Bài học từ Ukraine: Đạn pháo kiểu cũ đang được nâng cấp trở thành vũ khí công nghệ cao

Các công ty vũ khí đang tăng cường tầm bắn, độ chính xác và khả năng sát thương của đạn pháo chủ lực trên chiến trường, điều từng hầu như không thay đổi trong nhiều thập kỷ.

Chú thích ảnh
Một quả đạn pháo với công nghệ ramjet được bắn thử nghiệm tại một trường bắn ở Na Uy. Ảnh: NAMMO

Theo tờ Wall Street Journal (Mỹ), tại một nhà máy ở vùng nông thôn Na Uy, các kỹ sư đang cải tiến một loại đạn pháo mà họ cho rằng sẽ có tầm bắn xa hơn nhiều lần so với các loại đạn pháo truyền thống hiện đang được sử dụng trên chiến trường ở Ukraine.

Công việc này là một phần trong xu hướng rộng lớn hơn của các công ty vũ khí nhằm tăng tầm bắn, độ chính xác và khả năng sát thương của đạn pháo vốn hầu như không thay đổi trong nhiều thập kỷ.

Những tiến bộ công nghệ, mang lại cho một số loại đạn pháo khả năng tương tự như tên lửa nhưng với chi phí thấp hơn và thời gian sản xuất nhanh hơn, hứa hẹn một sự thay đổi đáng kể đối với pháo binh vì nó đóng vai trò lớn nhất kể từ Chiến tranh Việt Nam.

Một số loại đạn pháo hiện đại, bao gồm cả loại dẫn đường tới mục tiêu bằng định vị vệ tinh và loại khác được đẩy bằng động cơ tên lửa cỡ nhỏ, đã được triển khai ở Ukraine và Israel. Rõ ràng là mục tiêu tiếp theo của các nhà sản xuất vũ khí, ví dụ như BAE Systems và General Dynamics, là chế tạo những quả đạn pháo có tấm bắn xa hơn đồng thời đẩy nhanh tốc độ sản xuất để thay thế lượng hàng tồn kho đang giảm dần.

Công ty quốc phòng Nammo có trụ sở tại Na Uy, hợp tác với Boeing, đang thử nghiệm đạn pháo ở Raufoss sử dụng cái gọi là động cơ ramjet mà hãng cho biết có thể tăng tầm bắn của chúng lên tới khoảng 140 km. Pháo nòng tiêu chuẩn có tầm bắn khoảng 25km với đạn thông thường và pháo tầm xa hơn chỉ khoảng 50 km.

Øyvind Lien, Giám đốc chương trình động cơ đẩy chiến thuật tiên tiến tại Nammo cho biết: “Đây là yếu tố thay đổi cuộc chơi. Chúng ta đang bắn tên lửa bằng pháo”. Nammo và Boeing cho biết cuộc thử nghiệm ở Arizona vào tháng trước đã lập kỷ lục khoảng cách mới nhưng không tiết lộ quả đạn được bắn bao xa.

Nammo đã nghiên cứu đạn pháo với công nghệ ramjet từ năm 2018 và dự án sẽ chưa sẵn sàng để sản xuất hàng loạt trong 3 năm nữa. Camilla Kirkemo Alm, kỹ sư phát triển cấp cao tại Nammo cho biết, một thách thức của quá trình đẩy (đầu đạn) là đảm bảo rằng bất kỳ thành phần mới nào bên trong lớp vỏ đạn đều có thể chịu được lực cực lớn do súng bắn ra.

BAE Systems cũng đang nghiên cứu các loại đạn pháo mới mà họ cho biết đã lập kỷ lục về khoảng cách, một phần nhờ kích thước nhỏ hơn.

Công ty quốc phòng lớn nhất châu Âu hiện sử dụng loại đạn pháo có kích thước chỉ bằng một nửa cỡ nòng 155 mm thông thường được sử dụng bởi các loại pháo tiêu chuẩn của phương Tây. Để bắn loại đạn mới ra khỏi nòng tiêu chuẩn, BAE đã bọc nó bằng một lớp vỏ kim loại nhẹ có thể rơi ra ngay khi đạn rời khỏi nòng. Thông thường, vỏ càng nhỏ thì nó sẽ di chuyển càng xa.

Jim Miller, Phó Chủ tịch phụ trách bộ phận về phát triển kinh doanh tại BAE, cho biết: “Theo truyền thống, nếu muốn quả đạn bắn xa hơn, chỉ cần tăng cỡ nòng hoặc tăng lượng thuốc phóng, và các quân đội vẫn chưa thực sự từ bỏ thiết kế đạn cơ bản tương tự được sử dụng kể từ khi kết thúc Thế chiến thứ hai”.

Ông Miller, cựu sĩ quan pháo binh Mỹ, chia sẻ thêm mục tiêu của BAE là tăng gấp đôi tầm bắn của một loại pháo nòng dài, được gọi là pháo cỡ nòng 52. Năm ngoái công ty đã thử nghiệm bắn một phiên bản đạn pháo mới với khoảng cách đạt được tầm 110 km và đang nỗ lực tăng tầm bắn hơn nữa.

Chú thích ảnh
Các nhà sản xuất đạn dược cũng đang nỗ lực hiện đại hóa đạn pháo theo những cách khác nhau. Ảnh: UNIAN

Việc tầm bắn xa hơn đã trở nên đặc biệt quan trọng trong cuộc xung đột ở Ukraine. Việc sử dụng rộng rãi máy bay không người lái có nghĩa là rất dễ phát hiện pháo binh và sau đó nhắm mục tiêu vào nó. Các bệ pháo càng ở xa thì khả năng nó nằm ngoài tầm bắn của máy bay không người lái và phản công càng cao.

Ông Miller nói: “Phạm vi/tầm bắn đang trở nên quan trọng đối với sự sinh tồn đơn giản”.

Các nhà sản xuất đạn dược cũng đang nỗ lực hiện đại hóa đạn pháo theo những cách khác. Nammo đang phát triển loại đạn pháo bắn từ xe tăng nơi người điều khiển có thể quyết định chế độ nổ. Ví dụ, quả đạn có thể được lập trình để phát nổ trên không phía trên mục tiêu hoặc xuyên thủng lớp giáp của mục tiêu. Các công ty khác đang khám phá khả năng có thể điều chỉnh lượng đầu đạn của quả đạn phát nổ vào mục tiêu để có thể giảm thiệt hại phụ.

Bên cạnh đó, nhiều công ty khác đang nỗ lực tăng năng lực sản xuất cũng như đẩy nhanh tốc độ sản xuất trong bối cảnh nhu cầu cao hơn từ Ukraine và gần đây là Israel. Sự thiếu hụt đạn pháo ở Mỹ và châu Âu đồng nghĩa với việc Ukraine buộc phải hạn chế sử dụng chúng ở một số thời điểm trong quá trình phòng thủ trước Nga.

Theo Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, cả Mỹ và châu Âu đều sản xuất khoảng 300.000 quả đạn pháo vào năm ngoái. EU tin rằng các nhà sản xuất của họ có thể tăng số lượng lên 1 triệu quả đạn pháo vào năm tới và Mỹ đang hướng tới mức 1,2 triệu.

Công Thuận/Báo Tin tức
Jordan tăng cường binh lực dọc biên giới, gửi 'cảnh báo đỏ' tới Israel
Jordan tăng cường binh lực dọc biên giới, gửi 'cảnh báo đỏ' tới Israel

Quân đội Jordan đã tăng cường lực lượng dọc biên giới với Israel và vạch ra ranh giới đỏ với quốc gia láng giềng Do Thái.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN