Có gì trong gói viện trợ mới mà Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ vừa 'mang' đến Kiev

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã bất ngờ thăm Kiev cùng cam kết hỗ trợ lâu dài từ Mỹ trong bối cảnh xuất hiện nhiều lo ngại về việc Ukraine bị đồng minh lãng quên.

Chú thích ảnh
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky gặp gỡ Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin ở Kiev. Ảnh: Văn phòng Báo chí Tổng thống Ukraine/AP

Theo hãng tin Reuters, Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin đã công bố khoản viện trợ quân sự mới trị giá 100 triệu USD cho Ukraine trong chuyến thăm không báo trước tới Kiev ngày 20/11, đồng thời cam kết hỗ trợ lâu dài cho Ukraine trong bối cảnh xuất hiện lo ngại ngày càng tăng về tính bền vững của những hỗ trợ quan trọng từ Washington.

Ông Austin công bố gói viện trợ sau một ngày họp với các quan chức Ukraine. Đây là gói viện trợ quân sự thứ 51 được cung cấp từ kho của Lầu Năm Góc - bao gồm một Hệ thống tên lửa phóng loạt cơ động cao (HIMARS) và đạn dược bổ sung; đạn pháo 155mm; tên lửa phòng không vác vai Stinger; tên lửa chống tăng TOW. Ngoài ra, gói mới còn bao gồm các thiết bị hoạt động trong thời tiết lạnh, các loại đạn dược phá hủy để dọn chướng ngại vật và hơn ba triệu viên đạn vũ khí nhỏ.

Đây là chuyến thăm đầu tiên của ông Austin tới Kiev kể từ tháng 4/2022. Khi công bố gói này, lãnh đạo Lầu Năm Góc cho biết ông nhận thấy “sự ủng hộ của lưỡng đảng ở cả hai viện của Quốc hội”. “Tôi biết có những điều chúng tôi cần tiếp tục giải quyết để yêu cầu bổ sung được chấp thuận. Và chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc với Quốc hội để thực hiện điều đó. Và Quốc hội, các thành viên quốc hội của chúng tôi, có những câu hỏi xác đáng mà chúng tôi sẽ trả lời”, ông nói.

Bộ trưởng Austin cũng nhấn mạnh với Tổng thống Zelensky sau chuyến tàu đêm từ Ba Lan đến Ukraine: “Thông điệp mà tôi mang đến cho ông hôm nay, thưa Tổng thống, là Hợp chúng quốc Hoa Kỳ luôn ở bên ông. Chúng tôi sẽ còn ở lại bên ông trong thời gian dài”.

Về phần mình, nhà lãnh đạo Ukraine, Zelensky nói với Austin rằng chuyến thăm của ông là "một tín hiệu rất quan trọng" đối với Ukraine. “Chúng tôi tin tưởng vào sự hỗ trợ của các ông”, ông Zelensky nói.

Cho đến nay, Mỹ đã cung cấp hơn 44 tỷ USD hỗ trợ an ninh cho Ukraine kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự tại nước này vào tháng 2/2022.

“Tôi nghĩ họ đã sẵn sàng chiến đấu vào mùa đông”, Bộ trưởng Austin nói với các phóng viên sau cuộc gặp. Ông cho biết thêm: “Họ đã làm rất tốt vào năm ngoái. Năm nay, chúng tôi kỳ vọng họ sẽ làm như vậy, dựa trên những gì Tổng thống Zelensky đã nói, họ thậm chí còn quyết liệt hơn”.

Chuyến đi diễn ra trong bối cảnh chia rẽ ngày càng tăng về viện trợ cho Ukraine tại Đồi Capitol, khi chỉ còn một năm nữa là nước Mỹ sẽ xác định chủ nhân mới của Nhà Trắng. Một số nhà lập pháp Mỹ đang ưu tiên viện trợ cho Israel ngay cả khi các quan chức quốc phòng Mỹ nhấn mạnh rằng Washington có thể hỗ trợ đồng thời cả hai đồng minh.

Trong một tuyên bố cùng ngày 20/11, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã kêu gọi các nhà lập pháp phê duyệt thêm viện trợ. Ông Blinken nói: “Điều quan trọng là Quốc hội phải hành động để hỗ trợ Ukraine bằng cách thông qua yêu cầu tài trợ bổ sung của Tổng thống”. "Giúp Ukraine tự vệ... giúp ngăn chặn xung đột lớn hơn trong khu vực và ngăn chặn sự xâm lược trong tương lai, điều này giúp tất cả chúng ta an toàn hơn”, ông Blinken phát biểu.

Trong khi đó, một số quan chức hàng đầu của Ukraine đã bày tỏ lo ngại rằng việc cung cấp viện trợ quân sự có thể trở nên ít thường xuyên hơn, phản ánh tranh luận ngày càng lớn về mức độ hỗ trợ cần thiết cho Kiev để duy trì cuộc chiến chống lại Nga. Ngân sách Ukraine trong năm tới thâm hụt hơn 40 tỷ USD và cần phải bù đắp.

Hồi tháng 10, Tổng thống Joe Biden đã yêu cầu Quốc hội phê duyệt thêm nguồn tài chính cho Ukraine. Tuy nhiên, sau cuộc bỏ phiếu ngày 15/11, Thượng viện đã thông qua dự luật chi tiêu mới mà không có khoản tài chính dành cho Ukraine và một ngày sau, Tổng thống Biden đã ký phê chuẩn dự luật. Diễn biến này càng làm dấy lên mối lo ngại rằng nguồn tài trợ cho Ukraine có thể không bao giờ đạt được, đặc biệt là khi dự luật được thông qua chỉ bao gồm khoản hỗ trợ cho Israel chứ không phải cho Ukraine.

Nhiều tiếng nói trong Đảng Cộng hòa đã phản đối việc gửi thêm viện trợ cho Ukraine. Phe phản đối viện trợ cho rằng tiền của người nộp thuế ở Mỹ nên được chi tiêu ở trong nước, nhưng đa số đảng viên Cộng hòa và Dân chủ tại Quốc hội vẫn ủng hộ viện trợ cho chính phủ của Tổng thống Zelensky.

Các quan chức quốc phòng cấp cao Mỹ đã nhấn mạnh tính chất quan trọng của chuyến thăm Kiev của Bộ trưởng Austin và thông điệp mà nó gửi đi rằng Mỹ sẽ tiếp tục hỗ trợ Ukraine bất chấp những thách thức khác, đặc biệt là ở Trung Đông với cuộc chiến của Israel chống lại Hamas. Bất chấp nguồn tài trợ của Mỹ dành cho viện trợ cho Ukraine đang cạn, quan chức này cho biết “một số năng lực” - đã được mua sắm trong một năm rưỡi qua - sẽ bắt đầu được đưa vào sử dụng trong vài tháng tới và “trong suốt năm 2024”. Quan chức này nói thêm: “Vì vậy, sẽ có nguồn cung cấp năng lực ổn định ngay lập tức và trong một thời gian dài”.

Vị quan chức trên cũng cho biết họ dự đoán Nga sẽ nhắm mục tiêu vào cơ sở hạ tầng quan trọng trong những tháng mùa đông như năm ngoái. “Họ đã làm điều đó vào mùa đông năm ngoái. Trên thực tế, chúng tôi đã chứng kiến một số cuộc tấn công trong vài ngày qua. Nhưng chúng tôi đang trên đà cung cấp một lượng pháo, đạn dược và hỏa lực tầm xa ổn định trong suốt những tháng này. Chúng tôi có thể làm cả hai việc cùng một lúc.”

Nga hiện kiểm soát gần 1/5 lãnh thổ Ukraine. Phương Tây đã gửi nhiều thiết bị quân sự và Ukraine mở cuộc phản công từ tháng 6 năm nay nhằm giành lại quyền kiểm soát các vùng lãnh thổ, nhưng vẫn chưa đạt được bước đột phá lớn.

Thu Hằng/Báo Tin tức (Theo Reuters, CNN)
Tác chiến điện tử trong xung đột Nga - Ukraine
Tác chiến điện tử trong xung đột Nga - Ukraine

Đã có nhiều máy bay không người lái rơi trên tiền tuyến của Ukraine mà không thể lý giải nguyên nhân.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN