Nhật-Trung ganh đua vì căn cứ quân sự ở châu Phi

Vào năm 2017, Nhật Bản sẽ thuê thêm đất để mở rộng căn cứ quân sự tại Djibouti, phía đông châu Phi. Đây được coi là bước đi để đối trọng với sự thâm nhập ngày càng sâu của Trung Quốc ở lục địa đen.

Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Tomomi Inada trong chuyến thăm Djibouti. Ảnh: Reuters

Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Nhật Bản xác nhận các cuộc đàm phán đang được tiến hành giữa Tokyo và chính phủ Djibouti về căn cứ quân sự.

Reuters dẫn nguồn tin quân sự cho biết Nhật Bản đang cân nhắc điều máy bay C-130, xe thiết giáp Bushmaster đến Djibouti. Mức giá thuê đất được ước tính khoảng 1 triệu USD/năm.

Được hỏi về diễn biến trên, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Geng Shuang nói: “Chúng tôi hy vọng Nhật Bản có thể rút được nhiều bài học từ lịch sử”.

Theo Reuters, Trung Quốc đang “thân thiết” hơn với các quốc gia châu Phi để tiếp cận được nguồn khoáng sản dồi dào và có thêm các thị trường mới. Cuối năm 2015, Bắc Kinh thông báo sẽ bơm 60 tỉ USD vào các dự án phát triển tại châu Phi đồng thời xóa các khoản nợ.

Rồi đến đầu năm nay, Nhật Bản cam kết tăng cường giúp đỡ phát triển cơ sở hạ tầng, giáo dục và y tế tại châu Phi đồng thời hỗ trợ 30 tỉ USD.

Từ tháng 2 vừa qua, Trung Quốc đã khởi động xây căn cứ quân sự ở nước ngoài đầu tiên và lựa chọn Djibouti. Theo Bắc Kinh, căn cứ quân sự bên bờ biển ở Djibouti sẽ đóng vai trò hỗ trợ cho các tàu hải quân Trung Quốc tham gia nhiệm vụ gìn giữ hòa bình và các sứ mệnh nhân đạo.

Trong khi đó, ngay từ năm 2011, lực lượng phòng vệ Nhật Bản (SDF) đã cử 180 binh sĩ đến đồn trú ở khu vực rộng 12 ha ở Djibouti, ngay gần Trại Lemonnier của quân đội Mỹ.

Tại đó, SDF đã thực hiện các cuộc tuần tra hàng hải bằng máy bay nằm trong nhiệm vụ của lực lượng quốc tế để truy lùng hải tặc tại Vịnh Aden và ngoài khơi Somalia.

Trong tháng 8 vừa qua, nữ Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Tomomi Inada đã đích thân đến thăm Djibouti. Một tháng trước đó, Nhật Bản đã cử 3 chiếc C-130 đến Djibouti để sơ tán các công dân nước này bị mắc kẹt tại thủ đô Nam Sudan - Juba nơi xảy ra xung đột.

Hà Linh (Theo Reuters)
Nhật Bản giành thắng lợi quan trọng tại châu Phi trước Trung Quốc
Nhật Bản giành thắng lợi quan trọng tại châu Phi trước Trung Quốc

Mặc dù tham gia vào cuộc chiến giành ảnh hưởng tại châu Phi khá muộn, nhưng Nhật Bản đang cố gắng tạo ra sự khác biệt nổi trội đối với Trung Quốc thông qua "chất lượng" các khoản đầu tư và đã giành được thắng lợi quan trọng ban đầu.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN