Vũ khí Trung Quốc đã đủ sức đe dọa Mỹ?

Trong bối cảnh cạnh tranh Mỹ-Trung tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương vẫn tiếp diễn, trong những ngày gần đây, các chuyên gia quân sự cho rằng Bắc Kinh không ngại phô trương hay tuyên truyền về kho vũ khí hiện đại của mình khi tuyên bố chiến đấu cơ của họ đủ sức cất cánh từ Trung Quốc bay thẳng đến tấn công các căn cứ Mỹ tận đảo Guam, hoặc tàu ngầm tàng hình trang bị đầu đạn hạt nhân của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) đủ khả năng mai phục sát cạnh lãnh thổ Mỹ. 

Sự kiện gần đây nhất là cuộc tập trận phối hợp giữa Hải quân và Không quân Trung Quốc ở ngoài khơi Thái Bình Dương vào đầu tháng 12 này. Theo thông tin từ Bộ Quốc phòng Nhật Bản, để tiến hành cuộc tập trân đó, Trung Quốc đã cho một tiểu hạm đội gồm hai khu trục hạm, hai hộ tống hạm và một tàu tiếp liệu băng ngang qua eo biển Miyako miền Nam Okinawa ngày 4/12, để ra Thái Bình Dương. Sau đó 2 ngày (6/12), một phi đội gồm hai máy bay cảnh báo sớm Y-8J, một phi cơ do thám GX-8, cùng hai oanh tạc cơ H-6, cũng cùng tuyến đường để đến địa điểm tập trận là vùng hải phận quốc tế ngoài Thái Bình Dương. 

Tàu ngầm lớp Tấn của Trung Quốc.


Ý nghĩa của sự kiện trên đã được nhiều nhà quan sát mổ xẻ. Báo mạng Đài Loan Want China Times vào hôm qua đã trích dẫn chuyên gia quân sự Trung Quốc Lý Tiểu Kiện (Li Xiaojian) tại Bắc Kinh xác định rằng cuộc tập trận hải và không quân đó của Trung Quốc chứng tỏ là Bắc Kinh đã làm chủ được chiến thuật kết hợp sức mạnh hải và không quân. 

Mối đe dọa mà các phi cơ vừa được Trung Quốc tung vào cuộc tập trận được phản ánh qua tính năng của các kiểu phi cơ sử dụng và khả năng hoạt động ngoài xa. Vừa qua, khi có thể bay ra vùng biển Thái Bình Dương tham gia tập trận, không quân Trung Quốc đã chứng minh được năng lực bay đến tận các căn cứ Mỹ ở trong vùng. 

Một chuyên gia quân sự khác được tờ báo trên của Đài Loan trích dẫn, đã căn cứ vào những bức hình chụp được để cho rằng các oanh tạc cơ H-6 được trang bị tên lửa hành trình và có khả năng tung ra các cuộc tấn công từ trên không. Theo chuyên gia này, oanh tạc cơ H-6 có thể là mối đe dọa đối với các hạm đội Mỹ cũng như các căn cứ trên đất liền ở Biển Đông, biển Hoa Đông, Bán đảo Triều Tiên, cũng như các căn cứ quân sự Mỹ ở Nhật Bản và đảo Guam. 

Mối đe dọa của kho vũ khí Trung Quốc đối với lãnh thổ Mỹ mới đây đã được Ủy ban Đánh giá quan hệ Kinh tế và An ninh Mỹ-Trung của Mỹ nêu bật trong một bản báo cáo gửi Quốc hội Mỹ vào tháng 11/2014. Theo báo cáo này, Trung Quốc sắp trang bị cho loại tàu ngầm gọi là “tàng hình” của họ những chiếc tên lửa có đầu đạn hạt nhân và nhất là có khả năng bắn tới lãnh thổ Mỹ. Đó là loại tên lửa đạn đạo hạt nhân JL-2, sẽ được gắn trên các chiếc tàu ngầm hạt nhân thuộc lớp Tấn (Jin), hay 094, được cho là không thể bị phát hiện. Các tàu ngầm trang bị tên lửa hạt nhân sẽ bắt đầu tuần tra vào cuối năm 2014. 
Trung Quốc hiện có 3 tàu ngầm hạt nhân lớp Tấn và sẽ có thêm hai chiếc nữa từ nay đến năm 2020. Mỗi chiếc tàu ngầm lớp Tấn có thể mang 12 tên lửa JL-2, có tầm bắn 7.400km. 

Tầm bắn trên có nghĩa là tàu ngầm Trung Quốc chỉ cần ở gần bờ biển nước mình là có thể mở cuộc tấn công nguyên tử vào khu vực Alaska. Còn nếu muốn tấn công toàn bộ 50 tiểu bang Mỹ thì phải di chuyển đến vùng biển phía đông Hawaii. 
Các nhà quan sát đang đặt câu hỏi là đội tàu ngầm trang bị tên lửa hạt nhân này sẽ tuần tra ở đâu. Theo hãng tin Mỹ Bloomberg, rất có thể là lúc ban đầu, vùng hoạt động của các chiếc tàu ngầm này sẽ là vùng bờ biển Trung Quốc và vùng biển Đông, nơi mà loại tàu này khó bị phát hiện.

Tên lửa JL-2 được phóng từ tàu ngầm.


Cũng liên quan đến tàu ngầm lớp Tấn của Trung Quốc, theo Đài tiếng nói nước Nga ngày 10/12, việc Trung Quốc sẵn sàng trang bị cho tàu ngầm hạt nhân các tên lửa đạn đạo có tầm bắn mở rộng là mối đe dọa với an ninh Mỹ. Các chuyên gia Nga nhận xét rằng nhận định được nêu trong báo cáo thường niên của Ủy Ban kinh tế và an ninh Mỹ-Trung tại Quốc hội Mỹ, tuy có phần phóng đại nhưng mối đe dọa là hoàn toàn có thực. Giới chức quân sự Mỹ đã không ít lần tìm cách thổi phồng những nguy cơ tiềm ẩn từ phía Trung Quốc. Đằng sau động thái này rõ ràng là muốn hy vọng xin tăng thêm chi phí quân sự. 

Tuy nhiên, thông tin tàu ngầm lớp Tấn của Trung Quốc hiện diện ở vùng biển phía tây Hawaii đe dọa an ninh 50 bang của Mỹ rất có thể là thực tế. Ông Pavel Zolotarev, Phó Giám đốc Viện Mỹ và Canada chia sẻ: “Trường hợp này rất có khả năng là sự thật, mối quan tâm cao độ của người Mỹ hoàn toàn hợp lý. Trung Quốc không duy trì toàn bộ tên lửa trên mặt đất trong trạng thái sẵn sàng phóng. Tên lửa với khả năng như vậy có thể sẽ xuất hiện trong phương án trên biển. Có nghĩa, họ sẽ không thay đổi đáng kể các thành phần cũ trên mặt đất mà thực hiện một bộ ba hạt nhân đầy đủ. Trung Quốc đang tiến theo hướng như vậy-sở hữu các thành phần trên đất liền, trên không và trên biển. Đã có các phương tiện mang tên lửa trên không và mặt đất, giờ đây họ chuẩn bị cho việc triển khai tên lửa của hải quân, tất nhiên, với công nghệ hiện đại hơn. Đó sẽ là các tên lửa liên lục địa và đặc biệt là duy trì trong trạng thái sẵn sàng phóng. Trung Quốc đang nghiên cứu chế tạo tên lửa đạn đạo nhiều đầu đạn tự tách. Rõ ràng, Bắc Kinh có tính toán nhằm đối phó kế hoạch triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ trong khu vực”.

Nhưng tàu ngầm lớp Tấn của Trung Quốc còn những yếu điểm về kỹ thuật. Đại tá hải quân đã nghỉ hưu Konstantin Sivkov và là chuyên gia quân sự Nga lưu ý: “Tàu ngầm lớp Tấn có cường độ tiếng ồn khá cao, nên có thể dễ bị phát hiện và tiêu diệt. Như vậy, khó thể hoạt động ngoài phạm vi bảo vệ của hệ thống phòng thủ đáng tin cậy. Tuy nhiên, tên lửa của tầu ngầm lớp Tấn sẽ có tầm bắn 8-9 nghìn km, có khả năng đối phó với yếu tố kiềm chế vũ khí hạt nhân của Mỹ mặc dù vẫn tuần tra ngoài khơi bờ biển Trung Quốc, trong phạm vi bảo vệ của hệ thống phòng không và chống tàu ngầm. Đó là lý do vì sao người Mỹ bận tâm bởi mối đe dọa này”.


CT (Tổng hợp)

Giới học giả Đức phê phán gay gắt hành động của Trung Quốc ở Biển Đông
Giới học giả Đức phê phán gay gắt hành động của Trung Quốc ở Biển Đông

Tối 9/12, hội thảo khoa học “Xung đột ở Biển Đông“ đã diễn ra tại trụ sở báo “Die Tageszeitung“ (TAZ) ở thủ đô Berlin (Đức) với sự tham gia của khoảng 40 học giả, nhà nghiên cứu, hoạt động xã hội và sinh viên của Đức cùng một số kiều bào người Việt đang sinh sống và làm việc tại Đức.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN