5 lý do hệ thống phòng thủ tên lửa Mỹ khiến Nga "nóng mắt"

Mặc dù Mỹ tuyên bố rằng hệ thống phòng thủ tên lửa mà Washington thiết lập ở châu Âu không hề đe dọa đến an ninh Nga nhưng Moskva lại nhận thấy có rất nhiều minh chứng cho điều ngược lại.

Hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ ở Deveselu, cách thủ đô Bucharest của Romania 180km về phía nam. Ảnh: EPA/ TTXVN

Hôm 12/5 vừa qua, hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ tại Romania đã chính thức đi vào hoạt động. Các quan chức Mỹ tuyên bố rằng hệ thống phòng thủ được đặt tại Deveselu ở miền Nam Romania này sẽ giúp bảo vệ các thành viên NATO khỏi mối hiểm họa tên lửa tầm ngắn và tầm trung từ Trung Đông. Nhưng Nga khẳng định rằng hệ thống phòng thủ tên lửa tại Romania là thách thức nhắm tới "sát cửa ngõ" của Nga.

Hệ thống phòng thủ tên lửa tại Romania được bắt đầu xây dựng từ tháng 10/2013 và tiêu tốn khoảng 800 triệu USD. Một hệ thống phòng thủ tên lửa khác đang trong quá trình thi công tại Ba Lan và sẽ đi vào hoạt động từ cuối năm 2018 và tọa lạc ở địa điểm cách Kaliningrad (Nga) 250km.

Hệ thống phòng thủ tên lửa tại châu Âu có thể cải biến để phóng Tomahawks

Quân đội Mỹ sẽ tận dụng hệ thống phóng tên lửa thẳng đứng Mk 41 để phóng tên lửa đánh chặn Standard Missile 3. Điểm đặc biệt ở chỗ đây cũng chính là hệ thống phóng được Hải quân Mỹ sử dụng cho tên lửa hành trình Tomahawk.

Do vậy các chuyên gia quốc phòng Nga tin rằng hệ thống phóng tên lửa đánh chặn ở Romania và Ba Lan hoàn toàn có thể bị bí mật chuyển đổi để phóng tên lửa hành trình Tomahawk nhắm vào Nga.

Mỹ bị cấm triển khai tên lửa Tomahawk tại châu Âu chiểu theo Hiệp ước Tên lửa tầm trung (INF) mà đại diện Moskva và Washington đã đặt bút ký năm 1987.

Hệ thống phòng thủ tên lửa sẽ kiểm soát không phận của Nga


Để phóng các tên lửa đánh chặn, Mỹ đã trang bị các trạm radar đáng gờm tại châu Âu. Chúng hoàn toàn có khả năng giám sát khu vực không phận rộng lớn của Nga. Quân đội Nga hoàn toàn không đồng tình với điều này đồng thời nhận định rằng nhờ các trạm radar hiện đại mới NATO đã có thêm trong tay phương tiện do thám Nga.

Giảm tiềm lực của Nga trong xung đột quy mô nhỏ

Mặc dù Mỹ hoàn toàn đúng khi nêu rõ rằng một vài hệ thống phòng thủ tên lửa ở châu Âu sẽ không thể ngăn chặn cuộc tấn công bằng tên lửa chiến lược quy mô lớn của Nga trong trường hợp xảy ra trên thực tế thì trong trường hợp giả định xung đột ở quy mô nhỏ, năng lực triển khai chiến đấu cơ và tên lửa chiến lược của Nga sẽ bị suy yếu đáng kể.

Việc triển khai tên lửa cho hệ thống phòng thủ của Mỹ vi phạm hiệp ước

Mỹ đã triển khai vài tên lửa Hera, LRALT và MRT để làm mục tiêu trong các cuộc thử nghiệm công nghệ phòng thủ tên lửa của nước này. Nga tin rằng những tên lửa này hoàn toàn vi phạm tinh thần của hiệp ước INF.

Mỹ từ chối gợi ý của Nga

Trong thập kỷ qua Nga đã gợi ý nhiều phương án có thể giảm căng thẳng trong việc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ ở châu Âu. Trong đó có việc tạo điều kiện để Nga tiến hành điều tra kỹ thuật nhằm đảm bảo rằng không có sự trá hình xảy ra tại các cơ sở phòng thủ tên lửa ở châu Âu.

Nga đồng thời cũng gợi ý về một hiệp ước mới hợp pháp hóa yêu cầu Mỹ không lợi dụng hệ thống phòng thủ tên lửa để chống lại Nga. Nhưng Washington lại thẳng thừng từ chối điều này đồng thời cho rằng đảm bảo bằng lời là hoàn toàn đủ.

Hà Linh (Theo RT, Reuters)
NATO được phép kích hoạt lá chắn tên lửa ở Romania
NATO được phép kích hoạt lá chắn tên lửa ở Romania

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg thông báo hệ thống phòng thủ tên lửa AEGIS Ashore của Mỹ đặt tại Romania đã được phê chuẩn để tiến hành các hoạt động.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN