12:14 29/12/2014

Quân đội Libya không kích thành phố Misrata

Lực lượng quân đội Libya đã tiến hành các cuộc không kích đầu tiên nhằm vào thành phố Misrata do nhóm phiến quân Hồi giáo Fajr Libya kiểm soát.

Ngày 28/12, lực lượng quân đội chính phủ được quốc tế công nhận tại Libya đã tiến hành các cuộc không kích đầu tiên nhằm vào thành phố miền Tây Misrata do nhóm phiến quân Hồi giáo Fajr Libya (Bình Minh Libya) kiểm soát.

Xe tăng của lực lượng Bình minh Libya đối lập tại Kikla ngày 18/11. Ảnh: THX/TTXVN


Người phát ngôn lực lượng trên cho biết mục tiêu của các cuộc không kích là những căn cứ Fajr Libya đã sử dụng để tấn công quân đội. Các cuộc không kích này nhằm đáp trả vụ tấn công của nhóm Fajr Libya nhằm vào cảng dầu Sidra hôm 25/12 vừa qua, trong đó một chiếc máy bay Mig-23 của Fajr Libya xuất phát từ một trường hàng không tại Misrata đã không kích cảng dầu Sidra khiến nhiều bồn chứa dầu bốc cháy và buộc cảng dầu lớn nhất Libya này phải đóng cửa.

Phát biểu tại thủ đô Cairo của Ai Cập ngày 28/12, Bộ trưởng Ngoại giao Libya Mohamed Dayri cho rằng vụ tấn công cảng dầu nói trên cho thấy các nhóm cực đoan đang đẩy mạnh các hoạt động nhằm thâu tóm các cơ sở dầu mỏ ở nước này. Ông nhấn mạnh mục tiêu của các phần tử khủng bố chính là dầu mỏ và thu nhập từ việc khai thác tài nguyên này tại Libya.

Theo phóng viên TTXVN tại Trung Đông-châu Phi, Bộ trưởng Nội vụ Libya Omar al-Snaki đã kêu gọi các phái viên của Mỹ, Italy, Ai Cập và Đức giúp đỡ khẩn cấp để dập tắt hỏa hoạn tại cảng dầu Sidra. Ước tính thiệt hại do hoả hoạn đã lên tới hàng tỷ USD.

Kể từ ngày 13/12, phiến quân Fajr Libya đã tiến hành một chiến dịch mà lực lượng này tuyên bố là nhằm "giải phóng" các cơ sở khai thác và cảng dầu tại khu vực giàu dầu mỏ ở miền Bắc nước này, bao gồm cảng Sidra, Ras Lanuf và Brega. Các cuộc giao tranh bùng phát kể từ trung tuần tháng này đã khiến sản lượng dầu mỏ của Libya sụt giảm nghiêm trọng, từ 800.000 thùng xuống còn 200.000 thùng/ngày.

Ba năm sau làn sóng chính biến lật đổ nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi, Libya đang phải đối mặt với tình trạng bạo lực leo thang nghiêm trọng và bế tắc chính trị với sự tồn tại của hai chính phủ, hai quốc hội. Hiện tại, Fajr Libya chiếm thủ đô Tripoli và lập chính phủ riêng, trong khi Quốc hội dân bầu và chính phủ được quốc tế công nhận của Libya phải chuyển về thành phố Tobruk làm việc. Đụng độ leo thang giữa các bên đối địch ở Libya từ tháng 7 vừa qua đã khiến hàng trăm nghìn người phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn.


TTXVN/Tin tức