12:19 19/12/2012

Quân và dân đất Tổ góp phần làm nên chiến thắng

Những ngày tháng 12 lịch sử này, mỗi người dân đất Tổ Phú Thọ lại tự hào nhớ những năm tháng hào hùng cách đây tròn 40 năm đã cùng với nhân dân cả nước bảo vệ vùng trời Tổ quốc, góp phần làm nên chiến thắng "Hà Nội - Ðiện Biên Phủ trên không".

Những ngày tháng 12 lịch sử này, mỗi người dân đất Tổ Phú Thọ lại tự hào nhớ những năm tháng hào hùng cách đây tròn 40 năm đã cùng với nhân dân cả nước bảo vệ vùng trời Tổ quốc, góp phần làm nên chiến thắng "Hà Nội - Ðiện Biên Phủ trên không".

Tỉnh Vĩnh Phú (nay là Phú Thọ và Vĩnh Phúc) nằm trong hanh lang Tây Bắc của Thủ đô Hà Nội, có nhiều cơ sở công nghiệp, nhiều kho tàng xí nghiệp quốc phòng, có sân bay quân sự Đa Phúc lớn nhất miền Bắc (nay là càng hàng không quốc tế Nội Bài), là đầu mối giao thông đường sắt, đường bộ, đường thủy hội tụ ở ngã ba sông Việt Trì đã trở thành trọng điểm đánh phá của địch.

Xác máy bay B-52 của Mỹ bị quân và dân Thủ đô bắn rơi hồi 23h ngày 27/12/1972 trên phố Hoàng Hoa Thám. Ảnh: Minh Trường - TTXVN


Ông Phạm Dụ, nguyên Phó Bí thư tỉnh Vĩnh Phú nhớ lại những khoảnh khắc lịch sử đau thương khiến ông không thể nào quên. Đó là đêm 28/12, trận đánh ác liệt nhất của không quân Mỹ trút xuống thôn Ninh Kiều, xã Tân Dân đã phá tan toàn bộ nhà cửa, hoa màu, làm 57 người chết, 60 bị thương, có gia đình 15 người chết. Ông Dụ chứng kiến toàn bộ cuộc chiến và đã cùng các đồng chí lãnh đạo tham gia chỉ đạo đào bới, tìm kiếm, chôn cất thi thể và cứu người bị thương.

Trong suốt 12 ngày đêm cuối năm 1972, trong khi B52 đánh khu vực quanh sân bay, thì các loại máy bay F4, F111 đánh Gia Thanh, Hy Cương, Xuân Quang, Vĩnh Yên, Lập Thạch, Yên Lãng. Nơi bị đánh cuối cùng là nhà máy giấy, khu vực ga, cầu Bến Than Việt Trì. Tổng số bom đạn địch sử dụng trong trận tập kích vào Vĩnh Phú là 6.474 quả bom phá, 2 thùng bom bi, 9 lần bắn tên lửa với gần 3.000 tấn bom đạn ném xuống Vĩnh Phú…

Mặc dù địch đánh với tần suất cao, cường độ lớn nhưng với sự kết hợp sáng tạo cả 3 thứ quân gồm binh chủng tên lửa, máy bay của không quân, Tiểu đoàn cao xạ 64A của tỉnh, Sư đoàn phòng không 321 và các đại đội cao xạ tự vệ của Việt Trì, nhà máy Supephốt phát, cùng với hàng trăm trận địa đón lõng đánh máy bay tầm thấp của dân quân đã mưu trí đấu tranh ác liệt.

Quân và dân Vĩnh Phú đã bắn rơi 25 máy bay trên vùng đất Tổ, trong đó có 2 máy bay B52. Riêng Tiểu đoàn cao xạ của tỉnh bắn hạ 4 chiếc F4, dân quân Tiền Châu bắn hạ 1 chiếc F111 cánh cụp cánh xèo. Đây là chiếc thứ 4.000 bị bắn hạ trên miền Bắc, Tiểu đoàn đã được Chủ tịch Tôn Đức Thắng gửi thư khen và tặng Huân chương chiến công hạng Nhất.


Quân và dân đất Tổ đã tổ chức tốt công tác phòng tránh nên hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản. Các cơ quan, xí nghiệp, kho tàng, bệnh viện, trường học ở thành phố, thị xã địa bàn trọng điểm được sơ tán triệt để. Việt Trì sơ tán 1 vạn trong tổng số 5 vạn dân, Nhà máy Supephốtphát sơ tán 2000 công nhân và gia đình họ. Toàn tỉnh đã làm được 27 vạn hầm trú ẩn, 73 vạn hầm hào gia đình, đào được 486 km hào và trên 40 vạn hầm cá nhân ven đường…

Ở các nơi có chiến sự, tỉnh đều bố trí các đội cứu thương, cứu hầm sập, chữa cháy, tháo gỡ bom mìn nổ chậm, san lấp hố bon, chôn cất tử sĩ...giúp khắc phục hậu quả nhanh gọn. Cầu Việt Trì bị đánh sập nhưng chỉ 10 giờ sau đã có phà, có đường tránh đảm bảo việc vận chuyển người và hàng hoá qua lại giữa hai bờ. Đường băng bị phá hủy chỉ sau 24 giờ là máy bay có thể cất cánh.

Hình ảnh những chiếc máy bay chiến đấu hiện đại bậc nhất của đế quốc Mỹ bị bắn hạ trên bầu trời đất Tổ vào mùa đông năm 1972 vẫn vẹn nguyên trong tâm trí Đại tá Trần Xuân Vũ, nguyên là trinh sát viên, thuộc Tiểu đội chỉ huy, Ðại đội 3, Tiểu đoàn 38, Trung đoàn 221, Sư đoàn 361 (Quân chủng Phòng không - Không Quân).

Vì vậy, ông luôn trăn trở khi nghĩ đến các phi công bị đơn vị mình và lực lượng vũ trang tỉnh Vĩnh Phú năm xưa bắn rơi. Ông hy vọng họ còn sống, để rồi một ngày nào đó cùng nhân dân địa phương nói chuyện "khép lại quá khứ, hướng tới tương lai".

Đã 40 năm trôi qua, các thế hệ quân và dân đất Tổ không ngừng học tập rèn luyện tiếp bước theo lớp cha anh, bảo vệ vững chắc bầu trời của Tổ quốc, quyết không để bị bất ngờ từ các tình huống trên không. Cùng với sự phát triển của đất nước, Phú Thọ đang chuyển mình, đời sống người dân ngày càng được nâng cao, phấn đấu đưa Phú Thọ trở thành một tỉnh có nền kinh tế công nghiệp và dịch vụ vào năm 2020.


Lâm Đào An