08:08 18/08/2012

Phụ gia bẩn: Trăm người mua vẫn thua người bán

Bên cạnh nỗi lo về thực phẩm ôi thiu, quá hạn sử dụng thì hiện nay người tiêu dùng còn rất lo lắng về việc thực phẩm chứa nhiều phụ gia gây hại.

Bên cạnh nỗi lo về thực phẩm ôi thiu, quá hạn sử dụng thì hiện nay người tiêu dùng còn rất lo lắng về việc thực phẩm chứa nhiều phụ gia gây hại.

 

Để trăm người mua không thua một người bán


Trong một hội thảo về việc sử dụng PGTP diễn ra mới đây tại Hà Nội, bà Mai, tiểu thương chợ Ngô Sĩ Liên (Hà Nội) cho rằng việc tuyên truyền sử dụng phụ gia đúng cách phải tập trung vào những người bán hàng. Bởi người mua dù “thông thái” đến đâu cũng không thể phát hiện được hết những “chiêu” của người bán.


“Cần tuyên truyền để người bán không vì lợi nhuận mà bán thực phẩm độc cho khách hàng”, bà Mai nói.


Chợ Đồng Xuân có 172 hộ kinh doanh thực phẩm và 18 hộ kinh doanh chất phụ gia từng là một trong những điểm nhức nhối về việc kinh doanh buôn bán PGTP. Việc kiểm tra, giám sát các vi phạm về PGTP tại chợ gặp nhiều khó khăn do nhiều hộ kinh doanh đối phó với các đoàn kiểm tra bằng cách lưu giữ hàng ở ngoài chợ, chỉ khi khách có nhu cầu mua thì họ mới mang tới…


Chị Vũ Thanh Thủy, phó trưởng phòng Quản lí Công ty Cổ phần chợ Đồng Xuân đề nghị: “Hiện nay, công tác an toàn thực phẩm liên quan đến 3 Bộ: Y tế, Công thương, Nông nghiệp và PTNT nên việc triển khai gặp một số khó khăn. Tôi đề nghị các cơ quan chức năng cần có sự thống nhất về việc cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm cho các hộ kinh doanh tại chợ”.


Chị Hạnh, hiện đang công tác tại Công đoàn, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam chia sẻ: Hiện nay nhiều phụ nữ ra chợ không biết chọn thực phẩm thế nào cho an toàn. Họ thường tặc lưỡi: “Ăn cũng chết mà không ăn cũng chết”, thà chết no còn hơn chết đói.


Chị Hạnh kiến nghị các cơ quan chức năng phải xử lí thật nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật về PGTP, đồng thời, trước ma trận những loại PGTP, nên có hướng dẫn cụ thể, chi tiết và dễ hiểu cho cả người mua và người bán. “Thay vì quy định không nên dùng quá bao nhiêu mg chất phụ gia thì dùng đơn vị 1-2 thìa/một lít nước sẽ dễ hiểu với đại bộ phận hơn”, chị Hạnh cho biết.


Đồng ý với ý kiến phải tuyên truyền để người dân hiểu và biết cách sử dụng PGTP, ông Nguyễn Phú Cường, Vụ phó Vụ Khoa học công nghệ (Bộ Công Thương) cho rằng, không thể có đủ lực lượng cán bộ đi đến từng gian hàng ở chợ để kiểm tra từng miếng thịt, hộp kẹo mà phải có sự chung tay của cả cộng đồng. “Tôi không nghĩ người bán vô lương tâm đến mức dù biết tác hại của PGTP độc hại nhưng vẫn cố tình sử dụng. Quan trọng là chúng ta phải tuyên truyền cho họ hiểu”, ông Cường nói.


Còn theo ông Nguyễn Thanh Phong, Phó Cục trưởng Cục ATVSTP, cần đẩy mạnh hoạt động thông tin, giáo dục truyền thông thay đổi hành vi để người sản xuất và người tiêu dùng thấy rõ tác hại của PGTP sai quy định, đồng thời phải tăng cường trách nhiệm của UBND, các hội, đoàn thể.


Sử dụng phụ gia thực phẩm tùy tiện


Theo Ủy ban Tiêu chuẩn thực phẩm thế giới (Codex), hiện có khoảng 700 loại phụ gia thực phẩm (PGTP) và hơn 2.000 loại hương liệu được phép sử dụng. Riêng Việt Nam cho phép sử dụng 23 nhóm với 337 chất PGTP (bao gồm cả hương liệu). Con số này là khá ít so với các nước khác như Mỹ, Nhật, Trung Quốc. Tuy nhiên, trên thị trường hiện còn trôi nổi rất nhiều loại PGTP nằm ngoài danh mục PGTP được phép sử dụng.


Ngoài ra, nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm vì mục tiêu lợi nhuận đã cố tình sử dụng PGTP không đúng liều lượng chủng loại cho phép, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của người tiêu dùng.


 

Đoàn công tác của Bộ Y tế kiểm tra một cơ sở kinh doanh phụ gia thực phẩm tại TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Phương Vy-TTXVN

 

Theo số liệu của Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) (Bộ Y tế), năm 2011, kiểm tra 18 ki ốt chợ Đồng Xuân (Hà Nội), mặc dù không phát hiện thấy PGTP hết hạn nhưng các ki ốt này vẫn có vi phạm về nhãn mác như không có hạn sử dụng, ngày sản xuất, kể cả hướng dẫn sử dụng cũng không có.


Theo một thống kê về tình hình sử dụng PGTP (khảo sát từ năm 2008 đến 2011) của Cục ATVSTP, tại khu vực phía Bắc có 15,6% mẫu phở, bánh giò có hàn the, 12% mẫu nước giải khát, mì ăn liền có phẩm màu kiềm… Ở phía Nam, hơn 17% mẫu tôm tươi, bún có foócmôn. Một bộ phận người bán hàng muốn có sản phẩm bắt mắt, hấp dẫn nên đã sử dụng PGTP một cách vô tội vạ.


Trong khi đó, nếu quá lạm dụng PGTP, sử dụng sai chủng loại hoặc quá liều sẽ gây ngộ độc. Chẳng hạn, chỉ 1 g hàn the có thể gây tiêu chảy, nôn mửa; 15 g có thể gây tử vong.

 


Hoàng Dương