Nhật Bản có vũ khí hạt nhân - Ác mộng với Trung Quốc

Có lẽ đối với Trung Quốc, cơn ác mộng khủng khiếp nhất là một Nhật Bản được trang bị vũ khí hạt nhân.


Nhật Bản có thể đầu tư xây dựng một kho tên lửa nhỏ mang đầu đạn hạt nhân như tên lửa Minuteman III của Mỹ.

Ngày 1/11, tại thủ đô Seoul, các nhà lãnh đạo của ba nước Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản đã có cuộc gặp thượng đỉnh lần đầu tiên kể từ năm 2012. Kết thúc cuộc gặp, các nhà lãnh đạo đã đồng ý nối lại các cuộc họp thượng đỉnh ba bên hàng năm, gạt sang một bên những tranh chấp và hận thù dai dẳng từ mấy thập niên qua.

Ngay trước thềm cuộc gặp này, trang mạng "National Interest" có bài viết phân tích về nguy cơ Nhật Bản có thể cảm thấy bị áp lực về an ninh lớn tới mức Tokyo quyết định sở hữu vũ khí hạt nhân. Dưới đây là những nội dung chính của bài viết:

Có lẽ đối với Trung Quốc, cơn ác mộng khủng khiếp nhất là một Nhật Bản được trang bị vũ khí hạt nhân. Nếu Nhật Bản sở hữu vũ khí hạt nhân, vấn đề an ninh của Trung Quốc sẽ trở nên hết sức phức tạp, buộc Trung Quốc phải sửa đổi cả học thuyết hạt nhân lẫn tăng số vũ khí hạt nhân có trong kho. Tất nhiên, hiện Nhật Bản không có ý định phát triển vũ khí hạt nhân. Đồng thời, Trung Quốc cũng không muốn khiêu khích Nhật Bản làm điều này. Chính sách hạt nhân "không sử dụng trước" của Trung Quốc phần nào là nhằm trấn an Nhật Bản rằng trong tình huống chiến tranh, nếu họ không bị tấn công hạt nhân trước thì họ sẽ không sử dụng loại vũ khí này.

Tuy nhiên, nếu gạt sang một bên nỗi ám ảnh về sức tàn phá của hai quả bom hạt nhân từng dội xuống Nhật Bản cũng như bỏ qua thực tế là không có lý do gì cấp bách để phải sở hữu vũ khí hạt nhân, chắc chắn chẳng có lý do gì mà Nhật Bản, nền kinh tế lớn thứ ba thế giới, lại không thể sản xuất vũ khí hạt nhân. Nhật Bản có thể đầu tư xây dựng một kho tên lửa nhỏ mang đầu đạn hạt nhân. Những tên lửa này có thể được đặt dưới hầm, dạng tên lửa Minuteman III của Mỹ, hay đặt trên các bệ phóng di động như RS-24 Yars của Nga. Tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) của Nhật Bản có thể nhỏ hơn, không nhất thiết phải có tầm bắn và có đủ nhiên liệu để tới được Bắc Mỹ. Tên lửa này chỉ cần vươn tới toàn bộ Trung Quốc, phần lãnh thổ thuộc châu Âu của Nga và Trung Đông. Từng bước, Nhật Bản có thể gây dựng được một lực lượng gồm 100 tên lửa đạn đạo tầm trung, mỗi tên lửa được trang bị 3 đầu đạn có sức công phá 100 kiloton. Những tên lửa này có thể được bố trí trong các căn hầm kiên cố ở miền Đông Hokkaido, hòn đảo nằm ở cực Bắc Nhật Bản, hoặc được di chuyển trên các bệ phóng di động.

Tên lửa đạn đạo tầm trung của Nhật Bản có thể được bố trí trong các căn hầm kiên cố ở miền Đông Hokkaido.

Tuy nhiên, tính chất địa lý của Nhật Bản khiến cho phương án đặt tên lửa dưới mặt đất rất khó thực hiện. Do mật độ dân cư đông đúc, Nhật Bản không thể tìm được địa điểm để xây dựng 100 hầm chứa tên lửa mà không kéo theo những thiệt hại nặng nề cho chính họ trong trường hợp tiến hành tấn công. Ngay cả đặt tên lửa ở những nơi hẻo lánh như hòn đảo Hokkaido ở miền Bắc cũng đặt ra những mối nguy hiểm không cần thiết. Bệ phóng di động thì quá lớn và quá nặng để có thể di chuyển trên các hệ thống đường sá của Nhật Bản trừ phi nước này xây dựng được một tuyến đường riêng cho các bệ phóng di động. Tuy nhiên, cách làm này sẽ khiến cho đối phương dễ dự đoán được vị trí của các tên lửa.

Nhật Bản cũng có thể sản xuất một loạt máy bay oanh tạc tàng hình có thể chuyên chở tên lửa tuần tiễu và bom hạt nhân. Loại máy bay này có thể thực hiện các cuộc tấn công hạt nhân nhằm vào địch thủ, vô hiệu hóa vũ khí hạt nhân, cơ sở chỉ huy, kiểm soát của đối phương. Máy bay ném bom hạt nhân sẽ giúp các nhà hoạch định chiến lược quốc phòng của Nhật Bản được "rảnh tay" theo đuổi nhiều mục tiêu khác nhau hay đột ngột thay đổi mục tiêu giữa chừng.

Tuy nhiên, cũng lại tính chất địa lý khiến cho việc sản xuất máy bay oanh tạc chiến lược ít khả thi. Chỉ cần một cuộc tấn công bất ngờ nhằm vào máy bay oanh tạc của Nhật Bản cũng có thể xóa sổ hoàn toàn lực lượng dưới mặt đất của nước này. Nếu như các máy bay oanh tạc phải cần đến máy bay tiếp dầu trên không thì mới đến được mục tiêu, thì chỉ cần phá hủy phi đội máy bay tiếp dầu của Nhật Bản là đã có thể vô hiệu hóa những máy bay này. Hơn nữa, những tiến bộ trong công nghệ phòng không khiến máy bay oanh tạc rất dễ bị tổn thương.

Nhật Bản có thể bắt chước cách làm trước đây của Không quân Mỹ, đó là duy trì một phi đội máy bay oanh tạc thường trực trên không, song phương án này rất tốn kém và đòi hỏi phải có đủ số máy bay hoạt động trên không (và tất nhiên cả máy bay tiếp nhiên liệu trên không) để bất kỳ lúc nào cũng có thể chiến đấu. Chi phí và tính phức tạp của việc duy trì một lực lượng như vậy lớn ngoài sức tưởng tượng.

Phương án hấp dẫn nhất là xây dựng tàu ngầm chứa tên lửa đạn đạo. Tàu ngầm của Nhật Bản có thể chỉ cần di chuyển về phía Đông đến vùng biển giữa Thái Bình Dương vốn tương đối an toàn; bất kỳ tàu chiến tấn công tàu ngầm hay máy bay nào mà Nga hay Trung Quốc triển khai để tấn công tàu ngầm Nhật Bản trước hết phải đi qua vùng biển cũng như không phận Nhật Bản.

Nhật Bản có thể thuyết phục Mỹ chia sẻ công nghệ tàu ngầm, tên lửa và đầu đạn giống như Mỹ đang chia sẻ với Anh. Trong số ba phương án kể trên, phương án đánh chặn bằng vũ khí đặt ngoài biển có lẽ sẽ được Mỹ tán thành hơn cả. Nếu Nhật Bản triển khai kế hoạch lập căn cứ hạt nhân trên biển, Trung Quốc, Pháp hoặc Anh sẽ buộc phải chạy đua theo, duy trì một lực lượng gồm 5 tàu ngầm chuyên chở tên lửa đạn đạo, mỗi tàu trang bị 16 tên lửa có lắp đầu đạn hạt nhân. Mỗi tên lửa sẽ được trang bị 4 đầu đạn có sức công phá 100 kiloton.

Rõ ràng rằng trong bối cảnh hiện nay, không ai muốn Nhật Bản sở hữu vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, cần phải công nhận thực tế rằng nếu bị thúc ép, Nhật Bản chắc chắn sẽ tìm cách sử hữu loạt vũ khí hủy diệt hàng loạt này. Do đó, tất cả các bên cần phải ghi nhớ rằng mối quan hệ đang ngày càng căng thẳng giữa Nhật Bản, Trung Quốc và Nga có thể khiến tình hình xấu đi rất nhiều.

TTK
Triều Tiên phát triển vũ khí hạt nhân đến đâu?
Triều Tiên phát triển vũ khí hạt nhân đến đâu?

Chương trình vũ khí hạt nhân của CHDCND Triều Tiên vẫn là mối lo ngại sâu sắc của cộng đồng quốc tế.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN