03:01 25/03/2011

Phương Tây gia tăng tấn công Libi

Ngày 24/3, ngày thứ sáu của chiến dịch quân sự mang tên Bình minh Odyssey, liên quân tiếp tục các cuộc tấn công bằng tên lửa và ném bom vào lãnh thổ Libi.

Ngày 24/3, ngày thứ sáu của chiến dịch quân sự mang tên Bình minh Odyssey, liên quân tiếp tục các cuộc tấn công bằng tên lửa và ném bom vào lãnh thổ Libi. Mỹ và NATO đã điều thêm nhiều tàu chiến tới Libi trong bối cảnh dư luận tiếp tục phản đối hành động can thiệp quân sự này.

Thêm nhiều dân thường thiệt mạng

Máy bay chiến đấu F18 của Canađa tại căn cứ Trapani-Birgi ở Italia chuẩn bị lên đường tới tham chiến ở Libi. Ảnh: THX


Hãng tin AFP ngày 24/3 dẫn nguồn Bộ Quốc phòng Anh cho biết, Anh đã bắn hàng loạt tên lửa Tomahawk từ tàu ngầm Trafalgar Class nhằm vào hệ thống phòng không của quân đội Libi. Trước đó, Phó Thống chế không quân của Anh Greg Bagwell khẳng định, lực lượng không quân của nhà lãnh đạo Libi Moamer Kadhafi “không còn tồn tại như một lực lượng chiến đấu” và quân đồng minh nay có thể hoạt động “gần như tự do” trên bầu trời quốc gia Bắc Phi này. Phóng viên AFP có mặt tại Libi đưa tin đã xảy ra nhiều vụ nổ trong đêm 23/3 và sáng ngày 24/3 tại khu vực Tajura (cách thủ đô Tripôli 32 km về phía đông) và vùng ngoại ô phía đông nam Tripôli. Theo AFP, phi đội máy bay chiến đấu của Canađa cũng bắt đầu tham chiến và đã ném bom phá hủy một kho vũ khí ở thành phố lớn thứ ba Misrata (cách Tripôli 214 km về phía đông) do lực lượng đối lập tại Libi chiếm giữ.


Ngoại trưởng Pháp Alain Juppe ngày 24/3 khẳng định, chiến dịch quân sự của liên quân nhằm vào quân đội của nhà lãnh đạo Libi Moamer Kadhafi sẽ chỉ mất vài ngày hoặc vài tuần, chứ không mất đến cả tháng. Theo ông Juppe, các cuộc không kích của liên quân nhằm vào chính quyền Libi là một “thành công” và sẽ “tiếp tục diễn ra chừng nào còn cần thiết”. Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Gerard Longuet nói trên tờ Le Figaro (Pháp) rằng, “vùng cấm bay đã trở thành hiện thực” và các cuộc không kích đã phá hủy hàng chục xe thiết giáp của Libi trong ba ngày qua.

Hãng thông tấn nhà nước Libi (JANA) ngày 24/3 đưa tin, các vụ oanh tạc của phương Tây nhằm vào khu dân cư ở Tajura đã làm “rất nhiều người” thiệt mạng. Theo JANA, phương Tây đã ba lần oanh kích vào Tajura, trong đó đợt oanh kích thứ ba nhằm vào lực lượng cứu hộ khi họ đang tìm cách đưa những người bị thương và những người đã thiệt mạng ra khỏi đống đổ nát. Truyền hình Nhà nước Libi cũng đưa tin, liên quân đã tấn công dân thường và các mục tiêu quân sự ở Jarra (phía tây nam Tripôli).

Ngày 24/3, Mỹ và đồng minh phương Tây tiếp tục tăng cường lực lượng tới khu vực Địa Trung Hải. Mỹ đã điều thêm tàu đổ bộ chở trực thăng USS Bataan, tàu vận tải đổ bộ USS Mesa Verde và tàu USS Whidbey Island tới Địa Trung Hải. Hiện đã có sáu nước nhất trí đóng góp 21 tàu chiến và 1 tàu ngầm, trong đó Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố góp 5 tàu chiến và một tàu ngầm bất chấp việc nước này vẫn do dự về chiến dịch quân sự nhằm vào Libi. Trong khi đó, các máy bay và tàu chiến của NATO đã có mặt tại vùng biển ngoài khơi Libi, bắt đầu việc tuần tra nhằm thực hiện lệnh cấm vận vũ khí đối với Libi mà các đại sứ của 28 nước thành viên tổ chức quân sự này đã thông qua trước đó. NATO còn đề xuất thành lập một hạm đội tàu chiến và tàu ngầm nhằm thực thi lệnh cấm vận vũ khí.

Cũng trong ngày 24/3, Trung Quốc một lần nữa nhấn mạnh cần thực thi ngay một lệnh ngừng bắn ở Libi cũng như tìm kiếm một giải pháp thông qua đối thoại. Bắc Kinh cảnh báo giao tranh tại quốc gia Bắc Phi này có thể gây bất ổn cho khu vực. Tổng thư ký LHQ Ban Ki-Moon cũng nhắc lại lời kêu gọi tất cả các bên ở Libi ngừng bắn. Chính phủ Xri Lanca ra tuyên bố nước này không tán thành “hành động xâm lược” Libi. Bộ trưởng Ngoại giao nước này G.L. Peiris cho rằng các cuộc tấn công Libi đã đi ngược lại nghị quyết của LHQ, đồng thời bày tỏ hy vọng sớm có sự can thiệp quốc tế nhằm giải quyết xung đột hiện nay để ngăn chặn tình trạng dân thường bị thiệt mạng.

NATO chia rẽ về chỉ huy chiến dịch

Trong bối cảnh NATO muốn phá vỡ thế bế tắc trong việc tiếp quản chiến dịch Bình minh Odyssey của liên quân, khối quân sự này đã vạch ra kế hoạch về cơ cấu chỉ huy các chiến dịch quân sự ở Libi từ một căn cứ ở Italia.

Ngày 24/3, một nhà ngoại giao giấu tên cho biết, bộ chỉ huy thường xuyên của chiến dịch sẽ được đặt tại căn cứ của NATO ở Naples (Italia), cơ quan thứ cấp chỉ huy chiến dịch hải quân cũng được đặt ở địa điểm trên và cơ quan thứ cấp chỉ huy vùng cấm bay đặt ở Poggio Renatico, miền bắc Italia. Cũng theo nhà ngoại giao này, bộ chỉ huy chiến lược của NATO - Bộ Chỉ huy Tối cao Quân lực liên minh ở châu Âu (SHAPE) đặt tại Mons (Bỉ), sẽ giám sát các hoạt động chung. Hoạt động của không quân sẽ được giám sát từ Izmir (Thổ Nhĩ Kỳ) song các hoạt động chiến thuật hàng ngày sẽ được chỉ đạo từ Poggio Renatico.

Trước đó, Italia đã đề nghị NATO đóng vai trò chỉ huy duy nhất, điều hành hoạt động quân sự của liên quân tại Libi trong khi Pháp đã bác bỏ khả năng NATO đóng vai trò trung tâm chỉ huy, đồng thời đề nghị thành lập một ủy ban chỉ đạo chiến dịch có sự tham gia của Liên đoàn Arập. Trong cuộc điện đàm ngày 23/3, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy và Tổng thống Mỹ Barack Obama đã đạt được thỏa thuận sơ bộ về các phương thức sử dụng cơ cấu chỉ huy của NATO nhằm hỗ trợ cho chiến dịch quân sự tại Libi.

Nhận định về cuộc chiến Libi, nhà phân tích thời sự Robert Farley của tạp chí trực tuyến Chính trị thế giới (WPR) cho rằng, mặc dù cuộc chiến tranh của liên minh phương Tây ở Libi cho đến nay vẫn chưa có lựa chọn chiến lược rõ ràng giữa lật đổ nhà lãnh đạo Kadhafi, hỗ trợ phe đối lập hay chỉ đơn thuần là bảo vệ dân thường nhưng đã có bóng dáng “mô hình chiến tranh Ápganixtan” mà Mỹ đang sa lầy ở đó. Theo ông Farley, việc thiếu mục tiêu chiến lược rõ ràng đồng nghĩa với các hoạt động quân sự trong và ngoài Libi thiếu sự liên kết giữa các nước thành viên trong liên minh, thậm chí tồi tệ hơn nữa là cho đến nay vẫn không rõ liên minh này có sẵn sàng cam kết huy động lực lượng đủ để giành chiến thắng trong chiến tranh, hay ít nhất có quan tâm đến kiến tạo hòa bình ở Libi hay không.

Hồng Hạnh