11:20 17/11/2014

“Phương tiện kiểm định hàng giả không thuyết phục”

Bộ trưởng Bộ Công thương nắm vấn đề khá rõ, nhưng cách trả lời thì có lúc hình như còn có ý đối phó.

Trao đổi với báo chí bên lề Quốc hội, đại biểu Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) cho rằng phần trả lời của Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng chưa thuyết phục.


Bà Nguyễn Thị Khá, đại biểu Quốc hội đoàn Trà Vinh


Bà đánh giá như thế nào về phần trả lời của Bộ trưởng Bộ Công thương về cách thức phòng chống hàng giả của cơ quan chức năng tại phần chất vấn và trả lời chất vấn?


Theo tôithìBộ trưởng Bộ Công thương nắm vấn đề khá rõ nhưng cách trả lời thì có lúc hình như còn có ý đối phó. Chẳng hạn, câu hỏi của tôi về vấn đề hàng gian hàng giả, về cách quản lý thì Bộ trưởng cho rằng thiếu phương tiện kiểm định đến nỗi phân bón phải kiểm định bằng miệng. Tôi không đồng ý bởi vì như vậy thì thuốc trừ sâu sẽ kiểm định bằng gì? Một cơ quan quản lý nhà nước không thể thiếu phương tiện kiểm định đến nỗi phải dùng miệng để kiểm định. Một người nông dân nào đó có thể nếm một mặt hàng, nhưng cơ quan quản lý nhà nước có biết bao nhiêu mặt hàng, diễn ra hàng ngày phức tạp như thế mà đến nỗi không có phương tiện, lạc hậu đến mức dùng miệng để kiểm định thì không thể chấp nhận ở một xã hội hiện đại được. Tôi muốn Bộ trưởng phải làm rõ để người dân tin tưởng, với những người sử dụng hàng gian hàng giả mà chống bằng miệng thì biết chừng nào mà chống được? biết chừng nào làm rõ để người dân yên tâm sản xuất đúng theo pháp luật? Trong khi những kẻ gian dối dùng đủ mọi cách thì Bộ trưởng lại nói dùng cách thô sơ lạc hậu như thời cổ đại thì tôi thấy không thuyết phục.


Với cách trả lời như vậy thì bà có hy vọng tới đây Bộ Công thương sẽ có giải pháp đầu tư mạnh mẽ cho lực lượng chống buôn lậu để họ có phương tiện hoạt động hiệu quả hơn?

Vấn đề chống buôn lậu không phải là trách nhiệm của riêng Bộ Công Thương, nhưng Bộ Công thương là cơ quan tham mưu. Ví dụ như Ban chỉ đạo 389 do Phó Thủ tướng Chính phủ làm trưởng ban, nhưng lĩnh vực nào của mình thì Bộ Công thương phải đóng vai chính, đề xuất mua sắm thế nào, phương tiện gì cần thiết cho mặt hàng nào, chứ không thể trả lời như thế được.


Thưa bà, nếu thực sự có chuyện thiếu phương tiện đến mức đó thì lỗi là do đâu?


Lỗi là trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước.


Vậy cụ thể là ai, thưa bà?


Phương tiện của ngành Thương mại thì phải là thì phải là Bộ Công Thương, còn ngành y tế thì không thể Bộ Công thương được mà là Bộ Y tế. Nhưng lĩnh vực mua bán thương mại phải là trách nhiệm của Bộ Công thương.


Nhưng chính Bộ trưởng Bộ Công Thương lại nêu khó khăn khi mà chính họ phải là người giải quyết?


Theo tôi cá nhân Bộ Công thương không làm được nhưng với vai trò tham mưu, đề xuất với Chính phủ như thế nào? không được Chính phủ chấp nhận hay không có tiền? thiếu đề xuất hay đề xuất không kịp thời? Vấn đề đó phải xem xét cho rõ. Nếu nói cá nhân Bộ trưởng Bộ Công Thương thì Bộ cũng không thể làm được, nhưng vai trò tham mưu thì đã đề xuất đến nơi đến chốn và trách nhiệm của Bộ trưởng đến đâu?


Vậy sau khi Bộ trưởng trả lời như vậy thì tiếp theo ai sẽ là người phải trả lời đến tận cùng vấn đề này, thưa bà?


Người trả lời tiếp theo không ai hơn là Chính phủ, Thủ tướng hoặc Phó Thủ tướng được phân công.


Xin cám ơn bà!


Xuân Minh (ghi)