Lo ngại với sự phát triển của tên lửa đạn đạo Triều Tiên

Hiện tại, Bình Nhưỡng có ít nhất ba loại tên lửa đạn đạo có thể vươn tới 48 bang vùng hạ của Mỹ: Taepodong-2, KN-08 và KN-14. Nếu hoạt động, chúng có thể đánh vào đài quan sát vũ trụ Needle ở Seattle hoặc bay lướt qua tấm biển Hollywood nổi tiếng.

Triều Tiên tuyên bố ngày 14/5 đã phóng "tên lửa đạn đạo chiến lược tầm xa trung bình đất đối đất mới" mang tên Hwasong-12. Loại tên lửa sử dụng nhiên liệu rắn mới của nước này rất có thể là một quả tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM).

Cho dù lần thử thứ sáu có phải ICBM hay không – và quãng đường bay của nó còn gây tranh cãi – thì chương trình phát triển hạt nhân của chính quyền ông Kim Jong-un vẫn đang tiến triển nhanh.

Tên lửa Hwasong-12 của Triều Tiên rời bệ phóng ngày 14/5. Ảnh: Rodong Sinmun

Tác giả John Schilling viết trên trang mạng “38 North” như sau, vụ thử ngày 14/5 của Triều Tiên “tượng trưng cho một mức hiệu suất chưa từng thấy ở một quả tên lửa Triều Tiên”. Không chỉ phóng thành công mà nó còn bay vượt qua 700km và đạt tầm cao kỷ lục trên 2.100km. Nếu đường bay của đầu đạn thẳng hơn, thì Hwasong-12 có thể đánh trúng mục tiêu ở cách xa ít nhất 4.000km, gần bằng tầm bắn trung bình 5.500km của ICBM.

Trong vòng 3 năm qua, Bình Nhưỡng đã phóng số lượng tên lửa đạn đạo nhiều hơn cả ba thập kỷ trước gộp lại. Mỗi vụ thử, dù thành công hay thất bại, đều giúp chương trình hạt nhân của nước này tiến bộ hơn.

Tại thời điểm hiện tại, Bình Nhưỡng sở hữu ít nhất ba loại tên lửa đạn đạo có thể vươn tới 48 bang vùng hạ của Mỹ: Taepodong-2, KN-08 và KN-14. Nếu hoạt động, chúng có thể đánh vào đài quan sát vũ trụ Needle ở Seattle hoặc bay lướt qua tấm biển Hollywood nổi tiếng. 

Vấn đề hiện nay chỉ còn là thời gian để Triều Tiên hoàn thiện phát triển lá chắn nhiệt cho đầu đạn. Nhưng điều này cũng không còn xa vì trước đó, giới chức Hàn Quốc nhận định các chuyên gia Bình Nhưỡng đã có thể gắn đầu đạn hạt nhân vào tên lửa đạn đạo tầm trung Nodong.

Chỉ vài năm nữa, Triều Tiên có thể làm chủ các kỹ thuật phức tạp để gắn vũ khí hạt nhân vào tên lửa tầm xa nhất của nước này.

Chuyên gia Melissa Hanham tại Trung tâm Nghiên cứu Hạn chế Vũ khí hạt nhân James Martin chia sẻ với kênh CNN rằng tên lửa Hwasong-12 có thể “trở thành một nửa hoặc một phần ba của một ICBM”, bởi lẽ riêng Hwasong-12 có thể không đạt tầm xa của ICBM nhưng hai, ba quả như chúng gắn chồng lên nhau thì chắc chắn có thể.

Hay như nhà phân tích quân sự người Hàn Quốc Lee Illwoo nói với tờ Washington Post: “Đó là một sự phát triển rất khó chịu đối với Mỹ”. Tên lửa Hwasong-12 thậm chí nếu chỉ bay xa bằng ước tính thấp nhất về khả năng của nó thì vẫn có thể đánh trúng đảo Guam, lãnh thổ Mỹ và căn cứ Không quân Andersen.

Thật đáng lo ngại rằng, khi gắn chồng lên nhau, ba quả Hwasong-12 thậm chí có thể cày tung đất ở trong khu vườn phía Nam của Nhà Trắng. 

Thông tin nêu trên được đưa ra trong bối cảnh lo ngại về mối đe dọa từ tên lửa đạn đạo Triều Tiên đang tăng lên. Ngày 17/5, tân Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in chỉ thị quân đội nước này duy trì khả năng sẵn sàng đối phó với mọi khiêu khích quân sự của Triều Tiên. Ông tái khẳng định cam kết tăng ngân sách quốc phòng lên mức 3% GDP và hiện đại hóa hệ thống vũ khí. 

Trong một diễn biến liên quan, Nhật báo Edaily của Hàn Quốc dẫn lời ông Moon Jae-in cảnh báo: "Nhiều khả năng xảy ra xung đột quân sự ở Đường Ranh giới phía Bắc (NLL) và giới tuyến quân sự" trong bối cảnh các năng lực tên lửa và hạt nhân của Bình Nhưỡng gần đây tiến bộ rất nhanh. 

Xuân Chi/Báo Tin Tức
Hải quân Indonesia thêm một lần phát hoảng với vũ khí Trung Quốc
Hải quân Indonesia thêm một lần phát hoảng với vũ khí Trung Quốc

Sau lần tá hỏa với tên lửa chống hạm C-705 do Trung Quốc chế tạo, Hải quân Indonesia đã hứng chịu tổn thất về người khi khẩu pháo Giant Bow cũng do Trung Quốc sản xuất bất ngờ nã đạn vô tội vạ trong một cuộc tập trận.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN