03:01 31/03/2011

Phương Tây mưu toan vũ trang cho phe đối lập Libi

Bất đồng đã nảy sinh giữa các nước thành viên của liên quân đang thực hiện chiến dịch tấn công quân sự chống Libi xung quanh đề xuất trang bị vũ khí cho lực lượng đối lập ở quốc gia Bắc Phi này.

* Quân nổi dậy tháo chạy khỏi Ras Lanuf

Bất đồng đã nảy sinh giữa các nước thành viên của liên quân đang thực hiện chiến dịch tấn công quân sự chống Libi xung quanh đề xuất trang bị vũ khí cho lực lượng đối lập ở quốc gia Bắc Phi này. Trong khi đó, quân đội Libi tiếp tục giành ưu thế trước quân nổi dậy và ngày 30/3 đã đẩy lùi lực lượng đối lập ra khỏi thành phố dầu mỏ trọng yếu Ras Lanuf.


Máy bay của liên quân không kích Libi. Ảnh: AFP-TTXVN


Dư luận phản đối phương Tây vũ trang cho phe đối lập


Khởi xướng đề xuất về việc trang bị vũ khí cho lực lượng chống chính phủ là Pháp. Tại cuộc họp báo sau Hội nghị quốc tế về Libi ở Luân Đôn (Anh) ngày 29/3, Ngoại trưởng Pháp Alain Juppe tuyên bố, Pari đang chuẩn bị thảo luận với các đối tác về việc vũ trang cho quân nổi dậy ở Libi, mặc dù biết rằng việc vũ trang hay huấn luyện cho lực lượng đối lập này không nằm trong khuôn khổ hai nghị quyết về Libi (1970 và 1973) mà Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) đã ban hành trong những tuần vừa qua.

Trả lời phỏng vấn chương trình NBC News ngày 30/3, Tổng thống Mỹ Barack Obama cho biết, Oasinhtơn không loại trừ khả năng cung cấp thiết bị quân sự cho lực lượng đối lập tại Libi. Trước đó, Đại sứ Mỹ tại LHQ Susan Rice cũng đã khẳng định điều này.
Phát biểu trước Quốc hội Anh ngày 30/3, Thủ tướng David Cameron khẳng định: Anh chưa đưa ra quyết định song cũng không loại trừ khả năng trang bị vũ khí cho quân nổi dậy ở Libi.

Tuy nhiên, âm mưu trang bị cho phe đối lập ở Libi của Pháp – Mỹ - Anh đã không nhận được sự đồng tình của nhiều quốc gia và tổ chức, kể cả NATO – lực lượng nắm quyền chỉ huy chiến dịch tấn công Libi - và một số nước tham gia cuộc tấn công này.
Phát biểu trên CNN ngày 30/3, Tổng Thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen khẳng định: “Chúng ta có mặt ở Libi không phải để vũ trang cho người dân Libi…”. Ông cho rằng việc cung cấp vũ khí cho lực lượng đối lập là vi phạm lệnh cấm vận vũ khí của LHQ. Trước đó, tại cuộc họp báo sau hội nghị quốc tế ở Luân Đôn, ông Rasmussen đã nhấn mạnh không thể chỉ thực thi giải pháp quân sự, đồng thời hối thúc tất cả các bên tìm giải pháp chính trị càng sớm càng tốt.

Quân nổi dậy tháo chạy khỏi Ras Lanuf ngày 30/3. '
Ảnh: AFP - TTXVN

Trong tuyên bố ngày 30/3, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov khẳng định, các cường quốc phương Tây không có quyền vũ trang cho lực lượng đối lập tại Libi theo sứ mệnh đã được HĐBA LHQ thông qua. Ngoại trưởng Lavrov còn yêu cầu các bên tham chiến tại Libi ngừng bắn ngay và nhanh chóng tiến hành đàm phán để tìm giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột này.

Na Uy, nước cử 6 máy bay chiến đấu F-16 tham chiến ở Libi, cũng bác bỏ việc vũ trang cho phe đối lập. Ngoại trưởng nước này, ông Grete Faremo cho rằng, hành động này “không nằm trong chương trình nghị sự”.

Ngoại trưởng Steven Vanackere của Bỉ, thành viên NATO cũng đưa máy bay chiến đấu đến Libi, cho rằng, việc vũ trang cho quân nổi dậy Libi là “một bước đi quá xa” và và “có thể khiến liên quân mất đi sự ủng hộ của các nước Arập”.
Đan Mạch, nước tham gia áp đặt vùng cấm bay ở Libi theo nghị quyết của HĐBA LHQ, cũng phản đối hành động này. Hãng tin Ritzau dẫn lời Ngoại trưởng Lene Espersen nói: “… Chúng tôi không muốn có thêm những bước đi khác, bắt đầu bằng việc cung cấp vũ khí cho một bên nào đó… Chúng tôi tuyên bố rõ ràng rằng chúng tôi không muốn đóng một vai trò tích cực trong một cuộc nội chiến…”.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Italia Maurizio Massari đánh giá, việc trang bị vũ khí cho lực lượng nổi dậy tại Libi là biện pháp "quá khích" và sẽ chia rẽ cộng đồng quốc tế.
Trong khi đó, Tổng thống Áchentina Cristina Kirchner đã lên tiếng chỉ trích chiến dịch không kích Libi của “một liên minh các nước phương Tây được gọi là văn minh”. Tổng thống Bôlivia Evo Morales cũng chỉ trích nghị quyết của HĐBA LHQ bảo trợ hành động can thiệp quân sự vào Libi, cho rằng hành động này vi phạm chủ quyền và các quyền khác của người dân Libi. Tổng thống Inđônêxia Susilô Bambang Yudhoyono, trong bức thư gửi Tổng Thư ký LHQ ngày 29/3, cũng yêu cầu cơ quan này và cộng đồng quốc tế hành động ngay lập tức để chấm dứt xung đột vũ trang ở Libi và bảo vệ an toàn cho người dân.

Quân nổi dậy bị đánh bật khỏi Ras Lanuf

Ngày 30/3, quân đội Libi, với sự trợ giúp của rốckét và xe tăng, đã đẩy lùi quân nổi dậy khỏi thành phố dầu mỏ trọng yếu Ras Lanuf. Nguồn tin tại chỗ cho biết, phe đối lập đã phải tháo chạy qua Uqayla, cách Ras Lanuf 20 km về phía đông, về hướng thành phố Brega, cách Benghazi khoảng 240 km về phía nam. Trước đó, đêm 29/3, thủ đô Tripôli đã rung chuyển trong những vụ nổ lớn do liên quân mở các cuộc không kích nhằm vào dinh thự của nhà lãnh đạo Libi Moamer Kadhafi và nhiều mục tiêu quân sự ở vùng ngoại ô Tajura.

Trước đó, Lầu Năm Góc cho biết, trong vòng 24 giờ qua, liên quân đã bắn 22 quả tên lửa Tomahawk vào các mục tiêu tại Libi và tiến hành 115 phi vụ không kích và tuần tiễu trên bầu trời Libi. Đây là lần đầu tiên trong vài ngày qua, liên quân sử dụng một lượng tên lửa Tomahawk nhiều như vậy để tấn công Libi, nâng tổng số tên lửa Tomahawk mà liên quân sử dụng kể từ khi bắt đầu chiến dịch Bình minh Odyssey ngày 19/3 lên trên 200 quả.

Hãng tin AFP (Pháp) dẫn lời một bác sĩ ở Tripôli cho biết, đã có 142 người thiệt mạng và 1.400 người bị thương tại Libi kể từ ngày 19/3 đến nay.
Trong khi đó, Hội nghị quốc tế về Libi kết thúc ngày 30/3 tại Luân Đôn đã nhất trí thành lập Nhóm tiếp xúc về Libi để điều phối các nỗ lực quốc tế nhằm hỗ trợ “tiến trình chuyển giao chính trị” và “sắp đặt một tương lai” cho quốc gia Bắc Phi này, đồng thời nhất trí gia tăng sức ép chính trị và kinh tế đối với nhà lãnh đạo Libi Kadhafi.

Các nước tham dự hội nghị khẳng định lại cam kết thực hiện đầy đủ và nhanh chóng các nghị quyết của HĐBA LHQ về Libi và tiếp tục chọn biện pháp quân sự để thực thi các nghị quyết này. Họ đồng thời “nhất trí rằng nhà lãnh đạo Kadhafi và chính quyền của ông đã mất hoàn toàn tính hợp pháp và sẽ phải chịu trách nhiệm về những hành động của mình”.

Đô đốc James Stavridis, Tư lệnh tối cao liên quân NATO tại châu Âu đồng thời là Tư lệnh Bộ chỉ huy Mỹ tại châu Âu, cùng ngày khẳng định Libi có thể cần lực lượng ổn định quốc tế nếu phe đối lập ở Libi, được sự yểm trợ từ các cuộc không kích của liên minh, thành công trong việc lật đổ nhà lãnh đạo Kadhafi. Theo ông Stavridis, hiện nay NATO chưa có cuộc thảo luận nào về việc đưa lực lượng bộ binh đến Libi để ổn định tình hình, nhưng đây là vấn đề cần thiết.

Có bàn tay của Al-Qaeda?

Trong phiên điều trần trước Thượng viện Mỹ ngày 30/3, Đô đốc James Stavridis nói rằng: Theo các nguồn tin tình báo, có những dấu hiệu cho thấy sự hiện diện của mạng lưới khủng bố quốc tế Al-Qaeda hoặc phong trào Hồi giáo Hezbollah trong lực lượng đối lập tại Libi. Ông Stavridis nhấn mạnh, chưa có đủ thông tin để khẳng định có sự tham gia đáng kể của Al-Qaeda hay một tổ chức khủng bố khác trong lực lượng đối lập ở Libi và giới chức tình báo “đang kiểm tra kỹ lưỡng thành phần, nhân thân các thủ lĩnh của lực lượng này”.

Trước đó, nhà lãnh đạo Libi Kadhafi đã từng cảnh báo có các phần tử Al-Qaeda tham gia lực lượng chống chính phủ.

Tuy nhiên, ngay lập tức đã có một số ý kiến bác bỏ tin có sự hiện diện đáng kể của Al-Qaeda hay Hezbollah trong phe đối lập tại Libi. Đại sứ Mỹ tại LHQ Susan Rice cho rằng bất kỳ sự can dự nào (nếu có) của Al-Qaeda với phong trào nổi dậy cũng chỉ hạn chế. Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton cũng nói rằng thông tin về Al-Qaeda và Hezbollah mà ông Stavridis ám chỉ không được dựa trên thông tin tình báo có sức thuyết phục. Trong khi đó, Juan Zarate, cựu cố vấn về vấn đề chống khủng bố của Hội đồng An ninh Quốc gia dưới thời Tổng thống George W. Bush, cho biết ông không có thông tin xác nhận sự can dự của Hezbollah và sẽ là phi lý nếu như cho rằng thành phần ban lãnh đạo phe đối lập tại Libi là người của Hezbollah.

Giới chức Mỹ ngày 30/3 thông báo nước này đã bổ nhiệm nhà ngoại giao kỳ cựu Chris Stevens làm đặc phái viên tại chính quyền lâm thời do phe đối lập Libi thiết lập ở Benghazi. Oasinhtơn muốn ông Stevens sớm tới Benghazi để có “bức tranh rõ ràng hơn” về ban lãnh đạo phe đối lập tại Libi. Một nhà ngoại giao giấu tên của Pháp cùng ngày cho biết Pari cũng sẽ phái một “đại sứ” tới Benghazi. Đó là ông Antoine Sivan, một nhà ngoại giao chuyên nghiệp biết tiếng Arập.

Hạnh Minh