11:19 18/11/2014

Quan hệ Iran - Israel ngày càng căng thẳng

Căng thẳng giữa Iran và Israel đã nóng dần lên trong những tuần vừa qua. Gần đây nhất, lãnh tụ tối cao của Iran Đại Giáo chủ Ali Khamenei đã công bố một kế hoạch 9 bước nhằm "tiêu diệt" Israel.

Căng thẳng giữa Iran và Israel đã nóng dần lên trong những tuần vừa qua. Gần đây nhất, lãnh tụ tối cao của Iran Đại Giáo chủ Ali Khamenei đã công bố một kế hoạch 9 bước nhằm "tiêu diệt" Israel.

Trả lời câu hỏi "hành động cấp thiết nhất để đương đầu quân sự với Israel là gì?", nhà lãnh đạo tinh thần của Iran đã tuyên bố: "Khu vực Bờ Tây cần phải được vũ trang giống như Dải Gaza và tất cả những ai quan tâm đến vận mệnh của Palestines cần phải hành động để vũ trang cho người dân ở Bờ Tây...".



Lực lượng an ninh Israel gác tại lối vào làng Issawiya, phía đông Jerusalem sau những vụ xung đột giữa người Palestine và cảnh sát Israel.


Ngay lập tức, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã ra tuyên bố đáp trả: "Tehran kêu gọi xóa bỏ nhà nước Israel và ủng hộ chủ nghĩa khủng bố quốc tế. Iran không được phép trở thành một cường quốc có vũ khí hạt nhân. Tôi kêu gọi các nước thuộc nhóm P5+1 (Anh, Mỹ, Nga, Pháp, Trung Quốc và Đức) không vội vàng kí kết một thỏa thuận tạo điều kiện cho Iran có được bom hạt nhân".

Giới phân tích cho rằng nguyên nhân dẫn tới việc căng thẳng gia tăng giữa Iran và Israel là cuộc đàm phán về vấn đề hạt nhân đang diễn ra giữa nước Cộng hòa Hồi giáo này với các cường quốc phương Tây. Nước Mỹ đã tỏ thái độ sẵn sàng hợp tác với Iran trong các vấn đề an ninh quốc gia quan trọng, hợp tác chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) cực đoan, hay làm thay đổi cán cân sức mạnh trong khu vực theo chiều hướng có lợi cho Iran.

Bức thư bí mật của Tổng thống Mỹ Barack Obama gửi tới các nhà lãnh đạo Iran theo tin tức đăng tải trên các phương tiện truyền thông đã khiến cho ông Netanyahu thêm phần lo lắng về sự "tin tưởng" của Nhà Trắng đối với Iran hơn là với Israel. Bức thư của ông Obama đã mô tả lợi ích chung giữa Washington và Tehran trong khu vực, đặc biệt trong cuộc chiến chống IS. Bức thư cũng kêu gọi nhà lãnh đạo tối cao Iran nắm lấy cơ hội trong các cuộc đàm phán hạt nhân để có thể kí kết thỏa thuận cuối cùng.

Giới lãnh đạo Iran đã có những phản ứng khác nhau đối với bức thư của ông Obama, nhưng nhìn chung các nhà lãnh đạo Iran đang phát đi tín hiệu rằng họ đang sẵn sàng trước những lời đề nghị. Điều này cho thấy Israel - đồng minh thân cận của Mỹ - dường như đang bị gạt ra bên lề trong các vấn đề an ninh quan trọng ở khu vực Trung Đông.

Ngoài ra, điều khiến cho các nhà lãnh đạo Israel ngày càng quan ngại đó là ý chí chính trị mạnh mẽ của cả Mỹ và Iran, đặc biệt từ Tổng thống Obama, trong việc kí kết một thỏa thuận cuối cùng và toàn diện về vấn đề hạt nhân của Iran. Đối với Israel, thỏa thuận hạt nhân này sẽ làm thay đổi đáng kể vai trò địa chính trị trong khu vực cũng như vị thế kinh tế của Iran, tăng cường hợp tác giữa Iran và phương Tây và đưa Iran thoát khỏi tình trạng bị cô lập bằng cách mở cửa thị trường quốc tế đối với nước Cộng hòa Hồi giáo này. Các nhà lãnh đạo Israel cho rằng Mỹ dường như đang tuyệt vọng trong nỗ lực tìm kiếm một thỏa thuật hạt nhân cuối cùng khi phải nhượng bộ trước những đòi hỏi của Tổng thống Hassan Rowhani và Ngoại trưởng Javad Zarif của Iran.

Ngoài các lý do nêu trên, còn có một vấn đề cơ bản khiến cho căng thẳng trong quan hệ giữa hai nước gia tăng. Đó là Israel cho rằng nước Cộng hòa Hồi giáo sẽ tìm cách "lừa đảo" để có được bom hạt nhân sau khi đã kí kết thỏa thuận toàn diện cuối cùng hay Mỹ sẽ cho phép Iran trở thành "quốc gia bên ngưỡng vũ khí hạt nhân". Israel cũng cho rằng Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) và cộng đồng quốc tế sẽ không có đủ khả năng để giám sát được tất cả các hoạt động kỹ thuật làm giàu hạt nhân của Iran cũng như kiểm chứng việc nước này tuân thủ tất cả các điều khoản trong thỏa thuận cuối cùng. Tóm lại, Iran sẽ thoát khỏi các biện pháp trừng phạt của cộng đồng quốc tế, đồng thời tiến tới việc trở thành một cường quốc hạt nhân. Tất cả những diễn biến nói trên được coi là thắng lợi của Iran và là thất bại nặng nề của Israel.


Khắc Hiếu(Theo mạng tin "Al Arabiya")