Nguy cơ Mỹ bước chân vào xung đột Trung Đông do các cuộc tấn công căn cứ quân sự ở Iraq, Syria

Hàng loạt cuộc tấn công bằng máy bay không người lái nhằm vào nơi binh sĩ Mỹ đồn trú ở Iraq và Syria làm dấy lên lo ngại Washington có thể đáp trả và bước chân vào cuộc xung đột tại Trung Đông.

Chú thích ảnh
Binh sĩ Mỹ gác tại căn cứ không quân K1 ở Kirkuk, Iraq. Ảnh: AFP/TTXVN

Một chiếc máy bay không người lái đã phóng tới căn cứ không quân Erbil tại Iraq hôm 26/10. Nó chọc thủng hệ thống phòng không của Mỹ rồi đâm vào tầng hai của doanh trại binh sĩ Mỹ đồn trú. Thiết bị chứa đầy chất nổ đã không phát nổ và chỉ có một quân nhân bị chấn động do va chạm.

Vụ việc này nằm trong 40 cuộc tấn công bằng máy bay không người lái và tên lửa riêng biệt nhằm vào lực lượng Mỹ ở Iraq và Syria trong ba tuần qua để đáp trả sự hỗ trợ của Mỹ đối với Israel trong cuộc chiến ở Gaza.

Tổng cộng có 3.400 lính Mỹ đang đóng quân ở Iraq và Syria. Các vụ tấn công này cho đến nay chỉ gây thương tích nhẹ. Hệ thống phòng không của Mỹ tại Iraq và Syria đã chặn được nhiều tên lửa và máy bay không người lái tấn công.

Ông David Schenker tại Viện nghiên cứu chính sách Cận Đông Washington (Mỹ), cảnh báo rằng khả năng xảy ra một cuộc tấn công lớn lôi kéo Mỹ vào một cuộc xung đột là “mối lo ngại rất thực tế”.

Ông cho rằng những kẻ tấn công có mục đích chính là quấy rối thay vì tiêu diệt số lượng lớn quân nhân Mỹ nhưng “còn rất nhiều điều họ có thể làm”.

Không rõ Tổng thống Joe Biden sẽ phản ứng thế nào trước một cuộc tấn công lớn khiến nhiều binh sĩ Mỹ tử vong. Hãng thông tấn Reuters (Anh) nhận xét, cho đến nay, Tổng thống Biden vẫn tìm cách hạn chế vai trò của Mỹ trong cuộc xung đột, chủ yếu đảm bảo viện trợ quân sự cho Israel.

Chính phủ Iraq và Iran chưa trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận từ Reuters về các cuộc tấn công nhằm vào nơi binh sĩ Mỹ đồn trú và nguy cơ leo thang căng thẳng.

Chú thích ảnh
Binh sĩ Mỹ tuần tra tại tỉnh Hasakeh, Syria. Ảnh: Ảnh: AFP/TTXVN

Biến động tại Trung Đông nổ ra sau nhiều năm Mỹ liên tục rút các tài sản quân sự khỏi khu vực này, bao gồm cả hệ thống phòng không, trong bối cảnh Washington tập trung vào xung đột Nga-Ukraine và căng thẳng với Trung Quốc. Hai năm trước, Mỹ đã rút quân hoàn toàn khỏi Afghanistan và Taliban tiếp quản đất nước này kể từ đó đến nay.

Phản ứng của Tổng thống Biden cho đến nay vẫn rất thận trọng. Nhà lãnh đạo Mỹ đã ra lệnh tấn công vào hai cơ sở lưu trữ vũ khí ở Syria vào tháng trước khi chúng không có người. Nhưng ông chưa ra lệnh cho bất kỳ cuộc tấn công nào ở Iraq. Hôm 8/11, Tổng thống Biden tiếp tục thực hiện một cuộc tấn công tương tự ở Syria và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cảnh báo: “Chúng tôi đề xuất chống lại bất kỳ sự leo thang nào”.

Mỹ đã triển khai hai nhóm tấn công tàu sân bay đến Trung Đông và thậm chí còn thực hiện bước đi hiếm hoi vào cuối tuần qua khi thông báo một tàu ngầm lớp Ohio đã di chuyển đến khu vực.

Theo các quan chức, ngoài việc gửi các hệ thống phòng không như Patriot, quân đội Mỹ cũng đang thực hiện các bước bổ sung để bảo vệ hàng chục nghìn binh sĩ của mình trong khu vực. Các biện pháp có thể bao gồm tăng cường an ninh tại các căn cứ quân sự của Mỹ qua đẩy mạnh tuần tra, hạn chế tiếp cận và tăng cường thu thập thông tin tình báo.

Hà Linh/Báo Tin tức (Theo Reuters)
Mỹ thực hiện đợt tấn công mới ở Syria 
Mỹ thực hiện đợt tấn công mới ở Syria 

Quân đội Mỹ thông báo vừa tiến hành vụ đánh bom mới nhất nhằm vào một cơ sở vũ khí của các nhóm vũ trang tại Syria. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN