Vũ khí phát hiện ‘sát thủ vô hình’ của Nhật Bản

Giáo sư James Simpson tại Đại học Harvard (Mỹ) cho rằng, về mặt chiến lược, các hòn đảo bao phủ một vùng biển rộng lớn của Nhật Bản là một chướng ngại vật. Xung quanh các vùng biển gần của Nhật Bản có nhiều “nút thắt cổ chai”  đặc biệt quan trọng cho phép tàu, thuyền của các quốc gia khác tiếp cận biển Thái Bình Dương. Thống trị các eo biển quan trọng này là một trong những chính sách ưu tiên hàng đầu của Tokyo.

Đối với nhiệm vụ này, hai tàu giám sát của Lực lượng phòng vệ Hàng hải Nhật Bản, Hibiki và Harima, đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Những chiếc tàu này chính là các "trạm cảm biến" để theo dõi các tàu ngầm của Nga và Trung Quốc ở các vùng biển xung quanh Nhật Bản.

Tokyo đã phát triển tàu lớp Hibiki (và sau đó là Harima) nhằm đối phó với các tàu ngầm có "độ yên tĩnh" ngày càng cao của Hải quân Liên Xô trong những năm 1980. Hải quân Liên Xô đã chế tạo ra những chiếc tàu ngầm có độ ồn tiêu chuẩn mới- tàu ngầm lớp Kilo, được cho là “sát thủ dưới đại dương”, có độ yên tĩnh đến mức NATO gọi là “hố đen”. Những chiếc tàu ngầm động cơ điện-diesel này được phủ lớp vật liệu (hay còn gọi là lớp ngói) chống dội âm nên đã làm giảm đáng kể tiếng ồn của chúng.

Tàu giám sát Hibiki của Nhật Bản.


Năm 1988, đã có ít nhất 7 tàu ngầm lớp Kilo hoạt động trong khu vực “sân sau” của Nhật Bản. Những chiếc tàu ngầm tàng hình này đã đe dọa đến các tuyến đường giao thông kinh tế huyết mạch của Nhật Bản. Ngoài ra, giáp biên giới trên biển phía bắc của Nhật Bản là biển Okhotsk, nơi có căn cứ của các tàu ngầm tên lửa hạt nhân của Liên Xô.

Mặc dù khó bị phát hiện bởi các tàu tuần tra chống ngầm hải quân tiêu chuẩn, nhưng những “sát thủ dưới đại dương” vẫn dễ bị tổn thương bởi mạng lưới giám sát của Mỹ và Nhật Bản như hệ thống giám sát cảm biến của tàu Hibiki.

Tàu Hibiki và Harima thường hoạt động ngoài căn cứ hải quân lớn ở Kure, Hiroshima, dưới quyền chỉ huy của Cục Hải Dương học, thuộc lực lượng phòng vệ Hàng hải Nhật Bản. Tokyo chỉ thông báo chúng là tàu đo lường cảm biến âm thanh, nhưng tên tiếng Anh chính thức của nó là "Tàu giám sát đại dương".

Không trang bị vũ khí, Hibiki và Harima trông giống như các tàu khảo sát hơn là tàu chiến. Chúng được trang bị hệ thống cảm biến mạnh nhất trên thế giới hiện nay – hệ thống cảm biến giám sát AN/UQQ-2. Những chiếc tàu này có thể hoạt động một mình và đứng xa khỏi các tuyến hàng hải tấp nập, các hệ thống cảm biến, giám sát có thể triển khai hàng tháng trời để phát hiện hoạt động của lực lượng hải quân tầm xa của các nước.

Giống các tàu giám sát lớp Victorious của Mỹ, Hibiki được thiết kế như một tàu cánh ngầm. Tuy nhiên, điểm khác giữa Hibiki với các tàu lớp Victorious của Mỹ là ở phía sau - Hibiki có sân đậu trực thăng ở phía sau để cho phép các chuyến bay tiếp tế trong các chuyến hành trình dài. Nhờ vào khả năng nhận tiếp tế hậu cần bằng máy bay trực thăng, tàu Hibiki có một ưu thế lớn hơn so với các tàu cùng loại của Mỹ. Tàu lớp Hibiki có thể hoạt động trong phạm vi bán kính 3.000 hải lý và có thể tuần tra liên tục trong 60 - 90 ngày.

Trong tiếng Nhật, Hibiki có nghĩa là "tiếng vang", nhằm nhấn mạnh việc sử dụng những âm thanh dội lại của tàu khác để lập bản đồ và theo dõi vị trí, sự chuyển động của tàu ngầm đối phương.

“Kẻ thù vô hình” của Nhật Bản

Việc tàu ngầm Mỹ tàn phá đội tàu thương mại của Nhật Bản trong Chiến tranh Thế giới thứ 2 để lại một bài học sâu sắc về mặt chiến lược đối với Nhật Bản. Sau đó, chuyện này luôn được nhắc đến đầu tiên trong các kế hoạch phòng thủ của Tokyo.
 
Là một đảo quốc, Nhật Bản vẫn phụ thuộc rất nhiều vào các tuyến đường thương mại trên biển. Kinh tế Nhật Bản phục hồi và phát triển phải nhờ vào sự trao đổi hàng hóa và nguồn cung nhiên liệu từ các quốc gia khác. Chắc chắn, các tàu vận tải sẽ là mục tiêu không thể tránh khỏi của các tàu ngầm đối phương nếu một cuộc chiến tranh nổ ra ở Đông Á.

Trong khi có một hiệp ước an ninh chung với Mỹ, Tokyo vẫn nghi ngờ sự sẵn sàng hành động của Washington nếu một cuộc xung đột nổ ra. Nỗi sợ hãi này đã thúc đẩy Nhật Bản phát triển Lực lượng phòng vệ Hàng hải của mình thành một lực lượng hải quân mạnh và độc lập, có khả năng theo dõi các tàu ngầm của đối phương ở các vùng biển xung quanh Nhật Bản.

Thay vì thất vọng vì sự thiếu tin tưởng của Tokyo, Washington lại khuyến khích Nhật Bản phát triển hải quân của riêng mình. Mỹ gây áp lực để Nhật Bản tăng ngân sách quốc phòng nhằm tài trợ cho những cải tiến trong khả năng chống tàu ngầm của Tokyo. Tàu lớp Hibiki là một biểu tượng Chiến tranh Lạnh của liên minh Mỹ-Nhật Bản.

Tàu ngầm Trung Quốc.


Trong khi đó, Trung Quốc đang tăng số lượng cho hạm đội tàu ngầm của nước này, bao gồm 5 tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân, 4 tàu ngầm tên lửa đạn đạo có đầu đạn hạt nhân và 53 tàu ngầm tấn công chạy bằng động cơ diesel. Các tàu ngầm tấn công này chủ yếu được nâng cấp từ tàu ngầm lớp Kilo của Nga và lớp Nguyên của Trung Quốc.

Tàu Trung Quốc thường xuyên hành trình qua các eo biển mà Nhật Bản kiểm soát. Trong tháng 5/2013, Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã thông báo phát hiện 3 tàu ngầm của Trung Quốc trong vùng tiếp giáp lãnh hải của Nhật Bản. Trước đó, tháng 11/2004, một tàu ngầm hạt nhân của Trung Quốc đã đi qua vùng lãnh hải của Nhật Bản. Theo luật pháp quốc tế, các tàu ngầm phải nổi lên mặt nước và cắm cờ quốc gia khi đi qua lãnh thổ của quốc gia khác, nếu không, nó được coi là hành động khiêu chiến.

Trung Quốc cũng thường xuyên điều tàu ngầm của mình nhằm quan sát các cuộc tập trận hải quân giữa Nhật Bản và Mỹ trong vùng biển của Nhật Bản. Vào tháng 10/2006, một chiếc tàu ngầm lớp Tống đã nổi lên trên mặt nước cách tàu sân bay USS Kitty Hawk của Mỹ khoảng 5 hải lý.

Tàu ngầm của Trung Quốc chạy điện và động cơ đẩy không khí độc lập, nên chúng có độ ồn thấp. Vụ việc trên làm dấy lên sự lo ngại rằng sức mạnh hải quân ngày càng tăng của Trung Quốc có thể đe dọa đến sự thống trị của Mỹ ở Thái Bình Dương và đó cũng là một ví dụ nữa cho Nhật Bản về thái độ gây hấn nguy hiểm của Trung Quốc trên biển.

Trung Quốc hiện đang xây dựng một khả năng tấn công thứ 2 mạnh mẽ. Viện Hải quân Mỹ mới đây cho biết tàu ngầm hạt nhân lớp Tấn của Trung Quốc sẽ bắt đầu tuần tra phía bắc Thái Bình Dương trong năm nay. Những tàu ngầm này có khả năng mang theo tên lửa đạn đạo Ju Lang 2 với tầm bắn 4.000 hải lý, có thể tấn công nước Mỹ.

Đáp lại, Sách trắng quốc phòng của Nhật Bản năm 2013 đã nhấn mạnh việc tăng lực lượng tàu ngầm và tăng cường khả năng tác chiến chống tàu ngầm của mình, nhưng không cho thấy việc phát triển thêm tàu lớp Hibiki mới. Tuy nhiên, Hibiki cũ vẫn là chiếc tàu giám sát hàng hải tầm xa hiệu quả nhất mà Nhật Bản đang sở hữu. Hibiki (và cả Harima) vẫn là những “người bảo vệ” chắc chắn cửa ngõ phía đông Thái Bình Dương của Nhật Bản.


Công Thuận (W.I.B)
Nhật Bản sắp xuất khẩu vũ khí theo quy định mới
Nhật Bản sắp xuất khẩu vũ khí theo quy định mới

Nhật Bản sẽ sớm phê chuẩn việc xuất khẩu lô vũ khí đầu tiên sau khi lệnh cấm được nới lỏng, trong bối cảnh Tokyo đang muốn tăng cường sự hiện diện về quân sự và kinh tế trên toàn cầu.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN