07:05 01/07/2011

Phúc thẩm vụ ông Đinh Đức Phiếu : Hủy bản án sơ thẩm, tuyên bị cáo không phạm tội “Vu khống”

Sáng 30/6, TAND tỉnh Ninh Bình mở phiên tòa xét xử phúc thẩm theo đơn kháng cáo của ông Đinh Đức Phiếu đối với bản án sơ thẩm số 135/2008 của TAND thành phố Ninh Bình.

Sáng 30/6, TAND tỉnh Ninh Bình mở phiên tòa xét xử phúc thẩm theo đơn kháng cáo của ông Đinh Đức Phiếu đối với bản án sơ thẩm số 135/2008 của TAND thành phố Ninh Bình.

Vợ ông Đinh Đức Phiếu tại phiên tòa

HĐXX đã quyết định: Hủy bản án hình sự sơ thẩm số 135/2008 HSST ngày 1/12/2008 của TAND thành phố Ninh Bình, đình chỉ vụ án. Tòa tuyên bố bị cáo Đinh Đức Phiếu không phạm tội “Vu khống”. Bị cáo Đinh Đức Phiếu được khôi phục danh dự, quyền và lợi ích hợp pháp theo quy định pháp luật.

Theo bản án tại phiên tòa phúc thẩm: Đầu tháng 5/2008 ông Phiếu hay đi uống bia ở vỉa hè, thu thập được nhiều thông tin. Sau đó, ông tổng hợp nhờ người đánh máy thành văn bản, ký tên mạo danh, đại diện cho Hội cựu chiến binh và Câu lạc bộ Thúy Sơ rồi đóng phong bì đưa ra Hà Nội gửi tới 36 địa chỉ trong tỉnh, trong đó có các nội dung nói xấu, bôi nhọ nhiều lãnh đạo cao cấp trong tỉnh, ảnh hưởng tới uy tín cá nhân lãnh đạo.

Tòa án sơ thẩm đã kết tội “Vu khống” với mức án 5 năm tù giam đối với ông Đinh Đức Phiếu. Trong các phần thẩm vấn cũng như tranh luận, bà Nguyễn Thị Thìn vừa là vợ vừa là giám hộ đại diện hợp pháp cho ông Phiếu cho rằng: Trong thời gian phạm tội ông Phiếu bị bệnh tâm thần nhưng không được các cơ quan tố tụng trưng cầu giám định như vậy là sai thủ tục.

Đây là vụ án kéo dài, khó khăn không chỉ là việc xác định ông Phiếu phạm tội hay không, mà khó khăn ở chỗ tranh cãi về thủ tục tố tụng, cũng như xác định ông Phiếu bị tâm thần như thế nào.

Phiên tòa phúc thẩm khẳng định: Việc tiến hành tố tụng, điều tra, xét xử của cấp sơ thẩm đều đúng quy trình, trình tự pháp luật. Việc ông Phiếu bị tâm thần trong quá trình điều tra nhưng không được trưng cầu giám định vì các lý do sau: Thứ nhất, trong giai đoạn này người nhà đã đưa ông Phiếu đi khám ở Bệnh viện tâm thần nhưng cho kết quả bình thường. Thứ hai, Cơ quan điều tra Công an tỉnh Ninh Bình cũng làm việc với Bệnh viện tâm thần và được xác nhận là tình trạng sức khỏe ông Phiếu không có vấn đề gì và có thể hợp tác với cơ quan điều tra. Thứ ba, chính ông Phiếu cũng thừa nhận mình không mắc bệnh và có thể hợp tác trong quá trình tố tụng và lời khai của ông rất chính xác, minh mẫn. Thứ tư, trong đơn kháng cáo của chính ông Phiếu thì chỉ đề nghị được giảm mức án chứ không cho rằng mình bị tâm thần và cơ sở cuối cùng là nhiều người thân ông Phiếu, trong đó có những người hiện đang làm việc trong các cơ quan bảo vệ pháp luật không ai phản ánh hoặc đề nghị với cơ quan điều tra là ông Phiếu đang bị tâm thần cần trưng cầu giám định. Với các lý do trên, các cơ quan tố tụng đã không trưng cầu giám định đối với ông Phiếu.

Tuy nhiên, trong quá trình điều tra, xem xét hồ sơ để giải quyết xét xử phúc thẩm, TAND tỉnh Ninh Bình thấy rằng, gia đình ông Phiếu có đơn đề nghị phải trưng cầu giám định để xác định tâm thần của ông Phiếu, cũng như bệnh tình của ông Phiếu ngày càng nặng và biểu hiện rõ rệt nên Tòa án đã trưng cầu giám định ở Viện giám định pháp y tâm thần Trung ương nhiều lần và cho kết quả như sau: Từ năm 2005, tức trước thời điểm phạm tội chừng 3 năm ông Phiếu bị tâm thần. Nhưng chia làm 4 giai đoạn, trong đó giai đoạn phạm tội, ông Phiếu bị giảm khả năng nhận thức và điều khiển hành vi. Giai đoạn chuẩn bị xét xử phúc thẩm, ông Phiếu đã mất khả năng nhận thức và điều khiển hành vi.

Nguyễn Văn Cảnh