Căn cứ bé nhỏ giữ vai trò quan trọng trong chiến lược Syria của Mỹ

Căn cứ quân sự Al Tanf của Mỹ, lần đầu mở cửa cho báo giới hôm 22/10, nằm giữa sa mạc rộng lớn của Syria giáp biên giới Jordan, đường không vỉa hè còn tường thì găm đầy vết đạn. 

Chú thích ảnh
Một nhóm đối lập Syria được Lực lượng đặc nhiệm Mỹ huấn luyện tại Al Tanf ngày 22/10. Ảnh: AP 

Al Tanf được thiết lập để trợ giúp các lực lượng địa phương tiêu diệt tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Tuy nhiên, sau khi IS suy tàn, căn cứ được Washington giấu kín này hiện trở thành một bức tường thành quan trọng trong nỗ lực của Mỹ nhằm ngăn cản Iran mở rộng phạm vi ảnh hưởng tại Trung Đông.

Phóng viên kênh NBC News cùng với Tướng Joseph Votel, Chỉ huy lực lượng Mỹ tại Trung Đông, đã tham quan căn cứ Al Tanf. “Chúng tôi không có sứ mệnh chống Iran tại đây. Chúng tôi có sứ mệnh đánh bại IS”, Tướng Votel nói, “Song tôi nhận thấy rằng sự hiện diện của chúng tôi, sự phát triển các đối tác và quan hệ của chúng tôi tại đây có một ảnh hưởng gián tiếp đến các hoạt động của Iran…”.

Chú thích ảnh
Tướng Joseph Votel phát biểu tại căn cứ Al Tanf. Ảnh: NBC News

Lực lượng Mỹ đã sử dụng tiền đồn xa xôi này để đào tạo các chiến binh nổi dậy Syria, được biết đến dưới tên gọi Maghawir al Thawra hay MaT, tiền thân là Quân đội Syria Tự do (FSA).

MaT có khoảng 300 chiến binh làm nhiệm vụ tuần tra bên ngoài Al Tanf như một phần trong nỗ lực xóa sạch khủng bố IS. Khu này là nơi sinh sống của gần 100.000 dân bao gồm người Bedouin và người tị nạn trong trại Rukban. 

Căn cứ nằm dọc theo một tuyến đường huyết mạch trải dài từ Tehran đến Baghdad và Damascus. Đường cao tốc Baghdad-Damascus từng là một đại lộ tấp nập những kẻ buôn lậu hàng cấm, trong đó có vũ khí. Vùng đất này đã chịu thiệt hại nghiêm trọng kể từ khi bị IS kiểm soát. 

Tuy nhiên, từ năm 2015, căn cứ Al Tanf đã trở thành một đồn điền chiến lược trong cuộc chiến chống IS. Các lực lượng Mỹ, với sự trợ giúp của các chiến binh đối lập Syria, đã quét sạch khủng bố khỏi khu vực trải dài 56 km từ biên giới Jordan – được biết đến là một “vùng giảm xung đột”. 

"Những gì chúng tôi có thể làm là đảm bảo rằng khu vực này, vùng giảm xung đột mà chúng tôi có xung quanh Al Tanf, không để IS tự do di chuyển", ông Votel nói, "Chúng không an toàn ở đây. Chúng không thể hoạt động ở đây. Chắc chắn một số phần tử cố gắng đi qua đây và tôi nghĩ chúng tôi đã rất thành công trong việc ngăn cản chúng”.

Chú thích ảnh
Một trực thăng quân sự tại căn cứ Al Tanf. Ảnh: NBC News

Theo Mỹ, vị trí của Al Tanf cũng đóng vai trò trung tâm trong việc ngăn chặn người Iran đạt được chỗ đứng vững chắc hơn trong khu vực. Căn cứ nằm ngay giữa trung tâm của thứ Iran hy vọng sẽ trở thành một phần của “Lưỡi liềm Shiite” - một cây cầu nối Iran qua Iraq và Syria tới Liban.

Như NBC News đưa tin hồi đầu tháng, chính quyền Tổng thống Donald Trump đang phát triển một chiến lược mới tại Syria, chú trọng vào việc đẩy quân đội Iran ra khỏi đất nước này. Kế hoạch này nhấn mạnh các nỗ lực ngoại giao và chính trị để siết chặt Iran về mặt tài chính.

Tổng thống Donald Trump hôm 25/9 đã tấn công Iran trong một bài phát biểu gay gắt tại Đại hội đồng Liên hợp quốc. Ông Trump lặp lại lời chỉ trích về thỏa thuận hạt nhân 2015, cáo buộc các nhà lãnh đạo Iran ủng hộ khủng bố, tham nhũng và gieo rắc hỗn loạn ở Trung Đông. Ông cam kết áp đặt nhiều biện pháp trừng phạt kinh tế hơn đối với Iran và kêu gọi cộng đồng quốc tế cô lập nước cộng hoà Hồi giáo.

Hoàng Trang/Báo Tin tức
Hé lộ nguyên nhân vụ tai nạn đường sắt nghiêm trọng ở Đài Loan, Trung Quốc
Hé lộ nguyên nhân vụ tai nạn đường sắt nghiêm trọng ở Đài Loan, Trung Quốc

Ngày 23/10, một tòa án Đài Loan (Trung Quốc) cho biết trong vụ tai nạn đường sắt nghiêm trọng hôm 21/10 khiến hơn 200 người thương vong, đoàn tàu đã tăng tốc khi trật khỏi đường ray và lái tàu có thể đã "sơ suất" tắt hệ thống điều khiển tốc độ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN