05:16 29/05/2014

Quân đội Thái Lan: Sẽ không có bầu cử sớm

Giới quân sự cầm quyền tại Thái Lan cho biết, ít có khả năng tổ chức một cuộc bầu cử sớm, do chưa hội đủ các điều kiện phù hợp. Mâu thuẫn xã hội chưa được xoa dịu để có thể chuyển sang giai đoạn điều hành dân sự.

Giới quân sự cầm quyền tại Thái Lan cho biết, ít có khả năng tổ chức một cuộc bầu cử sớm, do chưa hội đủ các điều kiện phù hợp, mâu thuẫn xã hội chưa được xoa dịu để có thể chuyển sang giai đoạn điều hành dân sự.

Phó tham mưu trưởng Lục quân Chatchalerm Chalermsukh ngày 29/5 tuyên bố: Hội đồng hòa bình và trật tự quốc gia (NCPO) sẽ tạo lập những điều kiện phù hợp để đưa Thái Lan sớm trở lại lộ trình bầu cử tự do, công bằng. Thế nhưng ông cũng thừa nhận, phải mất rất nhiều thời gian để có thể chữa lành vết thương giữa 2 phe đối lập, vốn tiếp diễn trong hơn 10 năm qua. “Hai bên chẳng hề yêu mến nhau chút nào, nhưng chúng tôi muốn tình hình yên tĩnh, ổn định. Chúng tôi muốn có một thời gian để tất cả các bên bình tĩnh trở lại”, tướng Chalermsukh chia sẻ.

Tướng Prayuth Chan-ocha - người đứng đầu chính quyền quân sự hiện nay. Ảnh: AFP


Thái Lan đã rơi vào tình cảnh phân hóa xã hội sâu sắc, giữa một bên là những người ủng hộ cựu Thủ tướng bị phế truất Yingluck Shinawatra cùng người anh trai bà – cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra, và những người ủng hộ hoàng gia. Ông Chatchalerm không nói rõ đâu là những điều kiện cần thiết để tiến hành bầu cử, nhưng khẳng định quân đội muốn thấy sự hòa hợp, chấm dứt đối đầu chính trị.

Trong một diễn biến khác, Tư lệnh lục quân, người đứng đầu chính quyền quân sự hiện nay, Tướng Prayuth Chan-ocha cùng ngày đã có cuộc gặp với các cố vấn lần đầu tiên sau khi tiến hành đảo chính (22/5), để vạch ra chiến lược bảo vệ an ninh, thúc đẩy nền kinh tế đang xuống dốc.

Hai trong số các cố vấn này từng là những nhân vật đầy quyền lực, đối đầu với Thaksin. Đó là cựu Bộ trưởng Quốc phòng Prawit Wongsuwan và cựu Tư lệnh Lục quân Anupong Paochinda – những người có mối quan hệ thân thiết với ông Prayuth. 3 nhân vật này đều là những tướng lĩnh nhiệt thành ủng hộ hoàng gia, có vai trò quan trọng trong việc lật đổ ông Thaksin hồi năm 2006.

Một báo cáo của hãng tin Reuters hồi tháng 12/2013 tiết lộ: Cả ông Prawit và Anupong đều ngấm ngầm hậu thuẫn các cuộc biểu tình chống chính phủ, vốn làm tê liệt nội các do bà Yingluck đứng đầu. Nữ thủ tướng Thái Lan sau đó đã bị Tòa án tối cao phế truất bởi các cáo buộc “lạm dụng quyền lực”.


HT (aljazeera)