05:11 05/05/2014

Quân đội 'thông minh' của Singapore

Sự thay đổi một cách liên tục trong chiến lược quốc phòng của Singapore đang hướng vào giải quyết sự phức tạp ngày càng tăng về những tình huống an ninh khó xử tại châu Á, đặc biệt là đối với các tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông và Biển Hoa Đông.

Là một quốc đảo nhỏ, ngay từ khi thành lập, Singapore đã phải vật lộn với sự bất ổn và không chắc chắn về mặt chiến lược. Theo truyền thống, các quốc gia nhỏ thường bị hạn chế đáng kể trong việc cân bằng nhu cầu an ninh và tham vọng chiến lược với những chính sách hướng vào việc duy trì kinh tế và ổn định xã hội.

Theo Michael Raska, chuyên gia phân tích tại Viện nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam, Đại học Công nghệ Nanyang, Singapore, những thách thức này đã trở nên gay gắt hơn trong bối cảnh môi trường an ninh châu Á đang thay đổi mạnh mẽ và ngày càng phức tạp. Môi trường chiến lược của châu Á đang chuyển sang một sự kết hợp các mối đe dọa chống tiếp cận bất đối xứng, các cuộc xung đột truyền thống cường độ cao và một loạt các thách thức an ninh phi truyền thống.

Theo đó, Singapore phải đưa ra một thế trận quốc phòng thích ứng trong điều kiện phải tính đến các yếu tố như thiếu chiều sâu chiến lược, hạn chế về nguồn lực, các ưu tiên chiến lược cần thay đổi cũng như các yếu tố bên ngoài, chẳng hạn như sự cạnh tranh địa chiến lược giữa các cường quốc trong khu vực ngày càng tăng. Thật không may, một loạt các lựa chọn chính sách có thể đối với các quốc gia nhỏ nhằm khắc phục những hạn chế về mặt chiến lược cả bên trong và bên ngoài của họ không phải là nhiều.

Các quốc gia nhỏ thường tìm cách bù đắp lỗ hổng địa chiến lược của họ bằng cách tăng cường liên minh với các cường quốc - một hình thức cân bằng bên ngoài, tạo ra sức mạnh lớn để bảo vệ lợi ích của một quốc gia nhỏ và đảm bảo ít nhất một phần sự răn đe đối với bên ngoài. Nhược điểm của biện pháp này là nó có khả năng dẫn đến sự tốn kém thời gian và chi phí ngoại giao cũng như hạn chế chính sách dài hạn. Tuy vậy, chính sách này lại phù hợp với Singapore. Với việc xem sự cân bằng bên ngoài như một chiến lược bảo hiểm đầy rủi ro, nó cho phép Singapore coi cả Trung Quốc và Mỹ là đối tác chiến lược tiềm năng hữu ích, nhưng không phải đồng minh, ông Raska nhận định.

Ảnh: E.A.F


Ngoài ra, các quốc gia nhỏ khác đã theo đuổi chiến lược quân sự theo hướng phát huy tối đa nội lực của họ. Nhưng điều này lại bị giới hạn bởi sự cân bằng nội bộ. Các nước nhỏ, đặc biệt là những nước tìm cách nhằm tạo ra sự đối trọng bằng cách tăng sản xuất và chi tiêu quân sự, luôn luôn chịu sự chi phối vì các vấn đề kinh tế và xã hội khác. Bên cạnh đó, một số chính sách đối ngoại mà những nước nhỏ theo đuổi như: “cách ly phòng thủ”, trung lập và các biện pháp thích ứng như “phòng thủ không tấn công”. Dù thế nào đi nữa, các quốc gia nhỏ vẫn buộc phải chấp nhận một thế trận phòng thủ dựa trên sự kết hợp của sự cân bằng bên ngoài và bên trong.

Mức độ, cường độ và tác động của sự cân bằng "pha trộn" trên phụ thuộc vào các yếu tố như trình độ phát triển kinh tế và xã hội, vị trí địa lý gần khu vực xung đột, sự gắn kết của người dân và có lẽ quan trọng nhất: mối quan hệ của nước này và tầm quan trọng của họ với các cường quốc lớn. Tuy nhiên, các quốc gia nhỏ không nhất thiết phải là quốc gia yếu.

Singapore thường được xem như là một quốc gia nhỏ bé. Điều này là chắc chắn khi so sánh với nước láng giềng như Indonesia chẳng hạn, một quốc gia có hàng nghìn đảo với dân số 246 triệu, so với Singapore là 5,5 triệu. Tuy nhiên, năm 2013, ngân sách quốc phòng của Singapore là 12 tỷ USD, lớn hơn đáng kể so với ngân sách quốc phòng của Indonesia là 7,9 tỷ USD.

Ông Raska cho rằng mô hình an ninh truyền thống của Singapore trong lịch sử dựa trên sự răn đe, giành chiến thắng một cách nhanh chóng và quyết định nếu sự răn đe thất bại. Công nghệ đóng một vai trò lớn trong bộ máy an ninh của Singapore. Singapore xem việc tích hợp các công nghệ quân sự tiên tiến như một yếu tố chính tạo ra khả năng đối phó với các mối đe dọa hiện tại và cả tương lai. Nhưng công nghệ chỉ là một phần trong chiến lược răn đe của Singapore. Thế trận răn đe của nước này không chỉ dựa vào chiến lược quân sự duy nhất, mà còn liên quan đến đối ngoại quốc phòng với sự lựa chọn các đối tác chiến lược.

Khi nói đến năng lực quản lý quân sự của Singapore là phải kể đến việc lập kế hoạch, tổ chức, lãnh đạo và kiểm soát lực lượng vũ trang cũng với các hệ thống hỗ trợ quan trọng khác. Theo đó, Singapore đã tìm cách xây dựng một cơ sở công nghiệp tương đối tiên tiến, đáng tin cậy và hiệu quả khả năng phát triển và tích hợp công nghệ quốc phòng có chọn lọc, có các sản phẩm và dịch vụ thích hợp. Những chiến lược này, cùng với khả năng chiến đấu và huấn luyện của lực lượng vũ trang Singapore (SAF), đã góp phần hiện đại hóa SAF trong thập kỷ qua.

Thật vậy, với việc liên tục được hiện đại hóa, mục tiêu của SAF trở thành một quân đội 'thông minh' hoặc có khả năng hoạt động hiệu quả ở cả thời bình lẫn thời chiến. Điều này được thực hiện theo một chiến lược “3 - G” của Singapore, hay còn gọi là “sự chuyển đổi quân sự thế hệ thứ 3” bắt đầu từ năm 2004. Đến năm 2030, SAF sẽ có một sự tích hợp giữa độ chính xác của các hệ thống không người lái, cảnh báo sớm, tình báo, giám sát và trinh sát. Quan trọng nhất là SAF có khả năng đạt được một mức độ tương tác chưa từng có giữa các lực lượng lục, hải, không quân của mình.

Sự thay đổi một cách liên tục trong chiến lược quốc phòng của Singapore đang hướng vào giải quyết sự phức tạp ngày càng tăng về những tình huống an ninh khó xử tại châu Á, đặc biệt là đối với các tranh chấp lãnh thổ và nguy cơ trầm trọng của cuộc khủng hoảng tiềm năng liên quan đến các đảo tranh chấp ở Biển Đông và Biển Hoa Đông. Sự hội tụ của các mối đe dọa an ninh, cùng với việc áp dụng ngày càng tăng của các nền tảng và công nghệ quân sự tiên tiến tại nước láng giềng của Singapore, đặt ra yêu cầu cần phải tăng khả năng hoạt động của SAF.

SAF sẽ phải cân bằng giữa việc duy trì khả năng vốn có của mình, đồng thời phải thử nghiệm các chiến lược và cơ cấu tổ chức cũng như hoạt động sáng tạo mới để chuẩn bị cho một cuộc xung đột đa cấp. Câu hỏi lớn đặt ra đối với các nhà hoạch định chính sách quốc phòng Singapore hiện nay là: Làm thế nào để xây dựng một lực lượng và học thuyết quân sự có khả năng xử lý đồng thời với các mối đe dọa an ninh hiện tại, trong khi dự đoán những thách thức trong tương lai, ông Raska kết luận.


Công Thuận
(E.A.F)