Những hệ thống phòng thủ tên lửa tốt nhất thế giới - Kỳ 1

Những tiến bộ về công nghệ trong lĩnh vực vũ khí trang bị thay đổi liên tục và nhanh chóng khiến cho các hình thức tác chiến thông thường trở thành quá khứ. Các cuộc chiến tranh trong tương lai sẽ diễn ra chớp nhoáng và được quyết định bởi các loại vũ khí hiện đại trong đó có các tên lửa với sức hủy diệt lớn. Do vậy, sự thiếu vắng một hệ thống phòng thủ tên lửa hiệu quả sẽ gây ra những tổn thất nặng nề đối với một quốc gia nếu bị tấn công bằng các tên lửa tầm xa, đạn đạo và thiết bị không người lái...

Căn cứ vào những tiêu chuẩn như: Tính năng kỹ chiến thuật, khả năng phòng thủ từ xa cũng như những công nghệ tiên tiến được áp dụng, có thể xếp những hệ thống phòng thủ tên lửa dưới đây trong danh sách các hệ thống đánh chặn tốt nhất trên thế giới hiện nay.

THAAD


Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD), được quân đội Mỹ chế tạo để bắn hạ các tên lửa đạn đạo tầm ngắn và tầm trung. Dự án này được thực hiện với sự hợp tác của các tập đoàn Raytheon, Boeing, Aerojet, Rocketdyne, Honeywell, BAE Systems, MiltonCAT và Lockheed Martin là nhà thầu chính. Sau một thời gian dài thử nghiệm, năm 2008 hệ thống THAAD chính thức đi vào phục vụ trong quân đội Mỹ. THAAD tiêu diệt mục tiêu theo phương pháp tiếp cận “hit to kill” (truy đuổi - tiêu diệt), có nghĩa rằng các tên lửa đánh chặn không mang đầu đạn hạt nhân và phá hủy các mục tiêu thông qua xung lực và động năng. Giai đoạn tiếp cận tên lửa đối phương, THAAD sử dụng module đánh chặn được trang bị đầu đạn tự dẫn hồng ngoại để truy theo mục tiêu. Tên lửa tiêu diệt mục tiêu bằng động năng từ vụ va chạm tốc độ cao, không sử dụng đầu đạn chứa thuốc nổ như tên lửa thông thường.

Mỗi khẩu đội THAAD bao gồm: 4 xe phóng mang tên lửa (8 ống phóng/xe), radar tìm kiếm mục tiêu và điều khiển hỏa lực AN/TPY-2 cùng một xe trung tâm điều khiển di động và 2 trung tâm hoạt động chiến thuật TOC (“trái tim” của mỗi trung tâm là hệ thống xử lý dữ liệu Hewlett-Packard HP-735). Trong đó, AN/TPY-2 là một radar mạng pha hoạt động ở băng tần X, có khả năng phát hiện các mối đe dọa từ tên lửa đạn đạo tầm ngắn, tầm trung ở cự ly 1.000km.


Khi chiến đấu, "mắt thần" AN/TPY-2 sẽ thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm và phát hiện mục tiêu (các mối đe dọa từ tên lửa đạn đạo chiến thuật, tên lửa đạn đạo tầm trung). Nó cũng có thể tiếp nhận thông số về mục tiêu từ các hệ thống radar phòng thủ tên lửa đạn đạo khác. Sau đó, hệ thống dữ liệu chiến đấu sẽ tính toán các thông số về mục tiêu và kích hoạt tên lửa đánh chặn. Tên lửa này có khả năng đánh chặn mục tiêu ở cự ly từ 150-200km, tầm cao 25km.

THAAD đã trải qua rất nhiều lần thử nghiệm, thành công cũng nhiều nhưng cũng không ít thất bại. Tuy vậy, đây vẫn là một trong những hệ thống đánh chặn tên lửa đạn đạo chiến thuật, tên lửa đạn đạo tầm trung tối tân nhất thế giới hiện nay. Chúng thiết lập nên “cái ô che chắn” cho Mỹ và các đồng minh khỏi mối đe dọa từ tên lửa đạn đạo của đối phương.

S -300V


S- 300 là một loạt các hệ thống phòng thủ tên lửa tầm xa đất đối không được sản xuất bởi Tập đoàn Công nghiệp Vũ khí Almaz của Nga, tất cả đều dựa trên phiên bản S -300P đầu tiên. Hệ thống S -300 được phát triển cho Lực lượng phòng không Liên Xô để đánh chặn máy bay và tên lửa hành trình của đối phương. Tuy nhiên, S- 300V còn được gọi là Antey -300 được Antey chế tạo chứ không phải Almaz. Hậu tố “V” là viết tắt của từ Voyska (các lực lượng mặt đất). Nó là hệ thống phòng không tầng thứ ba của quân đội Nga, chống lại các tên lửa đạn đạo, tên lửa hành trình và máy bay chiến thuật, thay cho hệ thống 'Ganef' SA-4 cũ. Hệ thống phòng thủ này có các tên lửa "GLADIATOR" với tầm chiến đấu tối đa khoảng 75 km và các tên lửa "GIANT" có thể chiến đấu với các mục tiêu cách xa 100 km và ở độ cao khoảng 32 km.

Vì được tạo ra từ cùng dự án nên nó có tên định danh thông thường S-300 nhưng các tính chất khác biệt là kết quả từ một thiết kế khá đặc biệt so với các phiên bản khác. Hệ thống S-300V được mang trên các xe vận tải bánh xích MT-T, khiến nó có khả năng cơ động băng đồng tốt hơn. Nó cũng hơi khác hơn loại S-300P. Ví dụ, tuy cả hai đều có radar quét cơ khí để tìm kiếm mục tiêu (9S15BILL BOARD A), nhưng S-300V với khẩu đội tên lửa 9S32 GRILL PAN có khả năng tự động tìm kiếm mục tiêu.

Nó cũng có một radar ABM riêng biệt - radar mạng phase 9S19 HIGH SCREEN. Một tiểu đội S-300V thông thường gồm một thiết bị thám sát mục tiêu và thiết bị chỉ định, một radar dẫn đường và tới 6 TELAR (xe mang ống phóng và radar). Không giống như THAAD, hệ thống tên lửa S -300V mang đầu đạn hạt nhân để tiêu diệt mục tiêu.

Antey 2500


Đây là một phiên bản nâng cấp của hệ thống S-300V hay còn được gọi là S - 300VM hoặc "Antey-2500" (ký hiệu của NATO SA-23 Gladiator\Giant). Antey-2500 là hệ thống tên lửa chống tên lửa đạn đạo mới của Nga. Nó được thiết kế để tiêu diệt các mục tiêu là các loại tên lửa đạn đạo tầm trung và tầm ngắn ở phạm vi lên đến 2.500 km, các mục tiêu của nó là những tên lửa hành trình và tên lửa phóng từ không gian, máy bay chiến thuật và chiến lược cũng như vũ khí điều khiển chính xác.


Antey-2500 sử dụng tên lửa 9M82M và 9M83M mới có tầm bắn xa, khả năng cơ động linh hoạt. Với trạm radar quan sát toàn diện, nên nó có khả năng tiêu diệt hiệu quả tên lửa đạn đạo tốc độ cao, tiết diệt nhỏ. Tên lửa đánh chặn được điều khiển trong suốt toàn bộ quỹ đạo bay.

Biên chế tác chiến của tổ hợp tên lửa S-300VM bao gồm: sở chỉ huy 9S457M; trạm radar quan sát rộng 9S15M2; trạm radar quan sát theo lập trình Ginger 9S19M2 để phát hiện tên lửa đạn đạo; tên lửa khí đạn đạo lớp SRAM và máy bay tuần tra gây nhiễu trong phạm vi 100 km; trạm dẫn đường tên lửa đa tần 9S32M; hai thiết bị phóng 9A83M mang 4 tên lửa phòng không có điều khiển 9M83M và 9A83M mang 2 tên lửa phòng không có điều khiển 9M82M cùng phương tiện bảo đảm kỹ thuật và bảo dưỡng.

S-300PMU1/2



S-300PMU-1 (Mỹ, NATO định danh là SA-20A) được giới thiệu vào năm 1999. Ngoài các tên lửa 5V55R, 48N6E và 48N6E2, S-300PMU-1 có thể sử dụng hai loại tên lửa mới, 9M96E1 và 9M96E2. Cả hai đều nhỏ hơn các tên lửa trước đó, ở mức 330 và 420 kg và mang theo đầu đạn nhỏ hơn, chỉ 24 kg. 9M96E1 có phạm vi chiến đấu 40 km và 9M96E2 là 120 km. Do có kích thước nhỏ hơn nên mỗi xe phóng có thể mang tới 16 tên lửa nếu dùng loại 9M96E1 hoặc 9M96E2.

S-300PMU-1 thường sử dụng hệ thống chỉ huy và điều khiển 83M6E, dù nó cũng tương thích với các hệ thống chỉ huy và điều khiển Baikal-1E và Senezh-M1E CCS cũ. Hệ thống 83M6E được tích hợp radar giám sát/phát hiện 64N6E (BIG BIRD). Radar kiểm soát bắn/nổ và dẫn đường là 30N6E, có thể kết hợp với một radar thám sát tầm thấp 76N6 và một radar thám sát ở mọi độ cao, 96L6E.


S-300PMU-2 là phiên bản nâng cấp của S-300PMU-1tầm hoạt động mở rộng thêm lên 195 km cùng với việc sử dụng tên lửa 48N6E2 mới. Hệ thống tên lửa này có khả năng không chỉ chống lại các loại tên lửa đạn đạo tầm ngắn mà cả các tên lửa đạn đạo chiến thuật tầm trung.

Patriot Pac 1/2/3


Hệ thống tên lửa chống tên lửa đạn đạo PAC (Patriot Advanced Capability), gọi tắt là Patriot, được Mỹ phát triển để thay thế hệ thống Nike Hercules (là hệ thống phòng không tầm trung và tầm cao của Lầu Năm Góc) và thay thế hệ thống MIM -23 Hawk (hệ thống phòng không chiến thuật tầm trung của quân đội Mỹ). Patriot sử dụng một hệ thống tên lửa đánh chặn và radar hiệu suất cao trên không tiên tiến. Patriot được chế tạo tại Redstone Arsenal ở Huntsville, Alabama, nơi mà trước đó đã phát triển hệ thống phòng thủ ABM (anti – Ballistic Missile)  và các tên lửa Spartan và Sprint nằm trong hệ thống Patriot.


Patriot có bệ phóng được thiết kế trên xe sơ-mi rơ-moóc. Khi đến vị trí chiến đấu, xe đầu kéo sẽ tách khỏi xe mang tên lửa, bệ phóng tên lửa sẽ được cố định bằng các chân chống thủy lực. Patriot sử dụng radar tìm kiếm mục tiêu và điều khiển hỏa lực tích hợp AN/MPQ-53/65. Đây là một radar quét mạng pha điện tử bị động. Mảng an-ten của radar có thể phát đi 5.000 chùm tia mỗi giây, ngoài ra còn có hệ thống nhận dạng “bạn-thù” IFF, một mảng TVM cùng một hệ thống phụ để giảm sự ảnh hưởng của các biện pháp gây nhiễu đến hoạt động của radar.

AN/MPQ-53/65 là một radar độc đáo được thiết kế theo công nghệ "detection-to-kill" (phát hiện-tiêu diệt). Radar có thể kiểm soát 100 mục tiêu trong phạm vi 170km, nó có thể kiểm soát 9 tên lửa cùng lúc. Thiết kế radar tích hợp này có ưu điểm là giảm sự cần thiết phải có thêm hệ thống điều khiển chung, giảm sự cồng kềnh cho hệ thống.

Thông số về mục tiêu được bám sát bởi một radar duy nhất thông qua hệ thống chỉ huy AN/MSQ-104 nên độ chính xác cao hơn. Tuy nhiên, loại radar này đòi hỏi bộ vi xử lý số hóa mạnh để có thể đảm đương nhiều công việc cùng lúc. Nếu radar bị trúng hỏa lực, hệ thống sẽ mất khả năng chiến đấu bởi không có radar khác phụ trợ.


Patriot có cơ chế dẫn hướng khá phức tạp và tinh vi, giai đoạn đầu tên lửa được dẫn hướng bằng quán tính, giai đoạn giữa tên lửa được dẫn hướng theo cơ chế TVM (bám theo đạn), giai đoạn cuối tên lửa sử dụng radar chủ động để khóa mục tiêu. Patriot có phạm vi tác chiến từ 30-160km tùy biến thể.


Biến thể nâng cấp Patriot PAC sử dụng công nghệ “hit-to-kill”(truy đuổi-tiêu diệt) rất tiên tiến. Với công nghệ này, tên lửa không sử dụng đầu đạn mà dựa vào động năng của vụ va chạm tốc độ cao để tiêu diệt mục tiêu. Thiết kế trên cho phép khối lượng tên lửa nhẹ hơn, đầu đạn có thể trang bị nhiều hơn các thiết bị điện tử cho nhiệm vụ truy tìm và tiêu diệt mục tiêu. Hiện tại, chỉ có Mỹ phát triển thành công công nghệ độc đáo này.

Mỹ gần đây đã thử nghiệm thành công tên lửa đánh chặn PAC-3 MSE và nó được xem là hệ thống tên lửa phòng không tiên tiến nhất và đáng tin cậy trên thế giới, với khả năng đánh bại mục tiêu đạn đạo chiến thuật và các mục tiêu trên không. PAC-3 MSE có hỏa lực cao hơn so với các phiên bản trước. Mỗi hệ thống PAC-3 MSE trang bị 16 tên lửa, tao ra hỏa lực mạnh hơn so với PAC-2 chỉ có 4 tên lửa.

Trong khi S-300 có lợi thế về phạm vi tác chiến, hệ thống điều khiển hỏa lực thì Patriot lại được trang bị công nghệ dẫn đường hiện đại nhất. Chúng đều là những hệ thống vô cùng uy lực trong lĩnh vực phòng không tầm xa của thế giới. Mỹ đã bán một số hệ thống phòng thủ Patriot cho một số đồng minh như Ai Cập, Đức, Hy Lạp, Israel, Nhật Bản , Kuwait , Hà Lan, Saudi Arabia, Các tiểu Vương quốc Arập thống nhất và Tây Ban Nha.

S -400


 S-400 là hệ thống phòng thủ tên lửa thế hệ mới được Nga thiết kế để thay thế các loại S-200, S-300V, S-300PMU1, S-300PMU2. Được giới thiệu từ năm 1999, S-400 ngay lập tức đã trở thành vũ khí chủ lực canh giữ bầu trời của Nga với tính năng độc nhất vô nhị trên thế giới, có thể tương thích với 4 loại tên lửa khác nhau.

S-400 có khả năng bắn hạ tất cả các mục tiêu trên không, như máy bay chiến lược, chiến thuật, trinh sát…, đánh chặn tên lửa đạn đạo tầm trung, chiến thuật… từ khoảng cách 400 km, độ cao 30 km và tốc độ tối đa của mục tiêu lên đến 4.800 m/giây. Đáng chú ý, S-400 có thể đánh chặn những tên lửa chiến lược có tầm bắn 3.500 km, gấp 3,5 lần so với tên lửa Patriot của Mỹ.

Cơ cấu chuẩn của hệ thống tên lửa phòng không cơ động tầm xa S-400 gồm có tổ hợp điều khiển 30K6E, tên lửa 98Z6E, tên lửa 48H6E/48H6E3 và tổ hợp đảm bảo kỹ thuật 30S6E. Tất cả được bố trí trên các xe bánh lốp có khả năng di chuyển dễ dàng, cơ động, có hệ thống cung cấp điện, thông tin liên lạc, định hướng và bảo đảm sinh hoạt độc lập. Nhằm tăng khả năng tác chiến trong bán kính 100 km và địa hình bị chia cắt, S-400 được trang bị các máy tiếp phát truyền dữ liệu và liên lạc, với tháp 40V6M để nâng cao dàn ăng ten radar đa năng 92N6E.


Ngoài ra, S-400 vượt trội hơn một số hệ thống tên lửa phòng không hiện đại trên thế giới về khả năng phát hiện mục tiêu ở khoảng cách tối đa 600km, gấp 6 lần Patriot. Cùng một lúc, S-400 có thể theo dõi 300 mục tiêu, gấp 3 lần so với Patriot; bắn hạ đồng thời 32 mục tiêu, gấp 5 lần so với Patriot; và dẫn đường cho 72 tên lửa, gấp 12 lần so với Patriot. S-400 có khả năng tiêu diệt mục tiêu bay chỉ cách mặt đất 10m cho đến độ cao nhất 27km. Còn mục tiêu tên lửa dẫn đường sẽ bị bắn hạ trong phạm vi 2-27km. Thời gian để triển khai tổ hợp chỉ mất 5 phút, ngắn nhất so với các hệ thống khác cùng chức năng trên thế giới.

S-400 có tổ hợp điều khiển 30K6E, trong đó có đài chỉ huy 55K6E với những thiết bị rất hiện đại như máy tính số, phương tiện truyền dữ liệu, hệ thống trắc địa… Toàn bộ hoạt động tác chiến được tự động hoá, từ phát lệnh đến các phương tiện sẵn sàng chiến đấu, điều khiển radar 91N6E, tiếp nhận và xử lý tất cả thông tin từ sở chỉ huy cấp trên, các đài lân cận, cho đến xác định cự ly và mục tiêu cần tiêu diệt. Cung cấp dữ liệu cho đài chỉ huy 55K6E chính là tổ hợp radar 91N6E có khả năng phát hiện và theo dõi các mục tiêu khí động và đường đạn, quốc tịch của mục tiêu, phương vị những phương tiện gây nhiễu tích cực.

Trong biên chế của S-400 có thể được bố trí đến 6 tổ hợp tên lửa 98Z6E. Trong mỗi tổ hợp có một radar định vị đa chức năng 92N6E cùng với 12 xe vận chuyển – phóng 5P85SE2/5P85TE2. Trên mỗi xe được trang bị 4 tên lửa 48N6E2/48N6E3. Đây là nơi khai hoả tên lửa khi nhận lệnh từ tổ hợp điều khiển 30K6E. Ngoài nhiệm vụ tìm kiếm, bám sát mục tiêu kể cả trong trường hợp có nhiễu tích cực, tiêu cực, radar 92N6E còn phải xác định quốc tịch mục tiêu, lựa chọn “con mồi”, tự động kích hoạt các tổ hợp tên lửa sẵn sàng chiến đấu, phóng và dẫn hướng các tên lửa, kích nổ các đầu đạn với tính tự động hoá cao.

Với tính năng ưu việt của S-400, Quân đội Nga có thể tự thiết lập lá chắn phòng thủ nhiều tầng với độ tin cậy rất cao. Sau những căng thẳng về kế hoạch triển khai lá chắn tên lửa của Mỹ ở Đông Âu, thì S-400 được xem là “con át chủ bài” của hệ thống phòng thủ Nga ít nhất trong vài thập kỷ tới.


CT (Còn tiếp)

Mối đe dọa với hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ
Mối đe dọa với hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ

Mặc dù đã chi hàng tỷ đôla trong nhiều thập kỷ qua nhưng hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ chỉ đạt được kết quả khiêm tốn và tương lai của nó cũng được đánh giá là ảm đạm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN