11:02 12/11/2014

Quản lý tập trung vốn nhà nước

Ngày 11/11, khi thảo luận ở hội trường về dự thảo Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh, một trong những vấn đề được đại biểu Quốc hội quan tâm nhất là việc quản lý tiền vốn trong doanh nghiệp nhà nước (DNNN).

Ngày 11/11, khi thảo luận ở hội trường về dự thảo Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh, một trong những vấn đề được đại biểu Quốc hội quan tâm nhất là việc quản lý tiền vốn trong doanh nghiệp nhà nước (DNNN).

Đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh Trần Hoàng Ngân phát biểu ý kiến. Ảnh: Phạm Kiên - TTXVN



Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP Hồ Chí Minh) cho biết: “Hơn 1 triệu tỷ đồng, phần vốn nhà nước nằm ở DNNN đang bị rải rác, phân tán ở nhiều bộ, ban, ngành, địa phương, dẫn đến sử dụng vốn không hiệu quả, có nơi thừa vốn, gửi ngân hàng với lãi suất thấp, chỗ thiếu vốn thì đi vay với lãi suất cao. Do đó, cần cơ quan chuyên môn quản lý số vốn này và chịu trách nhiệm trước 90 triệu cổ đông là 90 triệu người dân. Quốc hội là cơ quan đại diện của cổ đông, giám sát việc quản lý, sử dụng đồng vốn này”.

Đại biểu Phạm Huy Hùng (Hà Nội) đề nghị: “Thành lập Tổng cục Quản lý vốn Nhà nước, một mô hình tương tự như mô hình của Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) hiện nay đang làm chủ đại diện của Chính phủ Việt Nam tại các DN mà Chính phủ góp vốn”. (SCIC có quyền đầu tư tài chính và kinh doanh vốn, mua hoặc bán vốn của Chính phủ tại các DNNN được cổ phần hóa).

Cùng quan điểm này, đại biểu Đỗ Văn Vẻ (Thái Bình) cho rằng: “Mô hình này sẽ bảo đảm công khai, minh bạch trong đánh giá hiệu quả sử dụng vốn Nhà nước của DN, tăng cường trách nhiệm của cá nhân, tổ chức đối với việc đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại DN”.

Một số ý kiến đề nghị tăng cường vai trò của Quốc hội đối với việc giám sát toàn bộ vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại DN; đề nghị làm rõ thẩm quyền của Quốc hội trong việc bố trí nguồn ngân sách nhà nước tại các DN định kỳ hằng năm; đề nghị làm rõ thẩm quyền của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với phần vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại DN.

Theo chương trình của Quốc hội, dự thảo Luật Quản lý sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại DN sẽ được thông qua vào kỳ họp này. Đa số các đại biểu đều đồng tình thông qua, đồng thời cho rằng không nên trì hoãn việc thông qua này, để làm cơ sở cho các DNNN tiến hành cổ phần hóa.

Hữu Vinh