Sự lột xác của súng trường AK qua 2 thế kỷ

Kể từ khi ra đời cách đây 75 năm và trở thành một trong những súng trường tấn công phổ biến nhất thế giới, AK của Nga đã có thay đổi như thế nào?

Chú thích ảnh
Súng trường là một trong những loại vũ khí xuất khẩu hàng đầu của Nga đến ngày hôm nay. Ảnh: DW

Tờ Russia Beyond (Nga) cho biết Chiến tranh Thế giới thứ hai đã mở ra một thời kỳ vũ khí mới, đó là súng trường tấn công. Loại súng này được coi là mạnh mẽ hơn so với súng tiểu liên và nhẹ, tiện lợi hơn so với súng trường dài tiêu chuẩn.

Đức là nước đầu tiên sử dụng loại vũ khí này trên các chiến trường. Trong những năm đầu tiên của Chiến tranh Thế giới thứ hai, Đức ra mắt súng StG-44 bắn hoàn toàn tự động, trong khi đối thủ của Đức lại được trang bị súng tiểu liên cỡ nòng nhỏ hơn và súng trường bán tự động. Trước đó, chỉ có súng máy mới có khả năng phóng ra hỏa lực trên chiến trường tương tự như StG-44 đã thể hiện. StG-44 sử dụng đạn cỡ nòng 7.92×33 mm và bắn được 600 phát đạn mỗi phút.

Từ đây, quân đội nhiều quốc gia nhận thấy cần phải phát triển phiên bản súng trường tấn công riêng dành cho binh sĩ càng sớm càng tốt. Liên Xô cũng không phải là một ngoại lệ

AK-47

Chú thích ảnh
Kỹ sư Mikhail Kalashnikov trong bức ảnh chụp năm 2002 bên khẩu AK-47 do anh sáng chế. Ảnh: DW

Vào cuối Chiến tranh Thế giới thứ hai, Liên Xô yêu cầu mở các cuộc thử nghiệm loại súng trường tấn công mới dành cho Hồng quân. Họ muốn một loại vũ khí có thể đáp ứng các tiêu chí đặc biệt. Đầu tiên, đó cần là loại vũ khí có thể chịu được đầm lầy và bụi bẩn đồng thời vẫn có thể bắn 600 phát đạn mỗi phút. Thứ hai, vũ khí này phải dễ sử dụng. Cuối cùng, nó cần có chi phí rẻ và dễ dàng sản xuất hàng loạt.

Tất cả những yếu tố này đã được áp dụng vào chiếc AK-47 đầu tiên. AK-47 thậm chí có khả năng tấn công mục tiêu cách xa 200 m.

Ông Vladimir Onokoy tại đơn vị hợp tác và kỹ thuật quân sự thuộc tập đoàn Kalashnikov chia sẻ: “Thiết kế khá đơn giản, việc bảo trì ở mức tối thiểu và dễ thực hiện, súng trường tương đối ngắn và tiện dụng. Đạn tầm trung đảm bảo tấn công hiệu quả ở hầu hết các khoảng cách chiến đấu thực tế. Và, quan trọng nhất, AK-47 đã mang lại cho những người lính tự tin đặc biệt vào vũ khí của họ”.

Đặc điểm chính của AK là loại đạn 7,62x39 mm mới, cho phép các kỹ sư kết hợp sức mạnh của súng trường với tốc độ bắn của súng tiểu liên ở thời điểm đó. Người sử dụng AK do vậy có thể bắn trúng mục tiêu ở khoảng cách 100-200 m. AK cũng có ổ đạn 30 viên tạo điều kiện để binh sĩ mang thêm nhiều đạn ra chiến trường.

Phiên bản đầu tiên của AK-47 được đánh giá là khá thô sơ. Chúng đáp ứng được tiêu chí về độ tin cậy, sản xuất và hoạt động nhưng thiếu đặc tính về độ chính xác, bên cạnh đó là vẫn khá nặng và ban đầu gây không thoải mái cho người sử dụng.

Hồng quân Liên Xô đã sử dụng AK-47 từ năm 1949.

AKM

Chú thích ảnh
Một khẩu AKM. Ảnh: Russia Beyond

AKM được thông qua vào cuối thập niên 50 của thế kỷ trước với các đặc tính nổi trội khiến Kalashnikov nổi tiếng, đó là dễ sản xuất, bền bỉ và đáng tin cậy.

Ông Vladimir Onokoy phân tích: “Hai cải tiến chính của AKM là nhẹ hơn và dễ sản xuất hơn so với AK-47”. Cũng theo ông Onokoy, AKM dễ dàng chuyển giao công nghệ trong những nước thuộc khối Hiệp ước Warsaw là Romania, Hungary, Ba Lan và Đông Đức.

Về cơ bản, các phiên bản AK-47 không có phanh họng súng, do đó, vũ khí "nhảy" trong tay binh sĩ khi bắn và không có khả năng bắn chính xác. Từ đây, các kỹ sư bổ sung một "bộ ổn định" cho súng trường AK để "làm dịu", đồng thời tạo điều kiện để lắp đặt bộ phận giảm thanh trên vũ khí.

AKM được đánh giá là nhẹ hơn và có khả năng tấn công mục tiêu ở khoảng cách 250 m. Hiện nay vẫn có nhiều quân đội trên khắp thế giới sử dụng AKM.

AK-74

Chú thích ảnh
Khẩu AK-74. Ảnh: Russia Beyond

Vào đầu thập niên 60 của thế kỷ trước, các kỹ sư của Kalashnikov đã tìm cách cải tiến AKM. Ở thời điểm này, quân đội Mỹ bắt đầu sử dụng súng trường tấn công mới M-16, loại vũ khí này khá nhẹ và sở hữu loại đạn mới mở ra nhiều cơ hội cho binh sĩ trên chiến trường. Do đó, các kỹ sư Liên Xô quyết định tự tạo ra phiên bản vũ khí dựa trên loại đạn xung lực thấp mới.

Từ đây, AK-74 được hình thành, súng trường này sử dụng đạn 5,45x39 mm được cho có phạm vi hiệu quả hơn. Trước hết, cỡ nòng mới giúp súng trường hoạt động ổn định bởi 5,45x39 mới có độ giật ít và chính xác hơn 7,62x39 mm. AK-74 còn có phạm vi bắn xa hơn AKM tới 100 m.

Kalashnikov cũng tạo ra ổ đạn tay cầm và báng súng AK-74 bằng vật liệu polymer mới. Chúng khá bền so với vật liệu kim loại và gỗ được sử dụng trong các dòng AK trước và hỗ trợ giảm đáng kể trọng lượng của AK-74.

Tuy có nhiều cải tiến nhưng quân đội các nước khác không nhanh chóng thay thế AKM sang AK-74 bởi việc thay thế khá tốn kém, đặc biệt là khi cần thêm loại đạn mới.

AK-12

Chú thích ảnh
Súng trường AK-12. Ảnh: Russia Beyond

Vào giữa thập niên 2010, quân đội Nga nhận phiên bản hiện đại hóa của AK-74 có tên gọi AK-12.

Ông Onokoy nhấn mạnh: “AK-12 được thiết kế để sử dụng với thiết bị quan sát ban đêm, nó có báng súng điều chỉnh được, bộ hãm thanh có thể tháo rời nhanh chóng. Nó chính xác hơn và có bán kính quan sát xa hơn”.

Ngoài ra, phanh họng súng mới ở AK-12 giúp ẩn giấu ánh sáng lóe lên khi bắn vào ban đêm do vậy không vô tình tiết lộ vị trí của binh sĩ cho kẻ thù.

Các chuyên gia đánh giá thế hệ mới của AK chủ yếu tập trung vào việc bắn và hoạt động “tàng hình”, im lặng, thay vì các cuộc giao tranh trực tiếp ở thành phố hoặc vùng nông thôn.
 

Hà Linh/Báo Tin tức
Ngoài AK, đặc nhiệm Nga còn sử dụng những súng trường tấn công nào?
Ngoài AK, đặc nhiệm Nga còn sử dụng những súng trường tấn công nào?

AK là súng trường tấn công phổ biến nhất trong quân đội Nga nhưng lực lượng đặc nhiệm nước này cũng sở hữu nhiều loại súng trường tấn công khác đáng gờm không kém.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN