S-400 Nga thách thức siêu chiến đấu cơ F-35 Mỹ thế nào?

Thương vụ bán hệ thống tên lửa đất đối không S-400 đầy uy lực của Nga cho Trung Quốc không chỉ là điểm nhấn trong mối quan hệ hợp tác giữa Moskva và Bắc Kinh, mà còn là một sự kiện đáng chú ý về việc một loại vũ khí tương đối rẻ có thể biến một dự án trị giá hàng tỷ USD (F-35 của Mỹ) trở nên “lỗi thời” trước khi được đưa vào hoạt động.

Rất hiếm khi một vũ khí phòng không có giá tương đối rẻ có khả năng khiến một chương trình máy bay chiến đấu trị giá hàng tỷ USD trở thành “lạc hậu”. Nhưng hệ thống tên lửa trị giá 500 triệu USD S-400 của Nga chính xác đã làm được điều đó đối với máy bay chiến đấu tàng hình mới F-35 của Mỹ.

Vào tháng 11/2014, Moskva và Bắc Kinh đã ký kết một thỏa thuận trị giá 3 tỷ USD về việc cung cấp 6 tiểu đoàn hệ thống S-400 cho Trung Quốc. Các hệ thống này sẽ tăng cường đáng kể năng lực phòng không của Trung Quốc trước các đối thủ là Mỹ và đồng minh trong khu vực Tây Thái Bình Dương.

Hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 của Nga.


Với phạm vi theo dõi 600 km và có khả năng bắn trúng mục tiêu cách xa 400 km với tốc độ 17.000 km/giờ - nhanh hơn bất kỳ tốc độ của một máy bay chiến đấu nào hiện nay - S-400 là một vũ khí thực sự đáng sợ khi các máy bay chiến đấu phải đối mặt với nó. Lần đầu tiên được Nga triển khai năm 2010, mỗi tiểu đoàn hệ thống S-400 có 8 bệ phóng, một trung tâm điều khiển, radar và 16 quả tên lửa sẵn sàng khai hỏa.

"Với phạm vi hoạt động rất rộng và khả năng tác chiến điện tử hiệu quả, S-400 là một hệ thống thay đổi cuộc chơi và có thể thách thức các khả năng quân sự hiện nay ở cấp độ một cuộc chiến tranh. S-400 có hiệu quả trong việc biến một hệ thống phòng thủ sang một hệ thống tấn công, và mở rộng chiếc ô ‘Chống tiếp cận và can thiệp khu vực’ (A2/AD) của Trung Quốc đối với Mỹ và các đồng minh trên biển", Paul Giarra, Chủ tịch Trung tâm Dịch chuyển và Chiến lược Toàn cầu nhận định.

S-400 được phát triển để bảo vệ không phận của Nga, chống lại tên lửa và máy bay các loại, trong đó có tàng hình. Vì đây là một loại vũ khí cực kỳ mạnh mẽ và chính xác, có thể thay đổi cán cân quyền lực trong bất kỳ một kịch bản chiến tranh nào, nên Moskva từ lâu đã không có ý định xuất khẩu, thậm chí là phiên bản trước của nó, S-300, cho các đồng minh đang gặp khó khăn là Syria và Iran.

Nếu S-300 được bán cho Syria, các chuyên gia quân sự tính toán rằng, một hệ thống tên lửa S-300 khi khai hỏa sẽ giúp Damascus thổi bay một máy bay đang bay trên bầu trời ở trung tâm Tel Aviv trong khoảng 107 giây, khoảng thời gian mà người Israel vừa đủ để nói một lời cầu nguyện. Rõ ràng các hệ thống tên lửa thuộc series S này của Nga có thể làm đảo lộn đáng kể cán cân quân sự trong khu vực, chính vì thế mà Israel đã gây sức ép với Nga khi cho rằng việc bán S-300 sẽ là hành động “đổ thêm dầu” vào mồi lửa Trung Đông. Israel cũng cảnh báo nước này sẽ làm tất cả những gì có thể để ngăn chặn việc Syria sở hữu S-300.

Tuy nhiên, trường hợp của Trung Quốc lại khác, bởi vì các quốc gia khác phản đối Bắc Kinh về thương vụ S-400 gần như là con số không. Sự phát triển này thực sự là tin xấu đối với F-35.

Về mặt truyền thống, Nga và Mỹ có các chiến lược quân sự khác nhau. Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Mỹ dựa vào các máy bay trên tàu sân bay để thể hiện sức mạnh ở Tây Thái Bình Dương, và chiến lược này tiếp tục được duy trì cho đến ngày hôm nay. Ngược lại, Nga lại cho rằng các sân bay nổi này sẽ dễ dàng trở thành mục tiêu của các tên lửa hành trình chống tàu và tên lửa tầm xa triển khai trên bờ của họ. Nếu chiến tranh nổ ra, các máy bay ném bom tầm xa như Backfire Tu-95 sẽ cất cánh từ các căn cứ an toàn sâu trong lục địa Nga, phóng tên lửa hành trình nhằm vào các tàu sân bay Mỹ. Sau đó, các phi công Nga sẽ về nhà để xem những thiệt hại trên kênh truyền hình CNN!

Logic của Nga là khá đơn giản. Trung bình một tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân của Mỹ trị giá 1 tỷ USD, trong khi một tên lửa hành trình chống tàu có giá trung bình khoảng 1 triệu USD hoặc thấp hơn. Theo tính toán của người Nga, số tiền để chế tạo ra một chiếc tàu sân bay có thể dùng để sản xuất ra hàng nghìn quả tên lửa hành trình. Ngay cả khi chỉ là một phần nhỏ trong số những tên lửa này được phát triển, tất cả các tàu sân bay Mỹ có nguy cơ bị đánh chìm trong nước.

Siêu chiến đấu cơ F-35 của Mỹ.


Người Nga đã rất chắc chắn về độ chính xác của tên lửa hành trình mà Backfires mang theo với một quả tên lửa Raduga Kh-22 (NATO định danh là AS-4 Kitchen) được trang bị một đầu đạn hạt nhân. Theo chuyên gia vũ khí Bill Sweetman và Bill Gunston, những tên lửa này có thể được "lập trình để bay vào cửa sổ của Lầu Năm Góc một cách chính xác".

Trung Quốc cũng đang đi theo quỹ đạo này của Nga. Trong thực tế, phá hủy hoàn toàn một tàu sân bay là không cần thiết; thậm chí chỉ cần  gây ra tổn hại nhẹ cũng có thể khiến những chiếc tàu này không thực hiện nhiệm vụ được trong nhiều tháng. Để đối phó với các mối đe dọa từ tên lửa đối với các tàu sân bay của mình, người Mỹ đang dựa vào F-35 như một sát thủ tên lửa hành trình. Hơn một nghìn tỷ USD đã được chi cho dự án gặp vấn đề này. Nhưng ngay cả khi F-35 có khả năng kỳ diệu vượt qua những thiếu sót của nó, S-400 cũng đủ làm đảo lộn chiến lược này của Mỹ.


Tập đoàn Lockheed-Martin tuyên bố F-35 được trang bị hệ thống điện tử tiên tiến có thể gây nhiễu bất cứ thứ gì hướng vào nó. Nhưng với S-400, nó sẽ không dễ dàng thoát khỏi. "S-400 có nhiều tính năng được thiết kế đặc biệt để vượt qua những biện pháp đối phó và tàng hình, chẳng hạn như một hệ thống radar lớn hơn, mạnh mẽ hơn với khả năng chống nhiễu tốt. Nó cũng thực sự có một bộ ba tên lửa cả tầm ngắn, tầm trung và tầm xa tạo ra các lớp phòng thủ chồng chéo", Ivan Oelrich, một nhà phân tích quốc phòng độc lập nói.

Rõ ràng là những vũ khí của Lầu Năm Góc, đặc biệt là dự án “siêu khủng”  F-35, đang bị thách thức bởi các tổ hợp tên lửa phòng không S-300 và S-400. Theo Trung tâm Sức mạnh Không quân Australia, "không còn nghi ngờ về việc gia đình tổ hợp tên lửa S-300P/S-400 là hệ thống phòng không có khả năng nhất trong việc được sử dụng rộng rãi ở khu vực Châu Á Thái Bình Dương. Trong khi các series S-300P/S-400 thường được gắn nhãn ‘Patriot của Nga', hệ thống này, xét trong nhiều khía cạnh quan trọng, có khả năng tốt hơn so với các dòng Patriot của Mỹ. Các phiên bản sau của nó được cung cấp khả năng cơ động và do đó năng lực sống sót tốt hơn nhiều so với Patriot".

Thỏa thuận tên lửa S-400 là một tín hiệu thể hiện sự tin tưởng càng tăng giữa các lãnh đạo chính trị ở Moskva và Bắc Kinh. Thỏa thuận này được đưa ra sau khi Nga đồng ý bán máy bay chiến đấu Su-35 cho Trung Quốc cũng trong năm ngoái. Các cuộc đàm phán về những hợp đồng thương mại trên đã gặp bế tắc trong nhiều năm do phía Nga muốn bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, nhưng đã được nhen nhóm trở lại sau khi phương Tây áp đặt các lệnh trừng phạt chống Moskva. Tính đến nay Bắc Kinh sẽ chỉ nhận được 4 tổ hợp phòng không S-400, nhưng ngay cả một số lượng nhỏ này cũng là đủ để tạo ra các “Vòm sắt” bao phủ các chiến trường trong tương lai.

Nếu bạn là một phi công F-35, đây là một lời khuyên: Hãy đứng ở ngoài tầm hoạt động của S-400!


Công Thuận (Theo R.B.T.H)
Trung Quốc bác cáo buộc lấy cắp thiết kế máy bay F-35
Trung Quốc bác cáo buộc lấy cắp thiết kế máy bay F-35

Lầu Năm Góc từng thừa nhận tin tặc đã xâm nhập các chương trình quốc phòng như dự án máy bay chiến đấu F-35, song không công khai tố cáo Trung Quốc đánh cắp thiết kế máy bay này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN