác giữa các cơ quan của Chính phủ ba nước cũng như cơ chế phối hợp giữa các địa phương trong khu vực Tam giác phát triển cần được duy trì, đẩy mạnh và thực chất hơn để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, việc đi lại của người dân trong khu vực.


Báo cáo tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam Đào Quang Thu cho biết, phần lớn các dự án khu vực này là các dự án của doanh nghiệp Việt Nam tập trung đầu tư về lĩnh vực nông nghiệp, khai khoáng và thủy điện. Tại bốn tỉnh của Lào, các doanh nghiệp Việt Nam đã đầu tư 50 dự án, với tổng vốn đăng ký là 1,544 tỷ USD, chiếm 23% số dự án và 45% tổng vốn đầu tư của Việt Nam vào Lào. Các dự án tập trung chủ yếu vào các ngành nông lâm nghiệp, khai khoáng, công nghiệp chế biến chế tạo.


Tại bốn tỉnh của Campuchia, các doanh nghiệp Việt Nam đã đầu tư khoảng 20 dự án với tổng vốn đăng ký đạt 1,242 tỷ USD (trong tổng số 112 dự án đầu tư vào Campuchia thì khu vực Tam giác phát triển chiếm 17,3% số dự án và 57% tổng vốn đầu tư trực tiếp từ Việt Nam sang Campuchia). Những lĩnh vực Việt Nam đầu tư chủ yếu tập trung trồng cây công nghiệp (11 dự án), còn lại là các dự án trong lĩnh vực xây dựng, khai khoáng và thủy điện.


Để tiếp tục phát huy các thế mạnh của mỗi bên trong hợp tác phát triển, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đào Quang Thu cho rằng: Cần tập trung khai thác các tiềm năng, thế mạnh của Campuchia và Lào là đất đai, khoáng sản, tiềm năng thủy điện và cơ hội tiếp cận thị trường nước thứ ba. Việt Nam có nguồn nhân lực, vốn đầu tư, công nghệ trong một số ngành và lĩnh vực như nông nghiệp, thủy điện, công nghiệp chế biến, tiếp tục lựa chọn các lĩnh vực để hợp tác thiết thực, hiệu quả.


Bên cạnh hợp tác phát triển kinh tế, các bên cần chú trọng hợp tác phát triển các lĩnh vực: y tế, giáo dục - đào tạo, xóa đói giảm nghèo, văn hóa, thể thao để từng bước nâng cao dân trí của khu vực. Khu vực Tam giác phát triển phải gắn hợp tác phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường sinh thái, khai thác tài nguyên hợp lý, phát triển bền vững. Mỗi nước nên phát triển hơn nữa nguồn nhân lực trong khu vực Tam giác phát triển bằng cách chỉ định một trường đại học hoặc trung tâm đào tạo làm cơ sở đào tạo cho địa bàn này.


Trên cơ sở của mối quan hệ hữu nghị truyền thống giữa ba nước Đông Dương, kế thừa tinh thần đoàn kết của ba dân tộc Việt - Lào - Campuchia, trong thời gian qua, Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Việt Nam đã có sự hợp tác chặt chẽ và có hiệu quả với Ủy ban Đối ngoại, Hợp tác Quốc tế, Thông tin và Truyền thông của Quốc hội Campuchia và Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Lào. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Nguyễn Mạnh Tiến cho biết: Cùng với quá trình xây dựng, phát triển đất nước và hội nhập quốc tế của ba nước Việt Nam -Lào - Campuchia, ba Ủy ban Đối ngoại đã làm tốt công tác tham mưu để đưa mối quan hệ hợp tác giữa ba Quốc hội ngày càng phát triển.

 

Các bên cùng nhau xây dựng các cơ chế hợp tác có hiệu quả, đảm bảo sự kế thừa mối quan hệ chính trị tốt đẹp, đảm bảo tính pháp lý bền vững trong các hoạt động hợp tác song phương giữa các cơ quan chuyên môn và hành chính của ba Quốc hội. Hiện nay, qua sự điều phối của ba Ủy ban đối ngoại, các hoạt động hợp tác song phương giữa Quốc hội Việt Nam với Quốc hội Lào và Quốc hội Campuchia đã và đang triển khai mạnh mẽ và toàn diện.


Đánh giá về việc hợp tác trong lĩnh vực đa phương, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Nguyễn Mạnh Tiến nhấn mạnh: Quốc hội ba nước Campuchia, Lào và Việt Nam đều là thành viên của nhiều diễn đàn liên nghị viện ở khu vực và quốc tế như: Hội đồng Liên nghị viện ASEAN (AIPA), Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU), Diễn đàn Nghị viện châu Á - Thái Bình Dương (APPF), Hội nghị Hợp tác Nghị viện Á - Âu (ASEP), Liên minh Nghị viện Cộng đồng Pháp ngữ (APF)… và nhiều cơ chế liên nghị viện khác.

 

Ủy ban Đối ngoại của ba nước đều là đầu mối tham mưu nội dung và triển khai các hoạt động tại các diễn đàn này. Vì vậy, việc trao đổi, tham khảo quan điểm và ủng hộ lẫn nhau trên các diễn đàn đa phương này là hoạt động thường xuyên và có ý nghĩa quan trọng, góp phần không nhỏ trong việc phát huy vai trò Quốc hội ba nước trên kênh ngoại giao nghị viện đa phương.


Kiến nghị nâng cao hiệu quả hợp tác song phương và đa phương trong thời gian tới, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Việt Nam Nguyễn Mạnh Tiến đề xuất các kiến nghị hợp tác giữa ba Quốc hội trong việc thực thi những cam kết ở khu vực và quốc tế trong nhiều lĩnh vực, phối hợp tổ chức các hoạt động trong khuôn khổ các diễn đàn đa phương khu vực và quốc tế. Ba Ủy ban Đối ngoại phối hợp thực hiện cơ chế trao đổi thường niên nhằm cập nhật tình hình khu vực và quốc tế, chia sẻ kinh nghiệm hoạt động và đề xuất phương hướng hành động trong một số lĩnh vực là mối quan tâm chung của ba nước...



Nguyễn Hồng Điệp