09:07 22/09/2012

Quảng Bình thiếu 'tổng công trình sư' khoa học công nghệ

Hoạt động khoa học và công nghệ (KH&CN) tỉnh Quảng Bình thời gian qua đạt nhiều kết quả tốt, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Hoạt động khoa học và công nghệ (KH&CN) tỉnh Quảng Bình thời gian qua đạt nhiều kết quả tốt, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Song, kết quả đó vẫn chưa xứng với tiềm năng, không có sự bứt phá do thiếu những “tổng công trình sư” có khả năng tổ chức công trình có tầm vóc quốc gia và quốc tế.

 

Khoa học - công nghệ đóng góp 27% GDP của tỉnh


Ông Nguyễn Đức Lý - Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Quảng Bình cho biết: Hiện nay, toàn tỉnh có trên 19.200 cán bộ khoa học kỹ thuật (KHKT) có trình độ đại học, cao đẳng và trên 360 cán bộ KHKT có trình độ sau đại học. Số cán bộ này chủ yếu tập trung tại các vùng trung tâm, các ban ngành tại thành phố và một số ngành như giáo dục và y tế. Lực lượng cán bộ khoa học làm cho hoạt động KH&CN tỉnh Quảng Bình có nhiều thay đổi tích cực. Nhiều công nghệ sản xuất tiên tiến và hiện đại đã được chuyển giao và áp dụng trên địa bàn tỉnh như sản xuất xi măng lò quay, chế biến gỗ, sản xuất gạch ceramic, sản xuất thức ăn chăn nuôi...


 

Bộ trưởng Bộ KH&CN Việt Nam Nguyễn Quân và Bộ trưởng Bộ KH&CN Lào Boviengkham Vongdara đi thăm doanh nghiệp KH&CN Thanh Hương tại tỉnh Quảng Bình.

 

Bên cạnh đó, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp cũng mang lại nhiều kết quả thiết thực đối với doanh nghiệp trong các lĩnh vực nghiên cứu khoa học, đổi mới công nghệ, sáng kiến cải tiến kỹ thuật và áp dụng các tiến bộ KHKT vào sản xuất. Đặc biệt, giai đoạn 2010 đến 6 tháng đầu năm 2012 tỉnh Quảng Bình đã triển khai thực hiện 57 đề tài, dự án, quỹ gen, Nghị định thư, mô hình khoa học và phát triển công nghệ. Trong đó có 32 đề tài, dự án, quỹ gen, Nghị định thư và 25 mô hình KH&CN cấp huyện. Nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn tập trung vào việc điều tra, nghiên cứu văn hóa, lịch sử, kinh tế - xã hội, quản lý giáo dục...


Theo đánh giá của ông Nguyễn Đức Lý, về đóng góp của hoạt động KH&CN thì năm 2011 KH&CN của Quảng Bình đã đóng góp tới 27% GDP toàn tỉnh và trong năm 2012 này, KH&CN tiếp tục phấn đấu giữ mức tăng trưởng này.


Ông Nguyễn Xuân Quang - Phó Chủ tịch Thường trực tỉnh Quảng Bình nhấn mạnh: Nguồn ngân sách dành cho hoạt động KH&CN hàng năm đều tăng và sử dụng đúng mục đích. Chỉ tính riêng 3 năm, từ năm 2010 đến năm 2012, tổng kinh phí ngân sách nhà nước cho KH&CN là 98.370 triệu đồng.


Bên cạnh nguồn vốn từ ngân sách thì nhiều ngành, nhiều doanh nghiệp đã tự huy động được các nguồn vốn khác nhau để nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ vào sản xuất, tạo ra sản phẩm mới nhằm tận dụng các tiềm năng sẵn có của địa phương và có thể cạnh tranh trên thị trường.

 

Thiếu cán bộ giỏi


Ông Nguyễn Đức Lý thẳng thắn chỉ ra rằng, thành tựu KH&CN của tỉnh đã đạt nhiều kết quả nhưng không có sự bứt phá do thiếu những cán bộ đầu ngành giỏi, thiếu những tổng công trình sư cũng như thiếu cán bộ có khả năng tổ chức thực hiện chương trình, dự án lớn, đặc biệt là thiếu cán bộ trẻ có trình độ cao. Cơ cấu nhân lực KH&CN theo ngành nghề và lãnh thổ còn nhiều bất hợp lý, thiếu cân đối. Đội ngũ cán bộ chưa được chuẩn bị tốt để thực hiện chủ trương “đi tắt đón đầu”, không cập nhật thường xuyên kiến thức, thiếu thông tin mới về KH&CN. Việc tập hợp và huy động đội ngũ cán bộ KH&CN trên địa bàn còn lúng túng, thụ động. Khó khăn nữa mà hoạt động KH&CN Quảng Bình gặp phải là thiếu sự liên kết hữu cơ giữa nghiên cứu KH&CN, giáo dục - đào tạo và sản xuất - kinh doanh, thiếu sự hợp tác chặt chẽ giữa các tổ chức nghiên cứu - phát triển, các trường đại học và doanh nghiệp.


Cũng theo ông Nguyễn Đức Lý, đầu tư từ xã hội cho KH&CN của tỉnh còn rất thấp, đặc biệt là từ khu vực doanh nghiệp. Trang thiết bị của phòng thí nghiệm còn thiếu và chưa đồng bộ, một số lạc hậu không còn phù hợp với các tiêu chuẩn hiện hành để thực hiện các phép đo có độ chính xác cao. Bên cạnh đó, đầu tư cho KH&CN chưa có định hướng rõ nét, chất lượng công tác nghiên cứu khoa học chưa cao, chưa đáp ứng được nhu cầu của thực tiễn. Số lượng đề tài tuy nhiều nhưng quy mô nhỏ mới chỉ giải quyết những vấn đề đơn lẻ, phục vụ cho một ngành, một lĩnh vực, một cơ sở... mà không có đề tài mang tính tổng hợp, liên ngành.
Ngoài ra, việc quản lý như hiện nay chỉ tập trung các yếu tố đầu vào mà chưa quan tâm đúng mức đến đầu ra và ứng dụng kết quả nghiên cứu vào thực tiễn cũng là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến tình trạng các đề tài nghiên cứu chưa có kết quả cao và dù có đề tài kết quả cao thì việc ứng dụng vào thực tế cũng bị hạn chế.


Trước thực trạng này, Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân chia sẻ, không chỉ có hoạt động KH&CN tỉnh Quảng Bình mà hoạt động KH&CN cả nước cũng đang gặp nhiều khó khăn. Vấn đề chính đang làm khó cho hoạt động này là chính sách đầu tư cho KH&CN, tuy sự đầu tư đóng góp từ xã hội cho hoạt động KH&CN đã tăng nhưng vẫn ở mức độ thấp, chỉ bằng một phần của mức đầu tư từ ngân sách. Theo quy định thì doanh nghiệp được trích tới 10% lợi nhuận trước thuế để đầu tư lại cho nghiên cứu khoa học. Quy định này còn lỏng lẻo và không mang tính bắt buộc. Nếu quy định như vậy thì doanh nghiệp trích 1% cũng được. Điều này sẽ được bổ sung vào Luật trong thời gian tới. Khó khăn tiếp theo là cơ chế tài chính và chính sách trọng dụng nhân tài trong KH&CN cũng đang là tâm điểm cần tháo gỡ. Cơ chế tài chính cho hoạt động KH&CN còn quá rườm rà và mang nặng tính hành chính, không mang tính sáng tạo, đặc thù của KH&CN. Quy định về thẩm quyền quyết định điều chỉnh kinh phí hiện nay không còn phù hợp nếu áp dụng cơ chế khoán chi và đặt hàng nhiệm vụ KH&CN. Đặc biệt, cơ chế, chính sách thu hút, đãi ngộ và trọng dụng cán bộ KH&CN còn chưa tạo động lực cống hiến và phát huy năng lực sáng tạo của đội ngũ trí thức, nhất là người có trình độ cao, tài năng trẻ và người Việt Nam ở nước ngoài. Môi trường dân chủ trong khoa học xã hội và nhân văn chưa được xác lập đầy đủ dẫn đến hoạt động KH&CN còn thiếu người tài, thiếu “tổng công trình sư” cho những công trình có tầm vóc quốc gia và quốc tế.


Bộ trưởng cho rằng, cần phải giải quyết được những vấn đề trên thì hoạt động KH&CN cả nước nói chung và Quảng Bình nói riêng mới có đà phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, trước mắt để KH&CN Quảng Bình có thể bứt phá thì lãnh đạo tỉnh Quảng Bình phải quan tâm đảm bảo nguồn chi từ ngân sách nhà nước cho hoạt động KH&CN. Đảm bảo nguồn kinh phí đầu tư cho KH&CN đúng mục đích; các địa phương, đơn vị có thể đặt hàng nghiên cứu cho các nhà khoa học và có trách nhiệm với sản phẩm đầu ra từ nghiên cứu; tăng nguồn đầu tư từ xã hội cho hoạt động nghiên cứu... Ủy ban nhân dân tỉnh quan tâm chỉ đạo Sở KH&CN thực hiện tốt một số chương trình lớn của quốc gia. Nâng cao sự liên kết, phối hợp giữa các sở, ban, ngành trong tỉnh nâng cao hơn nữa để KH&CN ngày càng có nhiều đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà.

 

Phương Hoàn