12:23 05/12/2012

Quan hệ rạn nứt với châu Âu gây nguy hiểm cho Ixraen

Tờ “Thời báo Tài chính” ngày 4/12 cho rằng các thủ tướng Ixraen thường có cảm giác tự tin, thoải mái khi đến thăm thủ đô Béclin bởi đã từ lâu, Đức là một trong số những đồng minh thân cận nhất của Ixraen, một người bạn tin cậy mà Ixraen có thể dựa vào...

Tờ “Thời báo Tài chính” ngày 4/12 cho rằng các thủ tướng Ixraen thường có cảm giác tự tin, thoải mái khi đến thăm thủ đô Béclin bởi đã từ lâu, Đức là một trong số những đồng minh thân cận nhất của Ixraen, một người bạn tin cậy mà Ixraen có thể dựa vào để có được sự ủng hộ ngoại giao mạnh mẽ ở Liên hợp quốc (LHQ) và Liên minh châu Âu (EU). Tuy nhiên, khi Thủ tướng Benjamin Netanyahu đến Béclin ngày 6/12, nhà lãnh đạo Ixraen này sẽ gặp phải một thực tế mới, đó là quan hệ giữa hai bên đã có sự rạn nứt, xa rời nhau trong vài năm qua.


 

Việc mở rộng các khu định cư Do Thái ở Bờ Tây góp phần làm gia tăng rạn nứt giữa Ixraen và EU.  Ảnh: Internet

Tuần qua đã cho thấy bằng chứng mạnh mẽ về sự rạn nứt đang tăng lên nhanh chóng trong mối quan hệ Ixraen - EU. "Cú đòn" mạnh nhất xảy ra tại LHQ hồi tuần trước khi 138/193 quốc gia bỏ phiếu ủng hộ nghị quyết nâng cấp quy chế cho Palextin thành “nhà nước quan sát viên phi thành viên”. Kết quả đó là một chiến thắng ngoại giao lịch sử cho Palextin nhưng đặc biệt, những lá phiếu của châu Âu giống như "cái tát" vào mặt ông Netanyahu. Pháp, Italia và Tây Ban Nha là ba trong số 14 nước thành viên EU đã bỏ phiếu ủng hộ nghị quyết nâng cấp quy chế cho Palextin. Đức và Hà Lan, vốn là những nước ủng hộ trung thành của Ixraen, bỏ phiếu trắng. Anh cũng bỏ phiếu trắng. Cộng hòa Séc là nước châu Âu duy nhất đứng về phe Ixraen bỏ phiếu chống. Đây có thể nói là một cú sốc đối với Ixraen bởi vì nước này đã nhận được sự ủng hộ của các nước châu Âu trong cuộc xung đột ở Dải Gaza gần đây.


"Cú đòn" tiếp theo diễn ra ngày 3/12 khi Anh, Pháp và các nước châu Âu khác triệu hồi đại sứ Ixraen để phản đối việc chính phủ Ixraen quyết định đẩy nhanh tiến độ xây dựng nhà ở trong các khu định cư Do Thái ở khu Bờ Tây do Ixraen chiếm đóng. Đức và các nước khác đã ra tuyên bố chỉ trích các biện pháp của Ixraen, làm tăng thêm ấn tượng về một phản ứng phối hợp của châu Âu.


Các nhà ngoại giao và giới phân tích cho rằng những gì đang xảy ra giữa Ixraen và châu Âu không phải là một vụ tranh cãi tạm thời giữa các đồng minh mà là kết quả của một quá trình rời xa nhau từ từ, do nguyên nhân là những thay đổi dài hạn về chính trị của cả hai bên.


Oded Eran, cựu Đại sứ Ixraen ở EU, cho rằng mầm mống của sự rạn nứt đã xuất hiện cách đây bốn năm, khi chính phủ Ixraen hiện nay lên nắm quyền và không thực sự quan tâm đến tiến trình hòa bình với người Palextin, và sự tức giận cũng như không tin tưởng lẫn nhau giữa Ixraen và EU ngày càng tăng.


Các nhà ngoại giao cho rằng, ông Netanyahu hiện nay đã đánh mất lòng tin và thiện chí của hầu hết các nhà lãnh đạo châu Âu. Cho dù ở Béclin, Brúcxen hay Luân Đôn, các nhà lãnh đạo không tin rằng nhà lãnh đạo Ixraen sẽ nghiêm túc tiến tới một thỏa thuận hòa bình với người Palextin và ngờ vực của họ càng được khẳng định mỗi khi Ixraen công bố một kế hoạch mở rộng các khu định cư Do Thái ở khu vực Bờ Tây bị chiếm đóng. Hơn thế nữa, ở hầu hết các nước châu Âu có sự ủng hộ mạnh mẽ cho sự nghiệp của người Palextin và sự gia tăng phản đối với các chính sách của Ixraen ở Bờ Tây và Dải Gaza.


Vậy Ixraen lo lắng như thế nào khi quan hệ với EU xấu đi? Câu trả lời có lẽ phụ thuộc nhiều vào Mỹ và châu Âu. Chừng nào Mỹ vẫn còn sẵn sàng bảo vệ Ixraen ở Hội đồng Bảo an LHQ thì ông Netanyahu chưa có gì phải lo ngại trước cơ quan này. Áp lực của Mỹ đối với các nhà lãnh đạo châu Âu cũng có thể đảm bảo rằng những căng thẳng trong quan hệ hiện nay chưa thể dẫn đến các biện pháp cấm vận thương mại đối với Ixraen.


Trong thời điểm này, không có dấu hiệu gì cho thấy Mỹ đang lo lắng quá mức về những rắc rối ngoại giao của Ixraen ở châu Âu. Trên thực tế, một số nhà phân tích cho rằng tình trạng căng thẳng hiện nay còn phục vụ cho lợi ích của Mỹ, bởi vì nó giúp làm tăng thêm sự phụ thuộc của Ixraen vào Mỹ và cung cấp cho chính quyền Mỹ đòn bẩy chính trị nhiều hơn đối với ông Netanyahu. Điều này cũng giúp giải thích vì sao Mỹ đã không làm gì nhiều để vận động chống lại nghị quyết của LHQ hồi tuần trước. Tuy nhiên, Yossi Alpher, cựu cố vấn chính phủ và là nhà phân tích chính trị Ixraen, cho rằng mối nguy hiểm thực sự đối với ông Netanyahu là ông sẽ ngày càng gặp khó khăn với phương Tây và với cả Mỹ.


Ngân Bình (P/v TTXVN tại Anh)