04:13 27/04/2012

Phường rối Đào Thục còn mãi với thời gian

Rời xa sự ồn ào, náo nhiệt của thành phố, chúng tôi về ngôi làng Đào Thục. Không khí trong lành, thoáng đãng, với đình làng cổ xưa, hồ nước, nhà thuỷ đình tám mái…không gì có thể tuyệt hơn khi được xem múa rối ở chính nơi đây.

Nhắc đến múa rối nước là nhắc phải đến Đào Thục (Đông Anh, Hà Nội), một trong những làng nghề lâu đời nhất, độc đáo nhất vẫn còn gìn giữ và phát triển bộ môn nghệ thuật này.

Rời xa sự ồn ào, náo nhiệt của thành phố, chúng tôi về ngôi làng Đào Thục. Không khí trong lành, thoáng đãng, với đình làng cổ xưa, hồ nước, nhà thuỷ đình tám mái…không gì có thể tuyệt hơn khi được xem múa rối ở chính nơi đây.

Thu hút bởi nét cổ truyền

Với bề dày hơn 300 năm, làng Đào Thục là ngôi làng cổ nhất còn lưu truyền nghệ thuật múa rối. Điều đặc biệt mà chỉ có ở Đào Thục, đó là du khách đến nơi đây sẽ được gặp lại những hình ảnh của múa rối cổ xưa ngay tại đình làng, nơi có một hồ lớn, xung quanh được kè đá, dưới hồ là nhà thủy đình tám mái.


Mỗi tháng, trung bình phường rối Đào Thục nhận hơn 20 suất diễn.


Không chỉ có các du khách Việt Nam mà còn có rất nhiều những du khách nước ngoài tìm đến đây để thưởng thức loại hình cổ truyền này. Đặc biệt là với các nhà làm phim của các nước, chỉ có đến đây họ mới có thể quay được những thước phim chân thật, sống động nhất.

Không chỉ nhận các suất diễn ở tại đình làng, phường rối Đào Thục còn đi diễn ở khắp mọi nơi. Mỗi tháng trung bình phường rối Đào Thục nhận hơn 20 suất diễn, thậm chí có tháng còn 30 suất diễn đăng kí của các công ty du lịch. Phường rối có trên 35 nghệ nhân nhưng chỉ có hơn 20 nghệ nhân lưu diễn. Vậy mà có những ngày họ diễn tới 5 suất cho 5 công ty du lịch khác nhau.

Khách tìm đến với Đào Thục ngày càng đông. Có khoảng 4 công ty du lịch thường xuyên đặt suất diễn với phường rối Đào Thục.

Giữ truyền thống làm gốc


Những nghệ nhân múa rối trong nhà thủy đình.


Phường rối cổ truyền Đào Thục thu hút khách không chỉ bởi sự lưu giữ những bản sắc văn hóa truyền thống, mà còn bởi sự sáng tạo của các nghệ nhân. Vẫn giữ những tích trò cổ, nhưng các nghệ nhân nơi đây nâng cấp múa rối lên bằng những âm thanh, làn điệu chèo đặc sắc. Anh Nguyễn Văn Trách, Phó phường rối Đào Thục chia sẻ: “Chúng tôi luôn muốn đem đến cho người xem những màn múa đặc sắc nhất, ấn tượng nhất nhưng luôn giữ cái gốc, những cái truyền thống của bộ môn này”.

Trước đây, đã có người từng ý kiến chuyển đổi phường rối lên thành công ty. Nhưng đề nghị này đã bị phường và chính quyền phản đối. Với các nghệ nhân ở đây múa rối chỉ là nghề phụ, họ gắn bó với phường rối Đào Thục bởi sở thích và niềm đam mê. Họ muốn đem lại đến với khán giả những gì đặc sắc nhất, dân dã nhất hay nói cách khác, họ muốn giữ gìn truyền thống của làng Đào Thục, cái nôi của nghệ thuật múa rối chứ không phải đem múa rối ra để kinh doanh.

Do sân đình không được rộng nên lượng khách mà phường rối Đào Thục tiếp nhận mỗi suất diễn không nhiều, chỉ khoảng 50 người. Có những lần công ty du lịch đăng kí cho đoàn khách hơn 100 người, nhưng do sợ đông quá, ảnh hưởng đến việc xem của du khách nên phường rối kiên quyết từ chối.

Với sức hút của đồng tiền trong xã hội ngày nay, hầu hết các làng nghề đều đang bị mai một, nhưng riêng phường rối của làng Đào Thục dường như lại đang trên đà phát triển. Chính quyền nơi đây đang đầu tư một con đường lớn, dễ đi hơn vào làng Đào Thục, xây sửa lại nhà khách của phường rối để du khách đến với Đào Thục thuận lợi hơn.

Có được sự phát triển đó là nhờ phần lớn vào sự đam mê, yêu nghề của các nghệ nhân. Nghệ nhân trẻ nhất của phường rối mới chỉ ở lứa tuổi 17, 18, vừa đi học, vừa đi diễn. Anh Nguyễn Văn Trách chia sẻ: “Chúng tôi có đội ngũ trẻ nhưng rất say mê nghề, họ rất chăm chỉ luyện tập và sáng tạo.” Dường như tình yêu nghệ thuật truyền thống đã ngấm sâu trong máu những nghệ nhân nơi đây. Phường rối Đào Thục sẽ còn phát triển mạnh mẽ bởi đội ngũ nghệ nhân yêu nghề như thế này.


Hương Trang