07:09 02/07/2012

Phú Thọ: Cây đặc sản, giúp đồng bào xóa đói, giảm nghèo

Nhờ trồng cây khoai tầng và chuối phấn vàng, cái nghèo, cái đói đã không còn đeo đẳng cuộc sống đồng bào dân tộc Dao và Mường ở huyện miền núi Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ. Giờ đây bà con đã có của ăn của để.

Nhờ trồng cây khoai tầng và chuối phấn vàng, cái nghèo, cái đói đã không còn đeo đẳng cuộc sống đồng bào dân tộc Dao và Mường ở huyện miền núi Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ. Giờ đây bà con đã có của ăn của để.


Theo trưởng bản Náy, ông Trần Văn Vinh: Khoai tầng vàng là loại cây truyền thống của đồng bào dân tộc Dao được trồng tại các bản vùng cao ở huyện miền núi Thanh Sơn. Trước đây bà con chỉ trồng để chống đói lúc giáp hạt, nhưng từ năm 2004 đến nay, dưới sự hướng dẫn của Trạm khuyến nông huyện Thanh Sơn, bà con đã đưa khoai tầng vào trồng đại trà bằng cách đào hố, đặt mầm để khoai cho củ to, năng suất cao. Ông Vinh cho biết thêm: Khoai tầng chỉ có trồng tại các vùng đồi, núi cao tại 3 bản của người Dao, xã Yên Lương, mới cho chất lượng tốt nhất, vì khoai có đặc tính ưa khí hậu mát mẻ, ôn hòa. Khoai tầng có hai loại: màu trắng và màu vàng, trong đó loại khoai vàng có chất lượng củ ngon hơn. Mùa thu hoạch vào tháng 10 đến tháng 12 hàng năm, rộ nhất vào dịp gần Tết. Từ ngày trồng cây khoai tầng, đời sống dân bản đã khởi sắc. Nhiều gia đình đã đủ ăn, ngoài ra còn tiết kiệm mua sắm được nhiều trang thiết bị khác.


 

Bà con trồng đại trà cây khoai tầng vàng.

 

Cùng với khoai tầng, chuối phấn vàng hiện cũng là loại cây trồng làm nên sự đổi đời của người Mường sống quanh chân núi Đồng Hang, từ xã Tân Lập đến xã Tân Minh, Thượng Cửu (huyện Thanh Sơn). Phó Chủ tịch UBND xã Tân Minh, ông Hà Thế Thư phấn khởi cho biết: Tân Minh nằm trong danh sách những xã đặc biệt khó khăn của huyện miền núi Thanh Sơn, với tỷ lệ hộ nghèo chiếm tới 44%, đời sống chủ yếu là dựa vào đồi rừng. Trước đây, chuối phấn được trồng lẻ tẻ trên núi. Người dân khi đó trồng chuối chỉ để phục vụ sinh hoạt hàng ngày. Khi thị trường tiêu thụ chuối phát triển, đặc biệt là thương lái từ Hà Nội, Sơn Tây (Hà Tây cũ), Hòa Bình lên gom chuối đem về xuôi bán, người dân mới thấy hiệu quả và lợi ích từ cây chuối. Và cùng lúc đó, năm 2007, UBND huyện Thanh Sơn đã chỉ đạo Ban Quản lý Chương trình 135 huyện triển khai chương trình “Mở rộng diện tích cây chuối phấn vàng trên địa bàn xã Tân Minh”. Ban đầu, dự án được triển khai trên tổng diện tích gần 40ha, tập trung chủ yếu ở khu Dớn và khu Đồng Giao với sự tham gia của gần 120 hộ. Sau 3 năm triển khai, trừ chi phí, mỗi hộ tham gia dự án có thu nhập bình quân khoảng 20 triệu đồng/ha/năm. Thấy được hiệu quả từ trồng chuối phấn vàng, bà con Tân Minh đã chủ động mở rộng diện tích. Đến nay tổng diện tích trồng chuối đã lên đến trên 50ha với sự tham gia của 130 hộ. Hiện tại, ước tính trung bình, một buồng chuối phấn vàng thông thường từ 25 - 30kg, có buồng lên tới trên 40kg. Chỉ với giá 4.000 - 5.000 đồng/kg, thì trừ chi phí mỗi ha chuối cũng đã cho thu nhập 60 - 70 triệu đồng. Nhờ trồng chuối, nhiều gia đình trong xã đã có tiền mua sắm vật dụng cho gia đình và gửi tiết kiệm. Ở Tân Minh, hộ có diện tích chuối lớn nhất xã là trên 2ha, ít cũng được dăm sào. Để tiện đầu ra cho chuối quả, trong xã đã có một vài đại lý chuyên thu gom chuối cho bà con. Chuối vừa trổ buồng đã được đánh dấu, đợi chuối già là gom cho đại lý. Bởi vậy, bà con không phải lo khâu tiêu thụ. Mà thu nhập từ chuối, tính ra hơn hẳn trồng lúa và trồng rừng.


Huyện Thanh Sơn cũng đã lập đề án phát triển cây khoai tầng và chuối phấn vàng - cây đặc trưng của đồng bào dân tộc nơi đây. Bên cạnh đó, huyện đã và đang khuyến khích bà con mở rộng sản xuất và xây dựng các mô hình kinh tế giúp người dân thoát nghèo bền vững và vươn lên làm giàu.


Bài và ảnh: Vũ Bắc