Lực lượng phòng vệ Nhật tăng cường khả năng giữ đảo

Để tăng cường năng lực bảo vệ quần đảo Nansei, Lực lượng phòng vệ trên biển (MSDF) của Nhật Bản sẽ trang bị thêm hai tàu hộ vệ cỡ nhỏ (compact) nhằm tăng cường khả năng diệt ngư lôi và dò tàu ngầm đối phương. Dự kiến hai tàu này sẽ chính thức được đưa vào biên chế của MSDF vào năm 2021.

Với tải trọng nhẹ và gọn hơn, hộ vệ hạm kiểu mới có khả năng ứng phó và tác chiến nhanh hơn nhờ gia tăng tốc độ so với các hộ vệ hạm cỡ lớn hiện nay trong khi được tích hợp thêm năng lực diệt và đặt ngư lôi trên biển. Những ưu thế vượt trội này sẽ rất có ích trong trường hợp MSDF tiến hành tác chiến cả trên bộ lẫn trên biển.

Đại cương chiến lược quốc phòng được chính phủ Nhật Bản soạn thảo hồi tháng 12/2013 đã khẳng định hộ vệ hạm kiểu mới “có thể thực hiện cả tính năng cơ động hoá và hướng đến năng lực ứng phó trước các nhiệm vụ đa dạng”. MSDF đã bắt đầu tính toán hướng đi cụ thể cho kế hoạch vận hành cũng như năng lực hoạt động của các tàu mới này dựa trên mục tiêu mà tổng quan chiến lược đã đề ra.

Tàu tuần tra duyên hải của Nhật Bản.


Lượng giãn nước tiêu chuẩn của hộ vệ hạm cỡ nhỏ là 3.000 tấn trong khi tốc độ chạy là khoảng 40 hải lý/giờ (74km/h). Tốc độ này cao hơn gần 10 hải lý/giờ so với các tàu đang trong biên chế hiện nay. Thế hệ hộ vệ hạm cỡ nhỏ này được trang bị các tàu ngầm không người lái (UUV) và phương tiện không người lái mặt nước (USV) để tìm kiếm thông tin dưới nước một cách hiệu quả trong quá trình quét ngư lôi.

Trong chiến dịch tái chiếm đảo xa, MSDF có kế hoạch sử dụng các tàu này trong cả chiến dịch đổ bộ lên mặt đất cũng như công tác hậu cần từ biển lên bộ. Hộ vệ hạm mới do có khả năng di chuyển nhanh gọn nên MSDF có thể phát huy được uy lực đối phó với các tàu lạ nhỏ gọn và chạy nhanh như các phương tiện giả dạng tàu cá.

Mức giá của các tàu này rẻ hơn một nửa so với các hộ vệ hạm hiện nay và dự kiến sẽ bắt đầu được thiết kế vào năm 2017 và bắt đầu quá trình đóng mới từ năm 2018. Với kích cỡ gọn nhẹ, các tàu mới này được kỳ vọng là có thể tiếp cận các hải cảng mà tàu hộ vệ hiện nay không thể vào được và có thể nhanh chóng tiếp vận khẩn cấp trong các tình huống xảy ra thiên tai quy mô lớn. Ngoài ra, MSDF cũng đang tính đến khả năng sử dụng hộ vệ hạm compact vào nhiều nhiệm vụ khác nhau như tham gia chiến dịch tiễu trừ hải tặc ở nước ngoài.


Đại cương chiến lược quốc phòng ban hành tháng 12/2013 ghi rõ kế hoạch trang bị “tàu hộ vệ compact” cho lực lượng phòng vệ Nhật Bản. Tính đến tháng 9/2013, MSDF đã sở hữu 47 tàu hộ vệ. Trong số này, các tàu có lượng giãn nước tiêu chuẩn 3.000 tấn lớp “Hautsuyuki” và “Abukuma” bao gồm 11 chiếc với tốc độ tối đa chỉ đạt khoảng 30 hải lý/h (55,6km/h).



Hữu Thắng (Phóng viên TTXVN tại Nhật Bản)

Châu Á đang gia tăng chi phí quân sự
Châu Á đang gia tăng chi phí quân sự

Từ năm 2012 khi mà chi tiêu quân sự trên thế giới nhìn chung sụt giảm thì tại châu Á, đặc biệt là khu vực Đông Á và Đông Nam Á, chi phí quốc phòng lại gia tăng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN