Thời của thiết bị xách tay 'nhỏ hơn, rẻ hơn' dùng tiêu diệt máy bay không người lái

Trước mối đe dọa ngày càng tăng của máy bay không người lái thương mại được trang bị vũ khí như trong cuộc xung đột ở Ukraine, vũ khí diệt UAV đang hướng tới thu nhỏ và đơn giản hơn.

Chú thích ảnh
Các binh sĩ Hà Lan tham gia một cuộc tập trận chống máy bay không người lái ở Vredepeel, Hà Lan, ngày 22/9/2022. Ảnh: AFP/Getty Images

Các nhà sản xuất vũ khí chống máy bay không người lái cho biết họ đang ngày càng thu nhỏ và đơn giản hóa các giải pháp của mình để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng đối với vũ khí cầm tay. Lý do là các cuộc xung đột gần đây đã nhấn mạnh tầm quan trọng của khả năng di động.

Các hệ thống vũ khí xách tay chống máy bay người lái (C-UAS) đã xuất hiện được một thời gian, nhưng trước mối đe dọa ngày càng tăng của máy bay không người lái thương mại được trang bị vũ khí trong những năm gần đây, sự phổ biến của C-UAS đã tăng tốc hơn.

Theo báo cáo cơ sở dữ liệu C-UAS năm 2019 do Trung tâm Nghiên cứu Máy bay không người lái tại Đại học Bard biên soạn, trong số 537 sản phẩm thị trường được phân tích, 111 (21%) là giải pháp cầm tay, được cung cấp bởi 29 quốc gia khác nhau.

Warren Brown, Phó chủ tịch phụ trách tiếp thị của Fortem Technologies, giải thích rằng mục đích và cách thức sử dụng các hệ thống này cũng đã thay đổi nhiều trong thập kỷ qua.

“Từ trước đến nay, do vấn đề bảo mật cũng như ứng dụng chủ yếu bảo vệ các sự kiện lớn hoặc cơ sở hạ tầng quan trọng, nên các nhà phát triển vũ khí chống máy bay không người lái thường tập trung vào các giải pháp cố định. Nhưng các cuộc xung đột gần đây ở Trung Đông và Ukraine đã chuyển trọng tâm sang các hệ thống di động, cung cấp khả năng phát hiện radar tiên tiến, dễ triển khai và cơ động, chi phí vận hành tổng thể cũng như chi phí sử dụng thấp", ông Brown cho biết.

Quan niệm truyền thống cho rằng các biện pháp C-UAS phải lớn thì mới tốt cũng đã thay đổi.

Trước đây, nhiều quân đội dựa vào các giải pháp gây nhiễu thông thường hơn để chống lại máy bay không người lái thù địch, vì họ thiếu quyền truy cập hoặc thiếu nguồn lực để có được các hệ thống phù hợp và đáng tin cậy hơn. Tuy nhiên, ông Brown tuyên bố rằng việc triển khai các thiết bị cũ không phải lúc nào cũng hiệu quả, vì chúng có thể không được phát triển để đối phó với được tất cả các công nghệ đứng sau mối đe dọa từ máy bay không người lái.

Chú thích ảnh
Vũ khí diệt máy bay không người lái có tên DroneHunter của công ty Fortem Technology, Mỹ.

“Các giải pháp gây nhiễu truyền thống có tỷ lệ thành công thấp, buộc phải sử dụng các hệ thống tốn kém và không thực tế như tên lửa lớn hơn, thậm chí triển khai máy bay chiến đấu để cố gắng giảm thiểu mối đe dọa – như vậy thường không hiệu quả đối với các UAV nhỏ, cơ động và khó phát hiện", ông Brown giải thích. Một kịch bản như vậy gần đây nhất đã được thấy qua nỗ lực thất bại của Hàn Quốc trong việc bắn hạ máy bay không người lái của Triều Tiên.

Các nhà sản xuất đã chú ý đến những vấn đề này, họ dựa trên các công nghệ hiện có nhưng phát triển thêm để giải quyết hiệu quả hơn những mối nguy hiểm mà máy bay không người lái gây ra, đặc biệt là những công nghệ nhỏ có thể khó đối phó hơn.

Vào tháng 5/2022, Fortem Technology đã gửi vũ khí di động diệt máy bay không người lái có tên DroneHunter của mình tới Ukraine. Họ tuyên bố trong một thông cáo báo chí rằng công ty đã sử dụng hệ thống C-UAS có sẵn, đồng thời thu nhỏ và đơn giản hóa hơn nữa để sử dụng làm vũ khí có thể triển khai nhanh chóng trong các cuộc viễn chinh.

Matt McCrann, Giám đốc điều hành của DroneShield (có trụ sở tại Australia), phát biểu: “Chắc chắn, mục tiêu luôn là phát huy một năng lực và làm cho nó dễ sử dụng hơn, hiệu quả hơn và tiết kiệm chi phí hơn. Nhỏ hơn, tốt hơn và rẻ hơn".

Các vũ khí xách tay chống UAV của DroneShield, như DroneGun, mang lại một số lợi thế. Là một hệ thống nhỏ và nhẹ, đây là một loại C-UAS có khả năng vận chuyển dễ dàng, có thể cất gọn trong xe, ba lô hoặc dùng bằng dây đeo khi chiến trường thay đổi. Được cung cấp năng lượng bằng pin có thể thay thế, DroneGun là loại vũ khí phi động học, sử dụng phương pháp tấn công điện tử, nghĩa là chúng có thể cung cấp số loạt đạn không giới hạn, tiết kiệm hơn so với hệ thống động học và vận hành an toàn hơn với yêu cầu đào tạo ở mức tối thiểu.

Chú thích ảnh
DroneHunter® F700 đang "giăng lưới" bắt UAV. Ảnh: fortemtech

Theo cách tương tự, các hệ thống di động khác như DroneHunters F700 của Fortem, mang đến cho các quốc gia giải pháp thay thế có chi phí sử dụng thấp hơn so với các hệ thống đắt tiền khác trên thị trường. Về điều này, chuyên gia Brown chỉ ra rằng mỗi lần bắn vũ khí của họ chỉ tốn vài trăm USD, rẻ hơn đáng kể so với các hệ thống năng lượng cao như vũ khí xung điện từ (laser), vốn đòi hỏi nguồn năng lượng lớn.

Một lợi ích nữa của hệ thống Fortem trong việc vô hiệu hóa máy bay không người lái là nó có thể hạ gục chúng một cách có kiểm soát bằng dù giả, cho phép do thám và phân tích hệ thống của kẻ thù cũng như giảm thiệt hại liên quan. Điều này trái ngược với các kỹ thuật phòng thủ thông thường, vốn có thể khiến UAV địch phát nổ hoặc rơi từ trên không xuống, có thể gây thiệt hại cho dân thường và cơ sở hạ tầng, hoặc cho phép UAV địch quay trở lại điểm phóng mà không nghiên cứu được về nhiệm vụ hoặc vị trí xuất phát của nó.

Ông Brown tuyên bố rằng trong hơn 5.000 bản chụp tài liệu của Fortem, giải pháp của họ có tỷ lệ thành công là 92%.

DroneHunter đã được triển khai để bảo vệ nhiều sân vận động trong thời gian diễn ra Giải vô địch bóng đá thế giới ở Qatar năm vừa qua.

Đối với DroneShield, ông McCrann nói rằng hiệu quả hoạt động của chúng rất cao trong cả môi trường quân sự và an ninh truyền thống. Ông lấy dẫn chứng trường hợp gần đây khi súng DroneGun của hệ thống DroneShield được sử dụng để vô hiệu hóa 4 máy bay không người lái bay lơ lửng trong lễ nhậm chức tổng thống ở Brazil.

Bất chấp những lợi thế mà các hệ thống trên mang lại, ông McCrann cảnh báo rằng việc thu hẹp bất kỳ khả năng nhất định nào thường liên quan đến một hoặc một số sự đánh đổi.

Ông giải thích: “Đối với các biện pháp đối phó điện tử, sự đánh đổi (thu nhỏ) đó thường được nhìn thấy qua tổng công suất đầu ra của hệ thống; công suất nhỏ hơn có thể cho thấy phạm vi hoạt động kém hiệu quả hơn và đòi hỏi phải tiếp cận mục tiêu gần hơn".

Thu Hằng/Báo Tin tức (Theo Defensenews)
Xung đột Nga - Ukraine: Thách thức từ việc cung cấp chiến đấu cơ F-16  cho Kiev
Xung đột Nga - Ukraine: Thách thức từ việc cung cấp chiến đấu cơ F-16 cho Kiev

Mặc dù chiến đấu cơ F-16 có năng lực vượt trội trong không chiến nhưng về bản chất, có một số hạn chế trong việc chuyển giao F-16 cho Ukraine.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN