09:10 05/09/2014

Quảng Ngãi triển khai kế hoạch đóng mới tàu cá

Triển khai thực hiện Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản, theo phân bổ của Trung ương, tỉnh Quảng Ngãi được đóng mới 189 tàu gồm 174 tàu khai thác và 15 tàu dịch vụ hậu cần.

Triển khai thực hiện Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản, theo phân bổ của Trung ương, tỉnh Quảng Ngãi được đóng mới 189 tàu gồm 174 tàu khai thác và 15 tàu dịch vụ hậu cần. UBND tỉnh Quảng Ngãi đã chính thức quyết định phân bổ 189 tàu này về cho các địa phương ven biển, hải đảo trong tỉnh để triển khai đóng mới thời gian tới.

Theo đó, UBND tỉnh Quảng Ngãi phân bổ số tàu này về cho 4 huyện Bình Sơn, Mộ Đức, Đức Phổ, huyện đảo Lý Sơn và Tp. Quảng Ngãi.

Cụ thể, ngư dân huyện Bình Sơn được phân bổ đóng mới 45 tàu khai thác và 1 tàu dịch vụ hậu cần; huyện Mộ Đức 2 tàu khai thác; huyện Đức Phổ 45 tàu khai thác và 2 tàu dịch vụ hậu cần; Tp. Quảng Ngãi 51 tàu khai thác và 8 tàu dịch vụ hậu cần và huyện đảo Lý Sơn được phân bổ 31 tàu khai thác và 4 tàu dịch vụ hậu cần nghề cá.

Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN.


UBND tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển và UBND các huyện, thành phố được phân bổ số tàu này phải tập trung quan tâm, triển khai thực hiện để hoàn thành việc đóng tàu mới cho ngư dân vươn khơi theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ.

Ngư dân đóng tàu theo Nghị định này sẽ được thụ hưởng nhiều chính sách ưu đãi để phát triển kinh tế biển, đặc biệt là lãi suất vay vốn đóng tàu chỉ từ 1 - 3% tuỳ theo loại tàu, với thời hạn trả lãi trong 10 năm.

Thực hiện Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ, tỉnh Quảng Ngãi thành lập Ban chỉ đạo thực hiện chính sách phát triển thủy sản và xây dựng dự thảo Kế hoạch thực hiện với mục đích trong giai đoạn 2014- 2020 triển khai thực hiện 10 - 12 dự án đầu tư kết cấu hạ tầng nghề cá gồm cảng cá, khu neo trú tàu thuyền, khu dịch vụ hậu cần nghề cá, vùng nuôi trồng thủy sản tập trung.

Địa phương triển khai chính sách tín dụng hỗ trợ ngư dân đầu tư đóng tàu đánh bắt và tàu dịch vụ hậu cần nghề cá; chính sách bảo hiểm; đào tạo thuyền viên vận hành tàu vỏ thép, vật liệu mới.

Công tác hướng dãn kỹ thuật khai thác, bảo quản sản phẩm theo công nghệ mới được thực hiện; hỗ trợ chi phí vận chuyển hàng hóa cho tàu dịch vụ hậu cần với mức 15 chiếc/năm và hỗ trợ 100% chi phí, duy tu bảo dưỡng tàu vỏ thép với chỉ tiêu 117 chiếc/năm.


Nguyễn Đăng Lâm