03:09 18/03/2011

Quản lý giá thuốc bằng chương trình bình ổn

Trong tuần qua, trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM), không chỉ thuốc ngoại tăng giá mà thuốc nội cũng được nâng giá bán lẻ lên từ 5 - 20%, thậm chí nhiều loại thuốc còn tăng hơn 100%.

Trong tuần qua, trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM), không chỉ thuốc ngoại tăng giá mà thuốc nội cũng được nâng giá bán lẻ lên từ 5 - 20%, thậm chí nhiều loại thuốc còn tăng hơn 100%. Để có thể chia sẻ một phần khó khăn cho người bệnh, dự kiến trong tháng 4, thành phố sẽ đưa thuốc tân dược vào nhóm hàng bình ổn.

“Nội” tăng nhiều hơn “ngoại”

Theo ghi nhận của phóng viên, tại trung tâm bán sỉ dược lớn nhất TP.HCM (đường 3-2, quận 10), mặt hàng thuốc kháng sinh tăng bình quân khoảng 10% đối với các loại thuốc như: Clorocid 400mg, Cefalexin 500mg, Amoxicilin 500mg. Các loại thuốc điều trị huyết áp như Furosemid tăng 10%, Exfort (Pháp) tăng từ 540.000 đồng lên 590.000 đồng một hộp 28 viên.

Riêng tại các cửa hàng kinh doanh dược lẻ tại thành phố, giá của một số loại thuốc nội tăng gấp đôi. Cụ thể như: Một lọ thuốc Cadef của Công ty Dược phẩm Trapharco trước đây chỉ có 19.000 đồng/hộp, nay lên 43.000 đồng/hộp. Hay lọ thuốc có tác dụng cắt cơn nghiện của nhà sản xuất Fataco Bến Tre, giá bán gần nhất là 1.580.000 đồng/lọ, thì nay đã lên 2.915.000 đồng/lọ.

Loại thuốc thông thường trị viêm xoang như Nasalis (Công ty CP dược phẩm Phong Phú) cũng tăng từ 33.000 đồng/lọ lên 36.000 đồng/lọ. Theo các doanh nghiệp sản xuất thuốc trong nước, doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn bởi các chi phí đầu vào như điện, nước, xăng dầu, lương nhân viên... đều tăng nên họ, cần điều chỉnh giá sản phẩm.

Bình ổn giá thuốc giúp người nghèo giảm chi phí khám chữa bệnh.


Phải thừa nhận, việc điều chỉnh giá là cần thiết. Tuy nhiên, việc này phải theo nguyên tắc mà Cục Quản lý dược và cơ quan chức năng đề ra. Theo Sở Y tế TP.HCM, các bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh sử dụng khoảng 50% thuốc nội. Thế nhưng, hiện tại có khoảng 50% sản phẩm thuốc nội đã tăng giá với mức tăng chủ yếu từ 30 - 90%. Nếu giá thuốc vẫn tiếp tục tăng theo tình hình giá cả chung như hiện nay thì người bệnh thuộc các đối tượng chưa có bảo hiểm y tế, người mắc bệnh mãn tính và người thu nhập thấp sẽ gặp phải rất nhiều khó khăn.

Đưa thuốc nội vào diện bình ổn

Theo Tiến sĩ Nguyễn Mộng Hùng, Chủ tịch Hội Người tiêu dùng TP.HCM: “Giá thuốc tăng cao khiến người tiêu dùng thiệt hại rất nhiều, kéo theo chỉ số tiêu dùng tăng. Nhà nước đang tìm cách để kiềm chế lạm phát, nên đây là vấn đề đáng báo động. Không phải chỉ riêng mặt hàng thuốc mà còn nhiều mặt hàng khác nữa cũng đang tăng giá. Chính vì vậy, để đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng, thành phố nên đưa thuốc nội vào diện bình ổn giá. Đồng thời, phải tăng cường kiểm soát giá thuốc chặt chẽ, quyết liệt, mạnh tay hơn nữa”.

Bà Phạm Khánh Phong Lan, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cũng cho biết: “Dự kiến, thành phố đưa mặt hàng này vào diện bình ổn giá và sẽ dành khoảng vài chục tỷ đồng để mua dự trữ các loại thuốc thiết yếu do các công ty trong nước sản xuất. Qũy bình ổn này hướng đến những người dân bị bệnh nhưng phải tự mua thuốc. Điều này có ý nghĩa hỗ trợ rất lớn đối với người có thu nhập thấp, những người phải sử dụng thuốc nhiều”.

Trong một động thái khác, nhằm tăng cường giám sát việc kê khai giá thuốc và tiếp tục triển khai các biện pháp bình ổn thị trường thuốc, Cục Quản lý dược - Bộ Y tế vừa có công văn yêu cầu sở y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu thuốc tăng cường công tác kiểm tra, giám sát giá thuốc kê khai.

Theo đó, các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu thuốc phải rà soát và báo cáo cụ thể về giá thuốc đã kê khai, kê khai lại đang có hiệu lực; giá bán thực tế của tất cả các mặt hàng thuốc do cơ sở sản xuất, nhập khẩu. Đối với trường hợp các mặt hàng có giá đã kê khai chênh lệch nhiều so với giá bán thực tế của cơ sở, yêu cầu cơ sở giảm giá cho phù hợp.

Đan Phương