05:16 05/05/2014

Quan hệ quân sự Mỹ-Philippines: Liệu có là ‘vắt chanh bỏ vỏ’?

Mỹ và Philippines đã ký kết Thỏa thuận hợp tác quân sự tăng cường (EDCA) có thời hạn 10 năm, cho phép Mỹ hiện diện quân sự lớn hơn tại quốc gia Đông Nam Á này, trong bối cảnh tranh chấp ở Biển Đông tiềm ẩn căng thẳng.

Ngày 28/4, Mỹ và Philippines đã ký kết Thỏa thuận hợp tác quân sự tăng cường (EDCA) có thời hạn 10 năm, cho phép Mỹ hiện diện quân sự lớn hơn tại quốc gia Đông Nam Á này, trong bối cảnh tranh chấp ở Biển Đông tiềm ẩn căng thẳng.

Kiềm chế Trung Quốc

Đối với nhiều nhà phân tích chính trị, động thái này chẳng có gì làm lạ. Chính sách “xoay trục” sang châu Á chẳng qua cũng chỉ là nỗ lực của Mỹ nhằm tái khẳng định quyền lực bá chủ của mình trước một Trung Quốc đang trỗi dậy. Việc thiết lập vòng cung kiềm tỏa Trung Quốc dựa trên các liên kết, liên minh thân Mỹ từ lâu đã là trụ cột trong chính sách đối ngoại của Washington.

Tổng thống Mỹ Barack Obama (trái) và đồng cấp người Philippines Benigno Aquino III nâng ly chúc mừng tại tiệc chiêu đãi. Ảnh: AP


Ngay từ năm 1997, các nhà hoạch định chính sách Mỹ đã bắt đầu lên tiếng về chuỗi các biện pháp kiềm tỏa một Trung Quốc đang vươn mình. Những người này mong muốn “thay đổi Trung Quốc”, qua các thủ đoạn chính trị như kích động bạo loạn, chống đối, hỗ trợ các phong trào ly khai tự trị; cùng với đó là thiết lập vòng cung quân sự để răn đe. Thỏa thuận EDCA này có thể tạo ra một điểm tựa mới của Mỹ ở Thái Bình Dương, là một phần trong ý định bao vây Trung Quốc.

Để hiểu hơn về chiến lược này, cần phải đọc lại bản báo cáo dài 36 trang do Viện Nghiên cứu Chiến lược trực thuộc Đại học Chiến tranh Hoa Kì công bố hồi năm 2006 có tiêu đề: “Chuỗi đảo Ngọc trai: Giải đáp thách thức của quyền lực Trung Quốc đang trỗi dậy ở khắp vùng biển châu Á”. Báo cáo đã điểm lại bối cảnh địa chính trị, chiến lược, cũng chính là nền tảng cho  EDCA mới ký kết gần đây.

Tài liệu nhấn mạnh, “Hoa Kì cần phải tính đến việc một số nước như Pakistan, Myanmar, Campuchia… hưởng ứng lời đề nghị hợp tác của Trung Quốc. Ngay cả những đồng minh thân thiết nhất tại khu vực như Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Philippines… cũng sẽ nhận ra lợi ích từ việc cải thiện quan hệ với Bắc Kinh. Mỹ cũng phải sẵn sàng đối mặt với luồng quan điểm phản đối hiện diện binh lính Mỹ ở khu vực. Đó không phải là biểu hiện của sự đi xuống trong quan hệ thân hữu giữa những nước này với Mỹ; mà là dấu hiệu về sự nhìn nhận rằng vẫn có được một khu vực hòa bình mà không cần đến sự hiện diện quân sự của Mỹ”.

Việc binh lính Mỹ quay trở lại Philippines dù là dưới danh nghĩa đồn trú luân phiên, sau khi đã rời khỏi đây hơn 2 thập kỉ trước, cho thấy Washington đang cố gắng “thể hiện sự giúp đỡ” dành cho các đồng minh. Nhưng sự giúp đỡ này là vì bá quyền Mỹ.

Một thỏa thuận vô nghĩa?

Trong khi cả Washington và Manila sẽ nỗ lực đánh bóng EDCA này, coi đây như là một công cụ giúp duy trì hòa bình, ổn định tại khu vực, thì dường như hiệu quả của nó lại hoàn toàn đối nghịch. Mỹ không có nguồn lực cũng như quyết tâm chính trị để phát động một cuộc chiến, chứ đừng nói là một quốc gia tỉ dân, có vũ khí hạt nhân như Trung Quốc.

Người dân Philippines biểu tình, đốt hình nộm Tổng thống Obama ngay trước khi ông tới thăm Manila. Ảnh: AP


Trung Quốc cũng hiểu rằng mối đe dọa từ hợp tác Mỹ-Philippines là điều còn khá xa vời. Giới lãnh đạo Bắc Kinh cũng hiểu rằng, nếu chạy đua quân sự, bỏ ra nguồn lực đầu tư cho mạnh cho quân đội, cái giá phải trả sẽ là những tác động tiêu cực đối với đà phát triển kinh tế - xã hội trong nước, tạo điều kiện cho Mỹ reo rắc mầm mống chống đối trong dân chúng.

Đối với Philippines, người dân nước này cần phải đặt ra câu hỏi: Thỏa thuận hợp tác quân sự với Mỹ sẽ đem lại lợi ích gì cho thịnh vượng và tương lai quốc gia. Một bước tiến trong quan hệ với với Mỹ sẽ đưa đến một bước lùi trong quan hệ với Trung Quốc; cùng với đó là những phí tổn tài chính cho việc tăng cường tiềm lực quân sự.

Trong 10 năm tới, Mỹ sẽ sử dụng Philippines để khiêu khích, cản trở tham vọng của Trung Quốc ở Thái Bình Dương. Đó cũng là quãng thời gian mà Manila sẽ phải chứng kiến những tổn hại không thể tránh khỏi trong các riềng mối kinh tế, văn hóa với Bắc Kinh. Như đã từng làm ở rất nhiều nơi, sau khi đạt được mục tiêu, Washington sẽ lại bỏ rơi Manila, chối bỏ mọi trách nhiệm của mình.


HT (Easternoutlook)