01:11 19/01/2012

Quản lý khai thác khoáng sản tại Bà Rịa – Vũng Tàu: Yếu khâu hậu kiểm

Tại phiên họp Hội đồng nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu diễn ra vừa qua, nhiều ý kiến đã thẳng thắn phê bình sự thiếu trách nhiệm quản lý nhà nước của Sở Tài nguyên - Môi trường đối với hoạt động khai thác khoáng sản...

Tại phiên họp Hội đồng nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu diễn ra vừa qua, nhiều ý kiến đã thẳng thắn phê bình sự thiếu trách nhiệm quản lý nhà nước của Sở Tài nguyên - Môi trường đối với hoạt động khai thác khoáng sản, dẫn đến rất nhiều hệ lụy cho đời sống người dân các khu vực có các mỏ khai thác khoáng sản hoạt động.

Hậu quả khôn lường

Qua khảo sát cho thấy, hầu hết các mỏ sau khi khai thác đều không thực hiện phục hồi cảnh quan môi trường theo đúng qui định. Khu vực các mỏ đã khai thác không có hàng rào ngăn cản. Trong khi sau khai thác các mỏ đều để lại những hố sâu có thể gây chết người, có nơi sâu tới 2 - 3 m do doanh nghiệp khai thác quá độ sâu cho phép. Khảo sát này cũng cho biết, trong số 28 trẻ em chết đuối trên địa bàn tỉnh 9 tháng đầu năm 2011, có 4 trẻ chết trong các hố khai thác đá có chứa nhiều nước. Chưa kể những tai nạn lao động xảy ra tại các mỏ, hay những hệ lụy khác mà hoạt động khai thác khoáng sản gây ra như: Phá vỡ cảnh quan môi trường; Bụi quá nhiều gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân; Vận chuyển phá hư hỏng đường xá, gây tai nạn giao thông...

Lực lượng xe máy của Tổng công ty Xây dựng Lũng Lô - Bộ Quốc phòng thi công san gạt mặt bằng công trình, phấn đấu hoàn thành hạng mục này trong quí I/2011. Ảnh: Ngọc Hà - TTXVN


Ông Lê Văn Sâm - Giám đốc Sở Tài nguyên – Môi trường thừa nhận: “Công tác hậu kiểm đúng là một điểm yếu trong lĩnh vực quản lý nhà nước của Sở Tài nguyên – Môi trường tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu hiện nay”.

Đổ lỗi... nhiệm kỳ!

Theo ông Sâm, thực tế, toàn bộ các mỏ đá được cấp phép đều có báo cáo đánh giá tác động môi trường, dự án cải tạo phục hồi môi trường sau khai thác cũng đã được phê duyệt và các doanh nghiệp đã ký quỹ phục hồi môi trường hàng năm theo đúng qui định của Luật Bảo vệ môi trường. Các dự án cải tạo phục hồi môi trường sau khai thác cũng đều bám theo định hướng qui hoạch của tỉnh, tức là sau khai thác, các khu vực này phải làm mặt bằng xây dựng, trồng cây bảo vệ môi trường, tạo hồ để chứa nước cải thiện môi trường. Sau khi kết thúc khai thác, các doanh nghiệp phải có trách nhiệm đóng cửa mỏ, cải tạo phục hồi môi trường theo đúng báo cáo đánh giá tác động môi trường và dự án cải tạo phục hồi môi trường đã được duyệt. Tuy nhiên, hiện nay, các mỏ đều đang trong quá trình khai thác nên các doanh nghiệp chưa phải thực hiện việc cải tạo phục hồi môi trường sau khai thác.

Cũng theo ông Sâm, câu chuyện “Vì sao khai thác khoáng sản ảnh hưởng đến môi trường cảnh quan” là do “xuất phát từ nhu cầu phát triển hạ tầng giao thông, phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Một nguyên nhân mà ông Sâm bảo vệ đến cùng đó là do “tuổi đời khai thác của mỏ đá quá dài so với nhiệm kỳ của một giám đốc”. Ông Sâm nhấn mạnh: “Về trách nhiệm, 5 năm nữa tôi hết thời gian, tôi cũng nghỉ. Nếu mỏ còn thời gian khai thác 4 năm (2015), thời điểm đó tôi còn làm giám đốc, tôi xin hứa sẽ thực hiệm nghiêm chỉnh đánh giá tác động môi trường...”.

Nhằm quản lý chặt chẽ về khoáng sản và hoạt động khoáng sản, năm 2012, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản (Bộ Tài nguyên và Môi trường) sẽ tăng cường chú trọng công tác hậu kiểm sau khi cấp phép hoạt động khoáng sản. Qua đó, Tổng cục sẽ kiên quyết xử lý và kiến nghị xử lý đối với những địa phương và tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp có hành vi cố tình vi phạm pháp luật về khoáng sản.

Theo nhận xét của Tổng cục Trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Nguyễn Văn Thuấn, qua kiểm tra hoạt động khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng tại 34 tỉnh, thành phố, các đoàn kiểm tra liên bộ đã phát hiện tới 120 giấy phép hoạt động khoáng sản vi phạm, trong đó số lượng giấy phép đề nghị phải thu hồi rất lớn. Nhưng hiện nay Tổng cục mới nhận được báo cáo của 14 tỉnh và thành phố về vấn đề này.

Trong năm 2012, Bộ Tài nguyên và Môi trường mở rộng công tác điều tra cơ bản địa chất về tài nguyên khoáng sản, đặc biệt là tài nguyên khoáng sản biển, điều tra môi trường địa chất và tai biến địa chất. Bộ tập trung thực hiện các đề án như thăm dò quặng urani khu Pà Lừa - Pà Rồng tại huyện Nam Giang - Quảng Nam; điều tra, đánh giá tổng thể tài nguyên than phần đất liền, bể sông Hồng; điều tra, đánh giá tổng thể quặng bauxit, quặng sắt laterit miền Nam Việt Nam; đánh giá tiềm năng tài nguyên urani Việt Nam; điều tra, đánh giá và phân vùng cảnh báo nguy cơ thảm họa sạt lở đất đá ở các vùng núi.

Thành Hiển