Cuộc 'khủng hoảng' tên lửa phòng không của Ukraine 

Ukraine đang đối mặt với khủng hoảng đạn dược khi tên lửa phòng không suy giảm. Thay vì nỗ lực bắn hạ 4/5 số tên lửa Nga phóng đi như hiện nay, Ukraine sẽ sớm phải điều chỉnh hệ thống phòng không của mình để chỉ bắn hạ 1/5 tên lửa Nga phóng đi.

Chú thích ảnh
Ukraine đang thiếu tên lửa phòng thủ ở cả hậu phương và tiền tuyến, một phần do sự đình trệ viện trợ từ phương Tây. Ảnh: AFP/TTXVN

Ukraine đang thiếu đạn dược đến mức sẽ cạn kiệt tên lửa phòng không để bảo vệ các thành phố của mình vào cuối tháng này, tờ Telegragh ngày 16/3 dẫn nhiều báo cáo cho biết.

Nguồn cung cấp tên lửa của Kiev để bảo vệ các thành phố như Odesa đang giảm nhanh chóng, tờ Washington Post cũng trích dẫn các nguồn tin Ukraine xác nhận. 

Điều đó có nghĩa là thay vì tìm cách bắn hạ 4/5 tên lửa tấn công của Nga như hiện nay, Ukraine sẽ sớm phải điều chỉnh hệ thống phòng không của mình để chỉ bắn hạ 1/5 tên lửa.

Vấn đề trên sẽ tác động đáng kể đến các "trung tâm đô thị của Ukraine”, làm giảm khả năng phòng thủ của nước này trước các cuộc tấn công của Nga ở cả khu vực hậu phương và tiền tuyến trong những tuần tới nếu không được giải quyết nhanh chóng, tờ Washington Post dẫn lời hai quan chức Ukraine nói với các quan chức Mỹ tại một hội nghị an ninh mới diễn ra.

Ukraine đã phải đưa ra những quyết định khó khăn liên quan đến việc bố trí các hệ thống phòng không hạn chế của mình ở các khu vực hậu phương và tiền tuyến, trong khi các lực lượng Nga gần đây đã tăng cường gây áp lực với hệ thống phòng không của Kiev. 

Quân đội Nga đã và đang tiến hành tấn công bằng nhiều hình thức, loại vũ khí khác nhau để xuyên thủng và gây áp lực liên tục lên tuyến phòng thủ cũng như phòng không của Ukraine. Ví dụ, các lực lượng Nga vừa sử dụng các cuộc không kích để đạt hiệu quả chiến thuật vừa tăng cường và cải thiện việc sử dụng bom lượn dọc theo nhiều khu vực khác nhau trên mặt trận.

Vì vậy, việc Ukraine giảm 60% khả năng nhắm mục tiêu - chưa nói đến việc bắn hạ - tên lửa của Nga sẽ làm trầm trọng thêm các vấn đề phân bổ trong bố trí các hệ thống phòng không trên. 

Hiện các chính trị gia ở Mỹ đang tranh luận gay gắt về việc có nên duy trì viện trợ quân sự cho Ukraine hay không. Tuần này, Thủ tướng Hungary Viktor Orban cho cho biết cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump, ứng cử viên tiềm năng của Đảng Cộng hòa tại cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm nay đã nói ông sẽ không cung cấp viện trợ cho Ukraine nếu thắng cử.

Lời cảnh báo được đưa ra khi Nga tăng cường tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái vào các mục tiêu ở Ukraine. Các quan chức Nga cho biết Ukraine sắp cạn đạn dược và quyết định đây là lúc tấn công. Dọc theo tiền tuyến ở Donbas, lực lượng Nga đã tiếp tục đẩy lùi và áp đảo các đơn vị Ukraine, những nơi phàn nàn về lượng đạn pháo dự trữ đang cạn kiệt.

Tờ Wall Street Journal mới đây đã nêu ra ba yếu tố quan trọng quyết định kết quả của cuộc xung đột ở Ukraine: nhân lực, tài chính và trang thiết bị. “Quyết tâm đương đầu với Nga là nguồn lực duy nhất còn lại của Ukraine. Điều đó sẽ không đủ để giành chiến thắng”, Wall Street Journal viết, nhấn mạnh việc Nga chiếm ưu thế gần đây, cho thấy nhu cầu cấp thiết về viện trợ từ phương Tây, đặc biệt là về tên lửa và hệ thống phòng không. 

Wall Street Journal cũng cho rằng, dù việc Ukraine sử dụng máy bay không người lái hiệu quả nhưng do số lượng viện trợ gần đây hạn chế, Kiev đang phải đối mặt với áp lực ngày càng tăng trong việc cân bằng việc duy trì phòng thủ ở tiền tuyến với phòng thủ đô thị trước các cuộc tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái của Nga.

Theo Wall Street Journal, một số thách thức chính đối với Ukraine hiện nay là sự chênh lệc lớn về đạn dược giữa hai bên, những hạn chế chiến thuật của máy bay không người lái trong việc bù đắp hỏa lực pháo binh và những căng thẳng kinh tế ngày càng trầm trọng do cuộc chiến gây ra. 

Wall Street Journal nhấn mạnh vai trò then chốt của Quốc hội Mỹ trong việc ra quyết định nhằm giải quyết các yêu cầu quân sự khẩn cấp của Ukraine trong bối cảnh Nga không ngừng tấn công: Nếu Quốc hội Mỹ trì hoãn thông qua viện trợ, hậu quả có thể rất lớn với Kiev vì khi hệ thống phòng không của Ukraine suy yếu, nước này sẽ ngày càng buộc phải lựa chọn giữa việc bảo vệ lực lượng ở mặt trận và bảo vệ các thành phố khỏi các cuộc tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái của Nga. 

Trong tuần này, Mỹ và EU đã công bố các gói viện trợ mới cho Ukraine. Trong khi Mỹ công bố viện trợ quân sự mới cho Ukraine với các loại vũ khí phòng không, pháo binh, chống tăng và cả bom chùm trị giá 300 triệu USD, EU đã thông báo đồng ý cung cấp 5 tỷ euro viện trợ quân sự cho Ukraine, một phần trong kế hoạch cải tổ quỹ viện trợ do khối này điều hành. Tuy nhiên, các gói viện trợ đó chưa thể đáp ứng ngay nhu cầu cấp thiết hiện tại của Ukraine.

Vũ Thanh/Báo Tin tức (Tổng hợp)
Nguyên nhân Pháp chuyển sang quan điểm cứng rắn về xung đột Nga - Ukraine
Nguyên nhân Pháp chuyển sang quan điểm cứng rắn về xung đột Nga - Ukraine

Ngoài việc thể hiện vai trò lãnh đạo ở châu Âu, nhà lãnh đạo Pháp muốn tạo ra "sự mơ hồ chiến lược" với Nga liên quan đến cuộc xung đột ở Ukraine.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN