Mỹ không thể bắn hạ tên lửa Nga đang được sử dụng ở Ukraine?

Mỹ không chuẩn bị sẵn sàng để tự vệ trước các loại tên lửa hành trình mà Nga đang sử dụng ở Ukraine. Đây là cảnh báo trong đánh giá mới nhất từ một trung tâm nghiên cứu nổi tiếng ở Washington.

Chú thích ảnh
Tên lửa được phóng từ tàu chiến Nga. Ảnh: BQP Nga

Báo cáo tháng 7 mới nhất từ Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế Mỹ (CSIS) cho rằng các chỉ huy quân sự và các nhà hoạch định chính sách nước này đã phớt lờ việc bảo vệ lục địa Mỹ trước những loại vũ khí cơ động, bay tầm thấp như của Nga.

Thay vào đó, Washington đã đổ hàng tỷ USD vào các hệ thống đánh chặn để phòng thủ trước các tên lửa bay cao hơn và vào các hệ thống di động để bảo vệ các lực lượng được triển khai ở các khu vực khác trên thế giới.

Báo cáo viết: “Sự thiếu hụt gần như hoàn toàn hệ thống phòng thủ tên lửa hành trình và các hình thức phòng không liên quan trên phạm vi rộng hơn đã tạo ra vấn đề về răn đe”.

Các tác giả của báo cáo khuyến nghị rằng việc liên kết, phối hợp tác chiến giữa các radar mặt đất, máy bay giám sát, máy bay không người lái tầm cao và tên lửa đánh chặn hiện có như một bước đầu tiên để giải quyết mối đe dọa ngày càng tăng này.

Báo cáo nêu rõ: “Một bài học từ cuộc xung đột ở Ukraine là các vũ khí và cảm biến trong quá khứ có thể được sử dụng hiệu quả ngay cả khi đối mặt với một đối thủ có sức mạnh quân sự hàng đầu thế giới. Thay vì loại bỏ hoặc hủy các hệ thống cũ, việc tích hợp chúng vào hệ thống phòng thủ mới có thể tăng cường khả năng phòng thủ tổng thể”.

Trong những năm gần đây, các nhà lập pháp và chỉ huy quân sự ngày càng lo ngại về một cuộc tấn công bằng tên lửa hành trình vào Mỹ. Không giống như tên lửa đạn đạo xuyên lục địa bay theo quỹ đạo tầm cao, có thể đoán trước được, tên lửa hành trình bay tầm thấp sẽ khiến các radar khó phát hiện. Các tên lửa này cũng có thể được phóng một cách bí mật từ các tàu ngầm tàng hình ngay ngoài khơi bờ biển Mỹ.

“Trong phạm vi mối đe dọa tên lửa và trên không ngày càng mở rộng và đa dạng, các mối đe dọa tên lửa siêu thanh đang nổi lên thu hút sự chú ý đáng kể và các tên lửa hành trình thông thường là mối đe dọa không được đánh giá cao nhất, nhưng chúng có uy lực mạnh và là mối đe dọa trước mắt đối với Mỹ”, báo cáo của CSIS nhấn mạnh.

Các quan chức Lầu Năm Góc cũng đã báo động về mối đe dọa tên lửa hành trình đối với Mỹ trong thập kỷ qua, nhưng có rất ít động thái trong việc tăng cường phòng thủ. Lầu Năm Góc bắt đầu sử dụng một khinh khí cầu ở phía bắc Baltimore để theo dõi máy bay dọc theo bờ biển phía Đông, nhưng những nỗ lực đó đã bị bỏ rơi sau khi nó bị đứt dây neo vào năm 2015. 

Năm 2019, Đánh giá Phòng thủ Tên lửa của Chính quyền Trump đã chỉ ra mối đe dọa tên lửa hành trình đang gia tăng, tuy nhiên, Lầu Năm Góc vẫn chưa giao cho bất kỳ ai chịu trách nhiệm mua hệ thống phòng thủ, mặc dù đã được Quốc hội yêu cầu làm như vậy vào năm 2017, báo cáo mới của CSIS cho biết. Điều đó có nghĩa là quốc gia này đã phải dựa vào một loạt các radar, hệ thống đánh chặn và máy bay chiến đấu để phòng thủ.

Trong những tháng gần đây, Quốc hội Mỹ đã phê duyệt hơn 273 triệu USD để phát triển các radar tầm xa, tăng cường các thí nghiệm phòng thủ tên lửa hành trình và bắt đầu xây dựng hệ thống phòng thủ trên đảo Guam ở Thái Bình Dương, nơi có các căn cứ Không quân và Hải quân rất quan trọng đối với các hoạt động quân sự của Mỹ trong khu vực.

Các tác giả của báo cáo cho rằng hoạt động của Lầu Năm Góc để bảo vệ đảo Guam khỏi một cuộc tấn công tên lửa từ Trung Quốc, có thể được coi là một trường hợp thử nghiệm để bố trí hệ thống phòng thủ trên đất liền ở Mỹ.

“Trong khi việc bảo vệ lục địa Mỹ đặt ra một vấn đề khác, những nỗ lực bảo vệ đảo Guam sẽ đặc biệt mang tính định hướng cho việc lựa chọn yếu tố, tích hợp hệ thống và phát triển chỉ huy và kiểm soát. Theo nghĩa này, con đường dẫn đến việc phòng thủ tên lửa hành trình cho Bắc Mỹ sẽ đi qua Guam", báo cáo lưu ý.

Hiện có rất nhiều radar trên khắp nước Mỹ có thể giúp theo dõi tên lửa hành trình, nhưng chúng được vận hành bởi một số tổ chức chính phủ, bao gồm Lầu Năm Góc, Bộ An ninh Nội địa, Cục Hàng không Liên bang và Cục Khí quyển và Đại dương Quốc gia. Báo cáo cho biết những cơ quan này hiện không chia sẻ dữ liệu của mình với nhau nhưng nếu có, họ có thể tạo ra một mạng lưới phòng thủ hữu ích.

Công Thuận/Báo Tin tức (Theo defenseone.com)
Mỹ và đồng minh thảo luận về việc huấn luyện cho lực lượng không quân Ukraine
Mỹ và đồng minh thảo luận về việc huấn luyện cho lực lượng không quân Ukraine

Ukraine có thể tìm đến các đồng minh NATO có kinh nghiệm chuyển đổi từ máy bay thời Liên Xô sang các hệ thống của phương Tây.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN