11:10 18/11/2010

Phương Tây chuyển trọng tâm tình báo

Việc các cường quốc mới nổi như Trung Quốc và Ấn Độ tăng cường hoạt động tình báo cấp quốc gia có thể châm ngòi cho hoạt động tương tự của phương Tây. của các cường quốc đối thủ, như Nga và đặc biệt là Trung Quốc.

Việc các cường quốc mới nổi như Trung Quốc và Ấn Độ tăng cường hoạt động tình báo cấp quốc gia có thể châm ngòi cho hoạt động tương tự của phương Tây. Các cơ quan tình báo phương Tây có thể sẽ quan tâm nhiều hơn tới giới hoạch định chính sách, giới quân sự và khả năng chiến tranh mạng của các cường quốc đối thủ, như Nga và đặc biệt là Trung Quốc.Chứng minh được điều gì đang diễn ra trong thế giới tình báo quả là khó khăn, nhưng một số cựu nhân viên tình báo thừa nhận rằng đang có sự chuyển hướng rõ ràng trong hoạt động của thế giới bí mật này. Ông Nigel Inkster, cựu quan chức của Cơ quan Tình báo mật của Anh (MI6) cho rằng, nhu cầu thông tin tình báo cấp quốc gia sẽ tăng lên, do các cường quốc mới nổi đang có ảnh hưởng ngày càng lớn. Tuy xung đột trực tiếp giữa các cường quốc mới nổi và các quốc gia phương Tây ít có khả năng xảy ra, nhưng cạnh tranh và đôi khi đối đầu giữa các nước này sẽ tăng lên trong nhiều lĩnh vực, từ chính sách tiền tệ đến tình báo công nghiệp và chiến tranh mạng.

Người ta tin rằng hoạt động tình báo của các cường quốc mới nổi nhằm tìm hiểu cả bí mật thương mại lẫn bí mật quốc gia của phương Tây đã tăng lên mức chưa từng có kể từ thời Chiến tranh Lạnh. Tuy vậy vẫn có những bước thụt lùi. Tổng thống Nga Dmitry Medvedev ngày 12/11 đã phải lưu ý cơ quan tình báo, mà một thời hùng mạnh nhất của Nga, rằng họ cần phải củng cố nội bộ, sau khi một trưởng nhóm tình báo phản bội mạng lưới điệp viên ở Mỹ trong một vụ đổ vỡ tồi tệ nhất của tình báo Nga trong nhiều thập kỷ qua.

Ông Fred Burton, cựu phản gián Mỹ, hiện là phó chủ tịch tổ chức phân tích tin Stratfor, cho biết Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) đã bắt đầu chuyển nguồn lực từ chống khủng bố trở lại hoạt động phản gián. Ông nói: “Đây là thách thức lớn của các cơ quan tình báo phương Tây. Mười năm qua họ đã tập trung cao vào hoạt động chống khủng bố, ở Irắc và Ápganixtan. Họ sẽ quay lại trọng tâm cũ. Vấn đề chỉ còn là họ chuyển hướng đến mức nào mà thôi”.

Một trong những dấu hiệu cho sự chuyển hướng ưu tiên này là ngày 3/11/2010 Lầu Năm Góc thông báo Bộ Chỉ huy Chiến tranh mạng của quân đội Mỹ, có nhiệm vụ bảo vệ an toàn và chống đột nhập cho khoảng 15.000 máy tính trong mạng lưới quân sự, đã đi vào hoạt động đầy đủ. Ngày 19/10, quân đội Anh cũng thông báo dự chi ngân sách 650 triệu bảng cho chương trình an ninh mạng, một mức tăng đáng kể, giữa lúc hầu hết các chương trình chi tiêu ngân sách bị cắt giảm. Ông Ian Lobban, Giám đốc Sở Chỉ huy Thông tin Chính phủ (GCHQ), cơ quan tình báo thông tin của Anh, cho biết các nước đang sử dụng kỹ thuật chiến tranh mạng để tấn công các nước khác, do đó rất cần phải bảo vệ hệ thống máy tính. Ông cho rằng “internet đã hạ thấp rào chắn trong cuộc chiến phản gián”.

Trong bài phát biểu công khai đầu tiên của một quan chức MI6 đương nhiệm hồi tháng trước, ông John Sawers cho rằng tuy khủng bố có thể tấn công phương Tây và gây tổn thất lớn về người, nhưng hoạt động phổ biến hạt nhân của một số quốc gia có thể gây ra thảm họa lớn hơn nhiều. Cựu quan chức MI6 Inkster, hiện phụ trách Vụ Rủi ro chính trị và các mối đe dọa xuyên quốc gia của Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế Luân Đôn (IISS), cho rằng ông Sawers có thể đang phụ trách cả các vấn đề liên quan tới hoạt động tình báo của Nga, Trung Quốc và các cường quốc khác và lĩnh vực hoạt động này có thể sẽ tăng lên. Ông lưu ý: “Cần phân biệt giữa quan trọng và khẩn cấp. Khi phát hiện ra một âm mưu khủng bố người ta phải hành động ngay. Tuy nhiên có những vấn đề khác quan trọng hơn, nhưng ít khẩn cấp hơn”. Ông giải thích thêm rằng, giám sát các cường quốc mới nổi không chỉ đơn thuần là theo dõi mối đe dọa trực tiếp của các nước này đối với Anh, mà còn phải thu thập đủ thông tin để có thể tư vấn cho các nhà hoạch định chính sách về những bước đi tiếp theo mà các nước này có thể thực hiện trong tương lai. Một số nhà phân tích khác cho rằng sự chuyển hướng ưu tiên của tình báo phương Tây chỉ ở mức khiêm tốn. Ưu tiên hàng đầu của các cơ quan tình báo phương Tây vẫn là ngăn chặn các vụ tấn công quân sự chết người. Tổn thất chính trị của việc để xảy ra những vụ tấn công như vậy vẫn rất cao, đối với cả các chính phủ phương Tây lẫn người đứng đầu các cơ quan tình báo. Ông Alastair Newton, cựu quan chức của Văn phòng Nội các Anh, hiện là nhà phân tích rủi ro chính trị cho Ngân hàng Nomura của Nhật Bản nói: “Không phải sự trỗi dậy của châu Á không quan trọng, nhưng các nước sẽ không cắt giảm nhiều nguồn lực dành cho các mối đe dọa an ninh quốc gia hiện hữu”.


TTK/TTXVN