06:08 04/06/2011

Quan điểm Hồ Chí Minh về xây dựng Nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân

Đảng ta khẳng định tư tưởng Hồ Chí Minh là hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, là kết quả của sự vận dụng và phát triển sáng tạo Chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể của nước ta...

Đảng ta khẳng định tư tưởng Hồ Chí Minh là hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, là kết quả của sự vận dụng và phát triển sáng tạo Chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể của nước ta, kế thừa và phát triển các giá trị tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại. Đây chính là một di sản tinh thần vô giá, một hệ thống tư tưởng về nhiều mặt mà Người đã để lại cho chúng ta trước khi đi vào cõi vĩnh hằng.

Một trong những vấn đề mang tính cốt lõi trong tư tưởng của Người đó chính là quan điểm về xây dựng một Nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước và pháp quyền được hình thành (chủ yếu 30 năm sống và hoạt động ở nước ngoài, đặc biệt là ở các nước nước văn minh Âu-Mỹ) trong quá trình Người liên tục tìm tòi, phân tích, so sánh, thiết kế, thử nghiệm trên cơ sở kết hợp nhuần nhuyễn ba yếu tố: Truyền thống dân tộc Việt Nam, chủ nghĩa Mác-Lênin và những tinh hoa của các nền văn minh cổ, kim, đông, tây. Từ đó, Người đã thấy được việc điều hành xã hội bằng pháp luật là một phương thức rất dân chủ, tiến bộ và là một biểu hiện cao nhất của một xã hội hiện đại.

Do nhận thức được tầm quan trọng của luật pháp từ rất sớm, nên ngay từ năm 1919, trong “Bản yêu sách 8 điểm của nhân dân An Nam” của Nguyễn Ái Quốc (thay mặt nhóm những người yêu nước An Nam) gửi tới Hội nghị Véc-xây, thì đã có tới 4 điều liên quan tới vấn đề pháp quyền, còn lại liên quan đến công lý và quyền con người. Tới năm 1922, Nguyễn Ái Quốc đã chuyển bản yêu sách nêu trên thành Việt Nam yêu cầu ca, trong đó có yêu cầu thứ bảy là:

“Bảy xin hiến pháp ban hành
Trăm điều phải có thần linh pháp quyền”[1].


Phải hiểu rằng, “trăm điều phải có thần linh pháp quyền” ở đây có nghĩa là mọi hoạt động của xã hội và các cơ quan và công chức nhà nước phải thể hiện tinh thần pháp luật, thể hiện được sự phù hợp với pháp luật, tôn trọng pháp luật, đáp ứng yêu cầu của pháp luật. Đây thực sự là quan điểm rất đặc sắc của Nguyễn Ái Quốc, phản ánh nội dung cốt lõi của Nhà nước dân chủ mới, tức là Nhà nước quản lý xã hội bằng pháp luật.

Ngay sau Cách mạng Tháng Tám thành công, tư tưởng nhà nước pháp quyền được Hồ Chí Minh xác lập một cách rõ nét trong Tuyên ngôn Độc lập ngày 2/9/1945. Ngay sau đó một ngày, trong bài phát biểu tại phiên họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ, một trong 6 nhiệm vụ cấp bách được Hồ Chí Minh đề ra đó là: “Chúng ta phải có một hiến pháp dân chủ”[2] , đã tỏ rõ ý chí xây dựng nhà nước pháp quyền của Người và Chính phủ lâm thời do Người làm Chủ tịch. Đặc biệt, cùng với chủ trương xây dựng Hiếp pháp, ngày 10/10/1945, Hồ Chí Minh đã ký ban hành Sắc lệnh số 47 “Về việc tạm thời sử dụng bộ luật cũ, trừ một số điểm thay đổi được ấn định trong sắc luật này” để điều chỉnh các quan hệ dân sự. Qua việc này cho thấy, Hồ Chí Minh đã nhìn nhận pháp luật trong chiều sâu văn hóa của nó, tức là pháp luật của các chế độ xã hội có những giá trị nhân bản chung mà chúng ta có thể kế thừa và phát triển.

Nội dung và tinh thần của “Nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân” đã thể hiện khá đậm nét qua bản Hiến pháp năm 1946 do Hồ Chí Minh trực tiếp làm Trưởng ban soạn thảo. Tư tưởng đó lại được khẳng định rõ ràng qua bài “Dân vận” được Người viết và đăng ở báo Sự thật ngày 14/10/1949.
Theo đánh giá của giới nghiên cứu, bản Hiến pháp năm 1946 được soạn thảo theo tư tưởng pháp quyền nên đã thực sự trở thành một hiến pháp rất dân chủ và tiến bộ như mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tiếc rằng, do điều kiện chiến tranh nên nhân dân ta đã không có điều kiện để thực thi những điều khoản của bản hiến pháp đầu tiên này.

Sau năm 1954, do tình hình kinh tế- xã hội đất nước có nhiều thay đổi, nên Hiến pháp năm 1946 “không còn thích hợp nữa”[3] nên Hồ Chí Minh đã chủ trương sửa đổi và ban hành Hiến pháp mới (Hiến pháp năm 1959) nhằm bảo đảm khả năng điều chỉnh hợp lý các quan hệ xã hội đã phát sinh và định hình.

Ngoài hai đạo luật “gốc” (Hiến pháp 1946 và 1959), từ năm 1945 đến năm 1969, Hồ Chí Minh còn chỉ đạo soạn thảo và ký quyết định công bố 16 đạo luật và 1.300 văn bản dưới luật. Khối lượng văn bản luật đó là biểu hiện của tính nhân đạo, nhân văn, bảo đảm tính hợp hiến và hợp pháp của nhà nước mà nhân dân là chủ và do nhân dân làm chủ.

Theo Hồ Chí Minh thì: “Pháp luật của ta là pháp luật thật sự dân chủ, vì nó bảo vệ quyền tự do, dân chủ rộng rãi cho nhân dân lao động”[4] .Tuy nhiên, pháp luật dân chủ ở Hồ Chí Minh cũng cần được xem xét trong các mối quan hệ hết sức đặc trưng, đó là:

- Trong quan niệm về thực chất của dân chủ, Người nhấn mạnh: “Không nên hiểu lầm dân chủ. Khi chưa quyết định thì tha hồ bàn cãi. Nhưng khi đã quyết định rồi thì không được bàn cãi nữa, có bàn cãi cũng chỉ là để bàn cách thi hành cho được, cho nhanh, không phải để đề nghị không thực hiện. Phải cấm chỉ những hành động tự do quá trớn ấy”[5].

- Trong việc xác định rõ giới hạn của quyền tự do cá nhân, Người nói: “Nhân dân ta hiện nay có tự do, tự do trong kỷ luật. Mỗi người có tự do của mình, nhưng phải tôn trọng tự do của người khác. Người nào sử dụng quyền tự do của mình quá mức mà phạm đến tự do của người khác là phạm pháp. Không thể có tự do cho bọn việt gian, phản động, bọn phá hoại tự do của nhân dân”[6].

- Trong việc xử lý mối quan hệ giữa quyền và nghĩa vụ công dân, Hồ Chí Minh khẳng định mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật cả về nghĩa vụ, ai vi phạm phát luật đều bị xử lý nghiêm khắc, bất luận người đó có vị trí như thế nào trong xã hội. Hồ Chí Minh cho rằng, hiệu lực của pháp luật chỉ có được khi mọi người đều nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật; pháp chế chỉ bảo đảm khi các quy phạm pháp luật được thực thi trong quan hệ xã hội và mọi hành vi vi phạm pháp luật phải bị xử lý. Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến tính nghiêm minh của việc thưởng phạt: “Trong một nước thưởng phạt phải nghiêm minh thì nhân dân mới yên ổn”[7] và “Nếu không thưởng thì không có khuyến khích; nếu không có phạt thì không giữ vững kỷ luật”[8].
Người khuyến cáo: “Từ trước đến nay thưởng phạt chưa được làm đầy đủ, đó là một khuyết điểm to”[9] , vì thế “phải thưởng phạt cho công minh. Chớ vì ưa ai mà thưởng, ghét ai mà phạt”[10].

Theo quan điểm của Hồ Chí Minh, muốn pháp luật nghiêm minh và phát huy hiệu lực thì cần có các điều kiện sau:

- Pháp luật phải đúng và phải đủ. Pháp luật đúng là pháp luật phản ánh trung thành bản chất các quan hệ xã hội khách quan, tiếp cận đến chân lý, mà chân lý là tất cả những gì phù hợp với lợi ích của nhân dân. Còn pháp luật đủ là phải có tính đồng bộ, bao quát được các mặt, các loại quan hệ và các lĩnh vực của đời sống xã hội.

- Pháp luật phải đến được với người dân. Hồ Chí Minh là người luôn quan tâm chỉ đạo để đưa pháp luật vào cuộc sống, làm cho pháp luật có hiệu lực trong thực tế, tạo cơ chế bảo đảm cho pháp luật được thi hành. ở nước ta, dưới chế độ cũ, bọn thực dân phong kiến tìm cách làm cho dân ngu để dễ bề cai trị. Dưới chế độ dân chủ cộng hòa, Hồ Chí Minh quan tâm giáo dục lại nhân dân, làm sao cho nhân dân biết hưởng quyền dân chủ và dùng quyền dân chủ của mình. Thực tế đã chứng minh, pháp luật chỉ có hiệu lực khi nhân dân có những hiểu biết nhất định về văn hóa, chính trị, pháp luật và quyền công dân.

(còn nữa)

Lê Hoàng Lê (Bảo tàng Hồ Chí Minh)

-----------------------------
[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t.1, tr.438.
[2] Hồ Chí Minh : Toàn tập, Sđd.t.4, tr.8.
[3] Hồ Chí Minh : Toàn tập, Sđd.t.9, tr.585.
[4] Hồ Chí Minh -Nhà nước và pháp luật Việt Nam . Nxb Pháp lý. Hà Nội, 1990, tr.174.
[5] Hồ Chí Minh : Toàn tập, Sđd.t.6, tr.108.
[6] Hồ Chí Minh -Nhà nước và pháp luật Việt Nam . Nxb Pháp lý. Hà Nội, 1990, tr.174.
[7] Hồ Chí Minh : Toàn tập, Sđd.t.4, tr.163.
[8] Hồ Chí Minh : Toàn tập, Sđd.t.7, tr.466.
[9] Hồ Chí Minh : Toàn tập, Sđd.t.6, tr.560.
[10] Hồ Chí Minh : Toàn tập, Sđd.t.5, tr.480.