Công ty Mỹ cung cấp công nghệ cho nhà sản xuất tên lửa S-400 của Nga?

Một công ty Mỹ bị cáo buộc bán công nghệ cho nhà sản xuất tên lửa phòng không S-400 của Nga.

Chú thích ảnh
Hệ thống tên lửa đất đối không S-400 được triển khai tại căn cứ quân sự bên ngoài thị trấn Gvardeysk gần Kaliningrad, Nga ngày 11/3/2019. Ảnh: REUTERS

Theo hãng tin Reuters ngày 12/10, kể từ khi Nga sáp nhập Crimea vào năm 2014, các công ty Mỹ đã bị cấm giao dịch với MMZ Avangard, nhà sản xuất tên lửa cho một trong những vũ khí hiện đại nhất của Nga, hệ thống phòng không S-400. 

Trong một động thái cho thấy sự lo ngại của phương Tây về S-400, Mỹ đã loại Thổ Nhĩ Kỳ, một thành viên NATO, khỏi chương trình máy bay chiến đấu chung (F-35) vào năm 2019 sau khi Ankara nhận hệ thống phòng không hiện đại S-400 từ Nga.

Nhưng ngay cả khi Mỹ đang thực hiện các hành động nhằm ngăn chặn hoạt động kinh doanh của MMZ Avangard, công ty công nghệ của Mỹ Extreme Networks vẫn cung cấp cho cho nhà sản xuất tên lửa của Nga thiết bị mạng máy tính quan trọng.

Trong một tuyên bố, Extreme thừa nhận các thiết bị "có thể đã được" bán cho MMZ Avangard thông qua một bên thứ ba. Theo công ty Mỹ, một bên trung gian ở Nga đã tham gia cung cấp các sản phẩm của Extreme cho MMZ Avangard, song không cung cấp bằng chứng. Extreme cho hay họ đang báo cáo những thông tin này cho cơ quan chức năng Mỹ.

Cụ thể, từ năm 2017 đến năm 2021, MMZ Avangard đã mua được thiết bị từ Extreme trị giá hơn 500.000 USD từ Extreme cho các hệ thống công nghệ thông tin của mình, gồm bộ chuyển mạch tốc độ cao, thiết bị hạ tầng công nghệ thông tin và phần mềm. 

Theo Reuters, ngoài MMZ Avangard, Extreme còn có hai khách hàng là những công ty quân sự lớn của Nga. Một là tập đoàn điều hành các nhà máy đóng tàu của Nga United Shipbuilding có trụ sở tại St Petersburg, chuyên chế tạo tàu chiến, tàu ngầm hay tàu dò mìn.

Hai là Concern Morinformsystem-Agat, một nhà sản xuất radar và các hệ thống điện tử quốc phòng công nghệ cao. Trong giai đoạn 2016 - 2020, hai công ty này đã mua thiết bị trị giá hơn 41 triệu USD từ Extreme. 

Việc một công ty quân sự của Nga tiếp tục mua phần cứng máy tính của Mỹ là ví dụ điển hình về việc các nước phương Tây có thể đã kỳ vọng quá cao vào nỗ lực nhằm "bóp nghẹt" nền kinh tế Nga bằng các lệnh cấm xuất khẩu và trừng phạt thương mại, đồng thời cũng cho thấy lĩnh vực quân sự của Nga phụ thuộc vào thiết bị công nghệ cao của Mỹ như thế nào.

Một cuộc điều tra của Reuters vào tháng 8/2022 cho thấy trong khi Mỹ và các đồng minh cấm xuất khẩu công nghệ cao sang Nga để tìm cách làm tê liệt ngành công nghiệp quốc phòng của Moskva, và nhiều công ty công nghệ thông báo rằng họ đã ngừng xuất khẩu sang Nga, thì dòng chảy của các bộ phận máy tính thương hiệu phương Tây đối với khách hàng Nga vẫn chưa bị chặn lại.

Reuters nhấn mạnh rằng các công ty Nga, bao gồm cả các công ty trong lĩnh vực quân sự, có ít lựa chọn ngoài việc mua thiết bị nước ngoài để xây dựng các mạng máy tính cần thiết cho hoạt động kinh doanh thời hiện đại do Nga sản xuất thiết bị mạng trong nước rất hạn chế.

Công Thuận/Báo Tin tức
Mỹ: Nga vẫn thu được lợi nhuận với mức giá trần 60 USD/thùng dầu
Mỹ: Nga vẫn thu được lợi nhuận với mức giá trần 60 USD/thùng dầu

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen ngày 12/10 cho biết, giới hạn giá 60 USD/thùng áp lên dầu xuất khẩu của Nga có thể đủ để làm giảm doanh thu từ ngành năng lượng của Moskva, trong khi vẫn cho phép hoạt động sản xuất dầu có lãi.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN