09:00 28/09/2011

Qua sông Kỳ Cùng đã có "Cầu bác Thi"

Cây cầu bắc qua sông Kỳ Cùng, nối xã Nhạc Kỳ (Văn Lãng, Lạng Sơn) với trung tâm huyện Văn Quan, do người lái đò Chu Văn Thi đầu tư trên 300 triệu đồng xây dựng, được người dân nơi đây yêu mến gọi là “Cầu bác Thi”.

Cây cầu bắc qua sông Kỳ Cùng, nối xã Nhạc Kỳ (Văn Lãng, Lạng Sơn) với trung tâm huyện Văn Quan, do người lái đò Chu Văn Thi đầu tư trên 300 triệu đồng xây dựng, được người dân nơi đây yêu mến gọi là “Cầu bác Thi”.

Rất cần những tấm lòng như ông Chu Văn Thi để con sông Kỳ Cùng không còn là nỗi lo sợ với người dân mỗi khi lũ về...

Ông Chu Văn Thi, dân tộc Nùng, năm nay gần 50 tuổi. Trên 25 năm làm nghề lái đò, hơn ai hết, ông thấu hiểu được những nỗi cơ cực, vất vả của người dân trong xã mỗi khi phải qua sông. Xã Nhạc Kỳ, quê ông cách trung tâm huyện Văn Lãng hơn 30 cây số đường rừng, nhưng chỉ cách phố Điềm He (thuộc huyện Văn Quan) đúng… một con sông. Phố Điềm He là nơi họp chợ phiên (5 ngày/lần) và có các trường THCS và THPT Văn Quan, bởi vậy nhu cầu qua sông của người dân hàng ngày là rất lớn.

Là người đưa đò duy nhất ở đoạn sông này, ông Thi luôn phải tất bật, vất vả với mỗi ngày có tới 15 – 20 chuyến đò qua sông. Vào ngày chợ phiên, hoặc vào mùa thu hoạch nông lâm sản, thì những chuyến đò đưa người dân qua sông sang chợ nhiều hơn nữa. Điều đặc biệt là, việc đưa đò tuy khó khăn, vất vả là thế nhưng ông Thi chỉ lấy tiền công của mỗi gia đình trong xã (nếu phải đi đò thường xuyên) 1 năm 15 kg thóc. Người ngoài ông cũng chỉ thu 1.000 đồng/người/lượt; còn đối với những người nghèo ông không lấy tiền.

Cũng như bao người dân khác trong xã, việc xây một cây cầu bắc qua sông Kỳ Cùng nối Nhạc Kỳ với Văn Quan là mơ ước bấy lâu của ông Thi. Ông cho biết: “Ngay từ hồi mới làm nghề đưa đò, tôi đã mong muốn một ngày nào đó sẽ xây được chiếc cầu để mọi người đi lại đỡ vất vả”. Trong hơn 25 năm đưa đò cùng với chăn nuôi gà lợn, trồng khoai sắn… ông đã dành dụm tiền, mong tới một ngày ước muốn xây cây cầu thành hiện thực.

Đến năm 2009, khi có trong tay 200 triệu đồng, ông đề xuất với chính quyền xã đứng ra bảo lãnh để ông vay thêm Ngân hàng Chính sách xã hội 100 triệu đồng nữa đầu tư xây cầu. Nhân công xây cầu không ai khác chính là những người dân trong xã Nhạc Kỳ. Ông kể, khi cây cầu bắt đầu được đổ móng xây trụ, ông thấy thật sự lo lắng, bởi không được tư vấn về cả thiết kế lẫn kỹ thuật xây dựng cầu, liệu cây cầu có trụ được với những trận lũ lớn của sông Kỳ Cùng? Sau hơn 3 tháng thi công, cây cầu bê-tông đã hoàn thành với chiều rộng 2 m, dài hơn 200 m. Cây cầu được đưa vào sử dụng, đến nay nó đã đương đầu với nhiều trận lũ mà vẫn vững chãi nối đôi bờ sông Kỳ Cùng.

Bà Hà Thị Bay, 51 tuổi, thôn Lương Thác vui mừng nói: “Nhờ có cây cầu nên chúng tôi đi lại rất thuận tiện. Dù trời mưa hay nắng muốn qua sông lúc nào cũng được. Phiên chợ vừa rồi, nhà tôi bán gần 3 tạ ngô mà chỉ loáng chốc đã mang sang chợ rồi, chúng tôi rất biết ơn bác Thi”.

Từ khi có cây cầu, ông Thi không làm nghề chở đò nữa. Ông dành thời gian chăm bón 5 sào ruộng, nuôi thêm con lợn, con gà, những lúc nông nhàn ông tranh thủ đi kiểm tra, quét dọn cầu. Với người dân địa phương, cây cầu được gọi là “Cầu bác Thi”, như một cách ghi nhận công sức của con người hết lòng vì cộng đồng.

Thái Thuần